(BVPL) - Ngày 09/7/2014, tại thành phố Vũng Tàu, với sự phối hợp của Chương trình đối tác tư pháp, VKSNDTC đã tổ chức Hội thảo “Những quy định của pháp luật hiện hành trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) về tư pháp” dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC. Đại diện Vụ 7 VKSNDTC cùng đại diện 35 VKSND tỉnh, thành tham dự.
|
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm nêu rõ: Việc tiếp công dân, giải quyết KNTC thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết KNTC về tư pháp là những nhiệm vụ có quan hệ mật thiết với các hoạt động nghiệp vụ của VKSND các cấp và các cơ quan tư pháp. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, không chỉ đảm bảo quyền KNTC trong các hoạt động tư pháp của công dân mà còn là nguồn thông tin quan trọng giúp phát hiện, xử lý, khắc phục kịp thời những vi phạm, sai sót trong hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng.
Để việc tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC về tư pháp của VKS đạt hiệu quả, trước hết, đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác khiếu tố phải nắm chắc các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời vận dụng đúng, linh hoạt sáng tạo các quy định đó trong từng vụ việc cụ thể. Có rất nhiều KNTC được gửi đến VKS, song VKS chỉ thụ lý và giải quyết những KNTC thuộc thẩm quyền, những KNTC không thuộc thẩm quyền phải chuyển đến các cơ quan khác. Đối với những KNTC thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp, VKS có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết của các cơ quan này.
Thực tế, trong những năm vừa qua, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác khiếu tố còn có những lúng túng trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý các KNTC, mà một trong những nguyên nhân đó là các văn bản của Ngành còn có những quy định chồng chéo chưa tạo hành lang pháp lý thông suốt cho cán bộ làm công tác này. Vì vậy, “tại Hội thảo này, chúng ta cùng nhau tìm ra những bất cập của pháp luật cũng như những quy định của Ngành về KNTC, trên cơ sở đó đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, trao đổi những kinh nghiệm hay trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về tư pháp thuộc thẩm quyền của VKS. Cùng nhau tìm ra phương thức để việc kiểm sát giải quyết KNTC về tư pháp đạt hiệu quả cao nhất”.
Tại Hội thảo, các ý kiến đã thảo luận, phân tích những tồn tại của pháp luật, những văn bản hướng dẫn; đặc biệt là những bất cập trong công tác giải quyết và kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp thuộc thẩm quyền của VKS như việc phân công nhiệm vụ, hiệu quả thực thi công tác này trong thực tiễn hiện nay, cũng như những đề xuất sáng kiến mới của từng địa phương về vấn đề này. Từ đó, góp phần cho ngành Kiểm sát kiến nghị đề xuất với cơ quan có thẩm quyền việc hoàn thiện pháp luật về KNTC trong hoạt động tư pháp...
Kết thúc hội thảo, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Thị Thủy Khiêm biểu dương các ý kiến đóng góp giúp cho Ngành hoàn thiện hơn công tác KNTC trong thời gian tới. Đối với các ý kiến nêu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm lưu ý các đơn vị chuyên trách: đối với những bất cập trong các quy định về thời hạn giải quyết KNTC trong tố tụng hình sự, đề nghị Vụ 7 tập hợp và có ý kiến gửi tới Tổ biên tập và Ban soạn thảo Bộ luật TTHS của VKSNDTC để nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp; đối với những bất cập trong Quy chế 59 và Quyết định 487 không phù hợp với các quy định của các bộ luật, luật tố tụng hiện hành, Vụ 7 nghiên cứu, tham mưu, đề xuất để sửa đổi; những vấn đề như: có nên giao cho bộ phận tiếp công dân giải quyết KNTC về tư pháp; nơi tiếp công dân; việc bố trí cán bộ... cũng cần được nghiên cứu để thực hiện cho phù hợp, đạt hiệu quả cao nhất.
Phi Sơn