Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Viện kiểm sát quân sự (12/5/1961-12/5/2021), phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã phỏng vấn Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương về 60 năm xây dựng và phát triển của Viện kiểm sát quân sự.

Phóng viên (PV): Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển của Viện kiểm sát quân sự, Viện kiểm sát quân sự (VKSQS) đã có những đóng góp quan trọng trong mỗi giai đoạn lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Đồng chí có thể cho biết những dấu ấn của VKSQS thời gian qua?

Trung tướng Tạ Quang Khải: Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức VKSND năm 1960, thi hành Quyết nghị của Thường trực Quân ủy Trung ương, ngày 12/5/1961, Tổng cục Chính trị ban hành Thông tri số 06/TT-H hướng dẫn việc tổ chức các VKSQS. Sự kiện này đánh dấu sự ra đời của hệ thống tổ chức VKSQS các cấp. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, các VKSQS đã không ngừng trưởng thành, nắm vững và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Quân đội trong từng thời kỳ. 

leftcenterrightdel
Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương. 

Trong những năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các VKSQS đã góp phần đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm có hiệu quả, củng cố ý chí chiến đấu, duy trì kỷ luật quân đội ở chiến trường, ổn định hậu phương quân đội, cùng quân và dân cả nước làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Những năm đầu của thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, VKSQS đã hình thành hệ thống tương đối hoàn chỉnh trong toàn quân. Trong lĩnh vực án hình sự, cùng với việc giải quyết một số lượng lớn các loại tội trọng điểm, các VKSQS phải giải quyết hàng loạt vụ án đầu hàng địch những năm kháng chiến chống Mỹ, nhằm giữ nghiêm pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội.

Đến những năm đầu của thời kỳ đổi mới, khi hệ thống pháp luật của Nhà nước được xây dựng và hoàn thiện đồng bộ, trong đó có Bộ luật Hình sự năm 1985, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988; đặc biệt, ngày 3/1/1986, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước công bố Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự. Đây là pháp lệnh đầu tiên quy định một cách chi tiết và chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của các VKSQS.  

leftcenterrightdel
Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương chỉ đạo giải quyết án. 

Các VKSQS đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong quân đội đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt đã điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án phức tạp, liên quan đến nhiều người, được dư luận quan tâm thời kỳ đó về các tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa”, “Gián điệp”,  “Chiếm đoạt, tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”... Các Cơ quan điều tra thuộc VKSQS đã chủ động, thụ lý điều tra nhiều vụ án thuộc  thẩm quyền, trong đó có nhiều vụ án phức tạp khi được Viện trưởng giao. 

Trong tiến trình cải cách tư pháp, VKSQS các cấp đã triển khai các biện pháp toàn diện, đồng bộ kế hoạch cải cách tư pháp, tiếp tục đổi mới về tổ chức và hoạt động, thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Thành tích và những đóng góp của Viện kiểm sát quân sự trong 60 năm qua đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. VKSQS Trung ương được Chủ tịch nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì năm 1984, Huân chương Chiến công hạng Nhất năm 2001, Huân chương Quân công hạng Ba năm 2010, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất năm 2016, Huân chương Lao động hạng Ba năm 2020; nhiều VKSQS được tặng thưởng Huân chương, Cờ thi đua, Bằng khen của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị.

leftcenterrightdel
 Các Kiểm sát viên VKSQS Trung ương trao đổi công tác. Ảnh Chí Cường.

PV: Trước yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, Trung tướng có thể chia sẻ về công tác của VKSQS các cấp trong giai đoạn hiện nay? 

Trung tướng Tạ Quang Khải: Giai đoạn hiện nay, các VKSQS đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, thực hiện tốt khâu đột phá: “Quản lý kịp thời, đầy đủ; xử lý đúng pháp luật các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”. Đồng thời, thực hiện nghiêm chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. 

Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử luôn được các VKSQS quan tâm, triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng "Nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa", “Tăng cường công tác kháng nghị án phúc thẩm” và “Tăng cường công tác quản lý, giải quyết đơn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm” theo Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao.

Hiện nay, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa được nâng cao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; chất lượng kháng nghị ngày càng được nâng cao.  Các VKSQS cơ bản đã làm tốt công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, dân sự theo đúng quy định của pháp luật và quy chế của VKSND tối cao. Qua kiểm sát, kịp thời phát hiện các sai phạm đã kiến nghị yêu cầu sửa chữa, khắc phục và được các cơ quan, đơn vị chấp nhận. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được lãnh đạo các VKSQS quan tâm, chỉ đạo và quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng đơn thư phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu xây dựng pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền về ngành Kiểm sát, công tác thống kê hình sự, ứng dụng công nghệ thông tin được chú trọng…

Cơ quan điều tra VKSQS Trung ương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật hiện hành. Thực hiện Đề án 236-ĐA/QU ngày 14/4/2016 của Quân ủy trung ương về “Thực trạng và giải pháp phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp trong Quân đội”, Cơ quan điều tra VKSQS Trung ương đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan bổ trợ tư pháp trong hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền.

leftcenterrightdel
Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKSQS Quân chủng Hải quân sau giờ làm việc. Ảnh Kim Mạnh. 

PV: Với những kết quả và dấu ấn đã đạt được, Viện kiểm sát quân sự các cấp xác định nhiệm vụ và mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo như thế nào, thưa Trung tướng? 

Trung tướng Tạ Quang Khải: Thời gian tới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có những thời cơ to lớn nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, kể cả trong nước và quốc tế. Để góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đặt ra, ngành Kiểm sát nói chung, Viện kiểm sát quân sự nói riêng tiếp tục thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội về cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội, đây là trách nhiệm chính trị của Viện kiểm sát quân sự. Các VKSQS cần chủ động đề ra các giải pháp nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo các Nghị quyết của Quốc hội, các chỉ tiêu của ngành KSND, các chỉ thị công tác của Viện trưởng VKSND tối cao, chương trình công tác kiểm sát quân sự hàng năm của Viện trưởng VKSQS Trung ương. 

Đặc biệt là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra VKSQS Trung ương, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp trong Quân đội trong sạch, vững mạnh. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh, đủ bản lĩnh, năng lực, trí tuệ, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát quân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống trong sạch, lành mạnh; dũng cảm và kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; có tinh thần trách nhiệm cao trước chức trách, nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao,
Viện trưởng VKS quân sự trung ương trao các quyết định bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp.

Nâng cao trách nhiệm công tác chỉ đạo, điều hành theo hướng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSQS; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.  Trong đó, tăng cường các mối quan hệ công tác giữa VKSQS với các cơ quan tư pháp cùng cấp, cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong và ngoài Quân đội để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; đồng thời xây dựng Viện kiểm sát quân sự vững mạnh. 

Phát huy truyền thống của Viện kiểm sát quân sự trong 60 năm qua, các Viện kiểm sát quân sự tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, nâng cao kiến thức, đồng tâm, hiệp lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm xây dựng Viện kiểm sát quân sự thật sự trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu bảo vệ quyền con người, bảo vệ công lý.

PV: Trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao: Trong 60 năm qua, cùng với hoạt động của toàn ngành Kiểm sát nhân dân, VKSQS các cấp đã có những đóng góp tích cực, góp phần vào thành tích chung của toàn ngành Kiểm sát nhân dân và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, quân sự của VKSQS; Đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm pháp luật, tội phạm trong Quân đội, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kỷ cương, kỷ luật, chấp hành pháp luật trong Quân đội, đóng góp tích cực vào thành tích chung của ngành Kiểm sát nhân dân.

 Trong tình hình mới hiện nay, nhiệm vụ đặt ra đối với VKSQS các cấp có nhiều khó khăn, phức tạp. VKSQS các cấp cần phải tiếp tục đổi mới về mọi mặt công tác. Trong đó, chú trọng đổi mới công tác tổ chức cán bộ, coi đây là khâu đột phá, kiện toàn và xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đủ tiêu chuẩn về chính trị, có bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp, vững về chuyên môn nghiệp vụ.  Làm tốt công tác tuyển chọn cán bộ vào Ngành, tăng cường công tác đào tạo nâng cao, bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ; chủ động điều động, luân chuyển, bố trí kiện toàn các chức danh tư pháp, chức danh quản lý bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, phải có nhiều giải pháp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và cải cách tư pháp theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và yêu cầu xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân, xây dựng Quân đội trong tình hình mới.


Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Trải qua 60 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Viện kiểm sát quân sự đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong Quân đội. Nổi bật là: Viện kiểm sát quân sự đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong Quân đội tham mưu, đề xuất giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong Quân đội, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật, không để oan sai, sót lọt tội phạm; Tích cực phối hợp nghiên cứu, tham mưu xây dựng nhiều dự án luật và các văn bản pháp luật có liên quan, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự trong Quân đội. Phối hợp tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược cải cách tư pháp trong Quân đội theo Nghị quyết số 49 ngày 20/6/2005 và các kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 67 ngày 08/3/2007 của Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương). Thực hiện tốt việc tổ chức tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. Tích cực đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, duy trì, giữ nghiêm kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của Quân đội.

 

 
Hà Nhân (thực hiện)