(BVPL) - Một câu nói thường nhật, được phát trên loa phóng thanh của tàu HQ 996 vào lúc 4 giờ 45 phút sáng trong suốt 10 ngày lênh đênh trên hải trình công tác Trường Sa chắc hẳn rằng sẽ còn đọng lại trong ký ức của hơn một trăm con người đã từng ăn, ngủ trên đó rất lâu nữa.
 

 Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dẫn đầu Đoàn công tác thăm hỏi, động viên và tặng quà các cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC dẫn đầu Đoàn công tác thăm hỏi, động viên và tặng quà các cán bộ, chiến sỹ quần đảo Trường Sa.


Với cá nhân tôi và của nhiều người cùng chung trong đoàn công tác số 13, tháng 5 năm 2015 sẽ không chỉ là 10 ngày làm việc trên biển mà còn là 10 ngày trải nghiệm cuộc sống quân ngũ tuyệt đối chính xác và kỷ luật.

Khi còi tàu rúc lên ba tiếng trong sương sớm tại bến cảng Cát Lái, chuyến hải trình 10 ngày trên biển bắt đầu. Ngày đầu trên biển, sau nhiều náo nức, hồi hộp, nhiều người bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với việc làm quen với sóng, gió biển khơi. Người đàn ông lực lưỡng tên Hải, phòng IE29 sau vài giờ đi thăm các ngóc ngách của tàu và ngắm sự hùng vĩ bao la của đại dương bắt đầu về phòng và lôi thuốc ra uống. Chưa quen, và cũng không ai nói với nhau câu nào nhưng có lẽ tất cả bắt đầu lo lắng. Say sóng ư? Điều này là cái chắc, to lớn thế kia còn không trụ nổi vài giờ đồng hồ nữa là…! Một vài người cũng làm theo, dán cho mình tấm cao chống say xe để đề phòng.

Có lẽ để giúp mọi người tìm hiểu và xích lại gần nhau hơn, Thủ trưởng đoàn công tác đã nhất trí tổ chức đêm giao lưu văn nghệ đầu tiên trên tàu. Trước khi những bài ca về biển đảo quê hương được cất lên, mọi người bắt đầu xì xào về việc tàu thông báo mời mọi người về vị trí để ăn cơm tối lúc 17 giờ 30 phút. Quá sớm, “cơm gì mà ăn lúc nửa chiều”, rồi cũng có người bỏ bữa vì không quen, cuộc sống phố thị giờ này mọi người vẫn đang tất tả đánh đu với cuộc sống, người có điều kiện hơn cũng đang tìm cho mình một chốn bớt ồn ào để bắt đầu xả cho một ngày làm việc...

Đêm đầu tiên trên biển thật khó ngủ, bình thường ở đất liền 2 giờ sáng tôi mới bắt đầu lò dò vào phòng ngủ, còn ở đây, mới 23 giờ “sóng đã cài then đêm sập cửa”. Mặc dù không ngủ ở phòng và tìm được cho mình một vị trí đắc địa bên mạn phải ca bin tàu để mắc võng, nhưng thay vì sự nóng bức ở phòng thì lại là tiếng rít của gió biển, tiếng sóng vỗ mạn tàu cộng với tiếng động cơ diezen uỳnh uỵch phía sau lưng, tất cả đã tạo nên một cảm giác khó tả khiến tôi không tài nào chợp mắt nổi. 3 giờ sáng, sau nhiều cố gắng nhưng không thể, tôi vùng dậy lấy máy ảnh đi săn ánh trăng dát bạc giữa đại dương. Phải thú nhận một điều, trăng chưa bao giờ đẹp đến thế, có thể chính những con sóng, sự mênh mông và thi thoảng vài cụm mây đã tạo nên sự huyền ảo của cái đêm bối rối ấy. Tôi đã ngồi ngủ quên bên góc mạn tàu từ khi nào không hay và giật mình nhào dậy vì âm thanh lạ lùng chưa từng nghe từ loa phóng thanh “giờ nghỉ đã hết, toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, lúc ấy đồng hồ trên tay điểm 4 giờ 45 phút sáng.

 

 Nhạc sỹ Ngọc Quang đã xúc động sáng tác bài hát và dạy các chiến sỹ hát ngay trên đảo điểm đảo Phan Vinh B.
Nhạc sỹ Ngọc Quang đã xúc động sáng tác bài hát và dạy các chiến sỹ hát ngay trên đảo điểm đảo Phan Vinh B.


Sau hai ngày hai đêm thẳng tiến về phía Đông, đảo Trường Sa (nơi mà chúng ta vẫn quen với cách gọi Trường Sa lớn) hiện lên phía chân trời, lúc mà hòn lửa đội biển nhô lên trọn vẹn cũng là lúc toàn đoàn cập bến. Lễ chào cờ trên đảo có một cảm giác rất đặc biệt và thiêng liêng, mắt tôi bắt đầu nhòe đi và có cảm giác như mình vừa nuốt phải cái gì rất lớn mắc ngay cổ họng làm nghẹn cứng khi được nghe một chiến sỹ đứng dưới cờ đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân.  

Những lời thề ấy suốt hơn 65 năm qua vẫn là những bài học sâu sắc, là kim chỉ nam định hướng hành động của bao thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, giọng nói trẻ trung, mạnh mẽ của chiến sỹ trẻ đọc lời thề danh dự của quân nhân vang lên giữa mênh mông biển đảo: “Chúng tôi, quân nhân trong quân đội nhân dân Việt Nam lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc…” đã tạo ra sự xúc động mạnh. Đó là niềm tự hào, kiêu hãnh về khí phách Việt Nam, là những ấn tượng không bao giờ quên trong cuộc đời của mỗi người. Vậy đấy, kỷ luật quân đội chính là điều mà hai ngày hai đêm qua chúng tôi bắt đầu mường tượng ra từ những khẩu lệnh qua loa phóng thanh trên tàu, và cả những khó chịu vì thói quen sống thiếu khoa học thường ngày.

Với cụm đảo phía Nam, đoàn đã được trải qua nhiều kỷ niệm sâu sắc, chỉ tên đảo thôi cũng làm cho mỗi người liên tưởng đến vẻ đẹp hiên ngang nhưng đầy thiết tha, những An Bang – Tiên Nữ, những Núi Le – Phan Vinh…; mỗi cái tên đã tạo riêng cho mình một bản hùng ca về chủ quyền, về sự mạnh mẽ bất khuất trong sóng gió. Khi dẫn đầu đoàn thăm đảo Đá Đông A, đồng chí Trần Thị Bích Thủy- Phó Trưởng Ban dân vận Trung ương phát biểu tại cuộc gặp mặt cán bộ chiến sỹ trên đảo đã tạo nên một chấn động tâm lý cho mỗi người trong đoàn: “chúng tôi đến đây được chứng kiến cuộc sống, chiến đấu, xây dựng đảo của các đồng chí, chúng tôi nhận thấy chính các đồng chí đã giáo dục lại chúng tôi, giúp chúng tôi ôn lại những bài học mà mình đã được học về sự hy sinh, về tình yêu Tổ quốc…”.

Tôi xin được trích nguyên văn một đoạn trong diễn văn tưởng niệm cán bộ, chiến sỹ hy sinh ttrong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc được đồng chí Lê Bá Sổ- Chuẩn đô đốc Hải quân đọc ngày 28-5-2015 để thấy rằng sự hy sinh của các đồng chí là vô bờ bến đối với chủ quyền quốc gia, với sự bình yên của mỗi chúng ta: “...Chúng ta quên sao được tấm gương hi sinh anh dũng của liệt sỹ- chuẩn úy Lê Đức Hồng, anh đã cố gắng đến cùng để giữ vững thông tin liên lạc với Sở Chỉ huy quân chủng. Khi nhà giàn DK1-16 Phúc Nguyên bị đổ, chỉ kịp gửi lời chào “Vĩnh biệt đất liền” để rồi thanh thản ra đi, mãi nằm lại với biển khơi, tô thắm thêm cột mốc chủ quyền hùng vỹ giữa biển trời Tổ quốc...”.

“Hương trầm quyện gió tỏa quanh
Vòng hoa Đất Mẹ dệt thành huân chương
Sống không mưu lợi tầm thường
Hồn thiêng thanh thản ở nơi vĩnh hằng”


Kỷ luật là vậy, khó khăn thì còn rất nhiều nhưng các chiến sỹ trên đảo lại hết sức yêu đời, khi đoàn đến, họ đã ngồi quây quần và thay nhau hát vang những tình khúc, những bài dân ca của mỗi miền. Khi chúng tôi đặt chân lên điểm đảo Núi Le A, một điểm đảo tưởng chừng như chỉ có một khối bê tông được xây dựng trên nền san hô và nắng gió, sóng biển, lại được giấu trong đó một vườn rau thanh niên xanh mướt với rất nhiều loại rau mà đất liền cũng rất quý, còn có lợn, gà, thậm chí cả vịt được thuần chủng để sống trên nước mặn.

 

Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng tập thể Đoàn công tác VKSNDTC và Viện kiểm sát các địa phương chụp ảnh lưu niệm với các chiến sỹ Hải quân tại mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.
Tiến sỹ Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC cùng tập thể Đoàn công tác VKSNDTC và Viện kiểm sát các địa phương chụp ảnh lưu niệm với các chiến sỹ Hải quân tại mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa.


Với vai trò là một phóng viên theo đoàn để đưa tin, có những hạn chế nhất định, đôi khi “được hình thì mất tiếng, được tiếng lại mất hình”  nhưng những góp nhặt nhỏ nhoi cũng đủ tạo nên hình ảnh người lính đảo không thể trộn lẫn. Khi đoàn đang ở thăm và tặng quà tại đảo An Bang, đảo nằm ở vị trí cực Nam của Tổ quốc, sóng to gió lớn quanh năm, đột nhiên đồng chí Chuẩn đô đốc Lê Bá Sổ sốt sắng: “mọi người ai không còn nhiệm vụ khẩn trương lên xuồng về tàu, trời sắp có giông”. Mọi người ngay lập tức ra bãi để lên xuồng, cách lên xuống xuồng khi tới đảo này cũng đặc biệt hơn, do sóng to và không có bến nên xuồng phải dựa sức sóng thả tự do để sóng đánh lên bãi rồi các chiến sỹ đặc nhiệm lội nước đứng hai hàng và bắc ghế để đoàn bước từ xuồng lên, và cũng tương tự khi rời đảo. Đứng cạnh chàng lính trẻ, tôi mỉm cười nói đùa: “có giông, sướng nhé, tha hồ là nước ngọt”, chàng chiến sỹ trẻ tươi cười: “có giông thì vui nhưng đôi khi cũng bực mình với chúng lắm, thấy bắt đầu có giông anh em mỗi người chuẩn bị cho mình một ít dầu gội bôi luôn lên tóc đang còn khô và lên người rồi chạy đi chuẩn bị đồ hứng nước, có mưa xuống thì được bữa tắm thỏa thích, hôm nào không may mưa không đến nơi vậy là anh em lại phải mất công dọn đồ vào rồi nhảy ùm xuống biển để tắm cho hết dầu bôi sẵn. Đôi khi dở khóc dở cười với giông đấy anh ạ”. Khi lò dò đi săn ảnh trên đảo, tôi đã bắt gặp một tấm biển mà ai thấy cũng không nhịn nổi cười, tấm biển đánh giá hàng tuần của chiến sỹ ghi: “đồng chí đảo trưởng: ưu điểm: sạch sẽ, giữ vệ sinh tốt; nhược điểm: kỹ thuật bẫy ruồi chưa cao”. Vậy đó, với họ, cán bộ hay chiến sỹ đều được phân công nhiệm vụ như nhau để cùng thi đua, kể cả việc “bẫy ruồi”. Tất cả họ đều có chung một màu da mang vị mặn của muối quyện với nắng gió biển khơi. Tưởng rằng với thời gian trên biển hàng năm trời, khi gặp những người con gái đất liền ra thăm họ sẽ dám lao ra ôm chầm trong cơn khát nhớ bờ, vậy nhưng tôi đã phải cười mà cổ cứ nghẹn lại khi thấy chàng lính đảo  bỏ chạy vì e thẹn trước cô gái xinh đẹp vừa hát vừa nắm lấy tay anh kéo đứng lên hát cùng khi đoàn thăm đảo Phan Vinh. Rời đảo về tàu, tôi lại ấn tượng mãi với hình ảnh chàng chiến sỹ trẻ chăm chỉ ngồi đánh mấy vỏ ốc cho thật đẹp để lần tới nếu có đoàn ra thăm lại có quà gửi về đất liền.

Con tàu HQ 996 với hải trình định sẵn, đêm đi, ngày thả neo giao lưu đã đưa chúng tôi tới với hơn 12 đảo, điểm đảo và nhà giàn DK1 mang đầy cảm xúc.  Với 10 ngày 10 đêm trải nghiệm cuộc sống quân ngũ, hẳn trong mỗi người đã thích nghi tốt với những quy định trong quân đội (mặc dù đã được giản tiện đi rất nhiều),  nhưng câu nói đã thành quen thuộc, hết sức giản dị và đầy sức mạnh “toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu” chắc chắn sẽ còn ghi đậm trong ký ức mỗi thành viên.
 

Hà Hải

.