Tọa đàm là dịp để các đơn vị hai cấp VKSND TP Đà Nẵng, các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn TP trao đổi kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn, sâu hơn về biện pháp dẫn giải trong giải quyết nguồn tin về tội phạm từ đó khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả trong thực tiễn công tác, góp phần đảm bảo pháp luật được thực thi có hiệu quả, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
|
|
VKSND quận Hải Châu tổ chức tọa đàm về thực hiện biện pháp dẫn giải trong giải quyết nguồn tin về tội phạm. (Ảnh: LT) |
Đồng chí Nguyễn Phước Toán – Viện trưởng VKSND quận Hải Châu chủ trì hội nghị.
Dự buổi tọa đàm có các đồng chí Nguyễn Văn Quang – Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, đồng chí Lê Tự Gia Thạnh – Chủ tịch UBND quận Hải Châu. Tham dự buổi tọa đàm còn có các đồng chí Phó Viện trưởng, lãnh đạo các đơn vị cấp phòng VKSND TP Đà Nẵng, lãnh đạo VKSND các quận, huyện trên địa bàn Đà Nẵng, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn Đà Nẵng cũng như quận Hải Châu cùng tập thể lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên VKSND quận Hải Châu.
|
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: LT) |
Tại tọa đàm, VKSND quận Hải Châu đã trình chiếu phóng sự báo cáo chuyên đề về việc thực hiện biện pháp dẫn giải trong giải quyết nguồn tin về tội phạm, trong đó đã chỉ ra tính cấp thiết; cơ sở pháp lý; những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn cũng như đưa ra một số giải pháp khắc phục khó khăn và kiến nghị để hoàn thiện các quy định về thực hiện biện pháp dẫn giải trong giải quyết nguồn tin về tội phạm.
|
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: LT) |
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Phước Toán – Viện trưởng VKSND quận Hải Châu cho biết, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong những năm qua đã và đang được ngành Kiểm sát nhân dân quan tâm, chỉ đạo rất sâu sát. Xem đây là khâu công tác mang tính đột phá của Ngành. Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mở đầu cho các hoạt động tố tụng hình sự tiếp theo của một vụ án.
|
|
Đồng chí Nguyễn Phước Toán – Viện trưởng VKSND quận Hải Châu chủ trì hội nghị. (Ảnh: LT) |
Những năm qua, tình hình tội phạm trên địa bàn quận Hải Châu ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng, tính chất nguy hiểm, hậu quả và mức độ thiệt hại. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực phối hợp, đưa ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng điều tra, xác minh, đảm bảo mọi hành vi phạm tội đều được xử lý nghiêm minh, không để xảy ra oan, sai mà cũng không được bỏ lọt tội phạm, người phạm tội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đã xảy ra một số trường hợp người bị tố giác, người bị hại không hợp tác trong quá trình kiểm tra, xác minh; được triệu tập nhiều lần nhưng cố ý không đến làm việc, không thực hiện việc giám định… Trong khi đó, việc dẫn giải đối với những người này cũng không đơn giản, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý, kéo dài thời hạn giải quyết, như Bộ luật Tố tụng hình sự quy định người bị tố giác chỉ bị dẫn giải khi có liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án,…
|
|
Đồng chí Nguyễn Văn Quang - Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, vướng mắc về việc thực hiện biện pháp dẫn giải trong giải quyết nguồn tin về tội phạm. Nhiều đại biểu có cùng quan điểm về vướng mắc trong trường hợp dẫn giải người bị hại từ chối giám định. Cụ thể, theo điểm a khoản 4 Điều 62 BLTTHS quy định một trong các nghĩa vụ của bị hại là phải “Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải”.
Với quy định này thì chỉ cần bị hại cố ý vắng mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải. Nhưng tại điểm l khoản 1 Điều 4 và điểm b khoản 2 Điều 127 BLTTHS thì người bị hại chỉ có thể bị dẫn giải trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Như vậy, ngoài trường hợp bị hại từ chối giám định, đối với các trường hợp khác, cơ quan có thẩm quyền không được dẫn giải đối với bị hại. Rất có thể, người phạm tội sẽ thông đồng với người bị hại để tránh việc xử lý của cơ quan chức năng.
|
|
Đồng chí Huỳnh Phương Đông - Trưởng phòng 2 VKSND TP Đà Nẵng trình bày quan điểm tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 của Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần: Giám định để xác định tỷ lệ % tổn thương cơ thể được thực hiện trên hồ sơ trong trường hợp người cần giám định đã bị chết hoặc bị mất tích hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định rõ ràng như thế nào là “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. Do đó, cơ quan pháp y đã từ chối giám định qua hồ sơ đối với trường hợp như nêu trên.
|
|
Đồng chí Lê Tự Gia Thạnh – Chủ tịch UBND quận Hải Châu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Các đại biểu cũng nêu ý kiến cần quy định rõ như thế nào “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” để thống nhất trong việc áp dụng. Đồng thời, cần đề xuất với VKSND cấp trên kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bổ sung quy định tại các Điều 57, 62, 66 và 127 BLTTHS cho thống nhất, chặt chẽ và đầy đủ hơn.
|
|
Công an quận Hải Châu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Lê Tự Gia Thạnh – Chủ tịch UBND quận Hải Châu đánh giá sự phối hợp của các cơ quan tố tụng trên địa bàn quận đã góp phần đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh trật tự trong thời gian vừa qua. Các đơn vị có các sáng kiến, cách làm hay đặc biệt là VKSND quận Hải Châu với rất nhiều sáng kiến được Quận uỷ đánh giá cao. Các vấn đề khó khăn, vướng mắc mà tọa đàm nêu ra, về phía quận ghi nhận và sẽ chỉ đạo cơ quan tư pháp phối hợp với cơ quan, đoàn thể tuyên truyền về nội dung này, để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm trên địa bàn quận Hải Châu nói riêng và địa bàn Đà Nẵng nói chung.
|
|
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hải Châu phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: LT) |
Đồng chí Nguyễn Văn Quang – Viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng đã ghi nhận, biểu dương VKSND quận Hải Châu tổ chức buổi tọa đàm chuyên nghiệp và có tính khoa học pháp lý cao, đề nghị VKSND quận Hải Châu ghi nhận, lưu ý những ý kiến của các đại biểu đồng thời tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc những nội dung, có văn bản thống nhất, để kiến nghị xây dựng hoàn thiện pháp luật. Đồng thời, đồng chí bày tỏ sự cảm ơn đến cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện về mọi mặt để VKSND quận thực hiện tốt chức năng, cũng như có những hoạt động dành cho nghiên cứu khoa học.