Nắm vạt áo vợ, anh Hanh đi vào khu vực xử án. Thấy chồng vấp cầu thang, suýt ngã, chị nhắc "giời ơi, đi tử tế xem nào. Mắt cứ để đi đâu”. Nghe vợ trách, người đàn ông có vẻ mặt ngờ nghệch cười ngơ ngác.

 
 
Năm đầu tiên chung sống, anh Hanh mạnh khỏe, chịu khó làm lụng, cày bừa với hai sào ruộng. Năm đó, hai người có tin mừng nhưng thai nhi bị lưu. Rồi tai họa ập đến khi chồng bỗng “dở chứng” lúc tỉnh lúc mê. Năm 1997, chị và bố mẹ chồng chạy chữa khắp nơi, bệnh tình của anh Hanh cũng không thuyên giảm. Năm 2002, chị sinh được con gái kháu khỉnh.
 
“Tôi sinh cháu không lâu, bệnh tình của anh ngày một nặng”, lấy tay áo lau mồ hôi, chị tâm sự. Có những lúc anh trèo lên cả mái nhà, dỡ gạch ngói ném tứ tung và chửi mọi người trong nhà. Trong cơn mê sảng, người chồng đánh vợ không thương tiếc. Lắm lúc, chị đã có ý định mang con gái đi khỏi nhà.
 
Bố mẹ đẻ biết chuyện, không đồng ý, khuyên chị phải biết chấp nhận “thuyền theo lái, gái theo chồng”. Thương con, chị nghĩ lại, cam phận làm vợ của người chồng mắc bệnh tâm thần phân liệt.
 
Lắm lúc phát bệnh, anh Hanh bỏ đi lang thang cả tuần. Vợ đưa vào bệnh viện chữa trị, anh trốn về. Có lần, chị phải xích chồng vào chiếc cối đá nặng cả trăm kg, đến khi bớt bệnh mới thôi. Chị bảo, người ngoài nhìn vào sẽ nói nhẫn tâm, nhưng hơn ai hết chị biết khi chồng không tỉnh táo sẽ đập phá tan tành mọi thứ trong nhà. Mẹ con chị sẽ gặp nguy hiểm.
 
Chị bảo, trước lúc bố mẹ chồng mất đã ghi âm lời dặn dò con dâu gắng chăm sóc anh Hanh thay họ. “Vì vậy mà đến giờ tôi vẫn bên cạnh, lo cho chồng từng bữa ăn, chiếc quần áo”, chị trải lòng.
 
Chị luôn lo chồng sẽ gây chuyện với con và đi gây gổ với hàng xóm. Song điều đó đã xảy ra. “Tôi còn nhớ, chiều 8/8/2011, anh cầm cuốc bổ vào trán anh Quang hàng xóm, gây thương tích 21%”, chị kể. Sau ngày gây án, anh Hanh bỏ nhà, lang thang ở Hà Nội và được người thân tìm thấy đưa về chữa bệnh, đưa ra cơ quan công an đầu thú.
 
Đến gần trưa, người của tòa án gặp chị thông báo, phiên phúc thẩm xét kháng cáo xin giảm nhẹ án phạt của anh Hanh bị hoãn do nạn nhân vắng mặt. Thấy chồng kêu đói, chị thở dài: “Tôi không cần anh ấy giúp đỡ gì, chỉ mong anh ấy đòi ăn khi đói, ở nhà yên lành với vợ con”. Nói rồi, chị vội hỏi đường, dắt anh xuống căng tin mua suất cơm 20.000 đồng. Rời tòa án, giữa trời nắng chang chang, họ tìm bến xe buýt kế cận để đi về nhà - nơi có đứa con 10 tuổi đang ngóng chờ.
 
Theo Việt Dũng
VnExpress
.