Tôi đã thấy được sự nhiệt huyết trong ông: Một chàng trai trẻ xung phong lên đường nhập ngũ; một cán bộ Kiểm sát trẻ tình nguyện “Nam tiến” ngay sau ngày miền Nam giải phóng- lên đường theo tiếng gọi của Đảng, từ chối cuộc xum vầy bên gia đình, dù cái Tết Nguyên đán đã cận kề.
|
Ông Hà Công Long. |
Gắn bó với ngành Kiểm sát trọn 30 năm, sau đó, ông được chuyển ngành sang làm công tác dân nguyện... Dù rất bận rộn với công việc nhưng ông vẫn dành cho phóng viên báo BVPL một buổi trò chuyện thú vị, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Ngành.
PV: Thưa ông, đâu là điểm chung giữa một đại biểu Quốc hội với một cán bộ dân nguyện, một cán bộ Kiểm sát và một người lính?
Ông Hà Công Long: Đó là sự trung thành với Đảng; sự tận tụy, say mê với công việc; hết lòng vì dân, vì nước.
PV: Gắn bó trọn 30 năm với ngành Kiểm sát, khẳng định được vị trí và tiếng nói của mình ở Ngành, điều gì khiến ông chuyển sang làm công tác dân nguyện?
Ông Hà Công Long: Sinh ra và lớn lên từ gia đình nông dân, tôi tham gia Quân đội nhân dân, rời quân ngũ tôi chuyển sang công tác ở Viện kiểm sát nhân dân. Trọn 30 năm công tác trong Ngành, tôi đã lần lượt trải qua các cương vị công tác, từ cán bộ, Kiểm sát viên đến Viện trưởng VKSND tỉnh rồi Vụ trưởng Vụ kiểm sát chung. Khi Quốc hội quyết định VKS thôi không làm công tác Kiểm sát chung, tôi chuyển sang làm Vụ trưởng Vụ Tài vụ và Xây dựng cơ bản, một công việc chủ yếu gắn liền với tiền bạc, ít liên hệ với nhân dân. Khi Quốc hội - cơ quan đại diện cho nhân dân đặt vấn đề chuyển tôi sang làm công tác dân nguyện, tôi đã đồng ý vì thấy đó là công việc có nhiều tương đồng với công tác kiểm sát chung mà tôi đã có nhiều năm gắn bó khi ở VKSND, mặc dù tôi hiểu rằng phía trước là những khó khăn, thuận lợi rất ít.
PV: Có điểm gì tương đồng giữa công việc ông từng làm ở ngành Kiểm sát và công việc dân nguyện hiện tại. Những kiến thức và kinh nghiệm của người đã nhiều năm làm trong ngành Kiểm sát đã giúp ích gì cho ông trong công việc hiện nay?
Ông Hà Công Long: Kiểm sát chung là công tác thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước đối với cơ quan hành chính, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội do Quốc hội giao cho VKSND thực hiện, chịu trách nhiệm và báo cáo với Quốc hội.
Quốc hội quyết định VKSND thôi không thực hiện chức năng kiểm sát chung không có nghĩa là Quốc hội xem nhẹ hoạt động này mà trái lại Quốc hội đã và đang tăng cường hoạt đông giám sát của mình nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Tôi vốn dĩ gắn bó nhiều năm với công tác kiểm sát chung, nay được giao thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tôi thấy nghiệp vụ công tác này không có gì khác lắm so với công tác kiểm sát chung của VKSND.
Nhờ kiến thức và kinh nghiệm mà ngành Kiểm sát đã trang bị, tôi đã vận dụng vào việc nghiên cứu, tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền của Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần nhỏ bé của mình vào hoạt động giám sát của Quốc hội.
Kết quả giám sát nêu trên thể hiện trong Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Quốc hội tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 6, thứ 7 Quốc hội khóa XII. Cũng nhờ kinh nghiệm tích lũy từ thực tiễn công tác trong Ngành, tôi cảm thấy rất thuận lợi trong việc nghiên cứu, tham gia các hoạt động của Quốc hội với tư cách là đại biểu Quốc hội. Từ đáy lòng mình tôi xin trân trọng cảm ơn ngành Kiểm sát nhân dân đã đào tạo, tạo điều kiện để tôi có được như hôm nay.
PV: Theo ông, vấn đề gì là bức xúc nhất trong dân hiện nay?
Ông Hà Công Long: Hàng ngày Ban Dân nguyện tiếp nhận hàng trăm đơn, thư của công dân; mỗi kỳ họp cử tri cả nước gửi đến Quốc hội hàng ngàn kiến nghị. Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, chuyển kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tôi thấy dân có rất nhiều bức xúc, cả trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và hoạt động tư pháp. Tham nhũng, lãng phí, thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm khi giải quyết các công việc của dân liên quan đến thủ tục hành chính của một bộ phận cán bộ, công chức là những điều mà bản thân tôi cũng thấy bức xúc.
PV: Công tác dân nguyện, theo đánh giá còn có những hạn chế, các cơ quan có thẩm quyền hầu như mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn thư và đôn đốc giải quyết theo thẩm quyền; việc kiểm tra, giám sát kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa được quan tâm thích đáng. Trên cương vị cá nhân, ông đã đưa ra những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên nhằm nâng cao hiệu quả của công tác dân nguyện? Và theo ông, có nên trao thêm quyền năng cho Ban Dân nguyện, để cơ quan này có thể giải quyết thấu đáo nguyện vọng của dân?
Ông Hà Công Long: Giải quyết thấu đáo nguyện vọng của dân là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có Quốc hội và cả VKSND. Công tác dân nguyện là nhiệm vụ của cả Quốc hội, thực tiễn đang đòi hỏi tất cả các cơ quan trong đó có Ban Dân nguyện phải cố gắng nhiều hơn nữa mới đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. Trên cương vị của mình, cố gắng hết sức mình, làm việc đúng với lương tâm và trách nhiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đó là giải pháp mà tôi thấy cần làm để góp phần nhỏ bé của mình vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện. Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân chỉ là một trong các hoạt động của công tác dân nguyện.
Thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động, Quốc hội khóa XII đã và đang tăng cường hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri nhằm góp phần tích cực thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngày càng tốt hơn nguyện vọng của dân. Theo tôi, nếu Quốc hội thành lập Ủy ban Dân nguyện là cơ quan của Quốc hội chịu trách nhiệm trước Quốc hội về công tác dân nguyện thì chắc chắn hiệu quả công tác này sẽ cao hơn.
|
Một buổi tiếp công dân của cán bộ VKSNDTC. Ảnh:TL
|
PV: Cả một chặng đường dài gắn bó với ngành Kiểm sát, kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất, việc làm nào khiến ông tâm đắc nhất?
Ông Hà Công Long: Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là buổi khai giảng lớp Trung cấp Kiểm sát khóa 3 (12/1974) được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt huấn thị lời dạy của Bác Hồ: Cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Ra trường (01/1977), trước khi vào công tác ở VKSND TP. Hồ Chí Minh được Viện trưởng Trần Hữu Dực huấn thị: cháy nhà đã cực khổ, nhưng nhà cháy xong còn cực khổ hơn, cần vào ngay để làm việc. Khi đó chỉ còn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, vậy là anh em chúng tôi được ăn tết tập thể ở 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa trước khi nhận công việc.
Việc làm mà tôi tâm đắc nhất là đã quyết định xử lý đúng đắn, công tâm và khách quan đối với một cán bộ vi phạm, mặc dù Cơ quan điều tra và trong lãnh đạo VKSND tỉnh có ý kiến phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng với sự nhạy cảm, cân nhắc trước sinh mạng chính trị của một con người, tạo điều kiện để cho họ có điều kiện sửa chữa sai lầm, cống hiến tốt hơn, lúc đó với trách nhiệm là Viện trưởng VKSND tỉnh tôi đã quyết định xử lý hành chính. Sau đó vị cán bộ này đã lãnh đạo đơn vị trở thành đơn vị Anh hùng Lao động và cá nhân cũng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Năm nay, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành KSND, tôi tin rằng qua tổng kết 50 năm hoạt động, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhất định ngành Kiểm sát nhân dân sẽ có nhiều đổi mới trong tiến trình cải cách tư pháp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hải Anh (thực hiện)