leftcenterrightdel
 Thủ tướng nhấn mạnh, đầu tư công vừa là động lực, vừa là nguồn lực phát triển. Ảnh:VGP

Cũng theo Thủ tướng, năm 2023, Chính phủ xác định đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương.

Giải ngân đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng giao thông, giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội…; bảo đảm an ninh quốc phòng; giải quyết việc làm, tăng cường an sinh xã hội; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường kết nối địa phương, kết nối vùng;duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công cũng góp phần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm phối hợp hài hòa, hợp lý, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả và các chính sách khác để tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tính đến ngày 31/01/2023,  ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước là 541.857,52 tỉ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 đạt 95,11%) nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây, tăng khoảng 23,5% (khoảng 103.000 tỉ đồng) so với năm 2021.

Công việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội ngày càng nặng nề khi tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2023 là gần 711.007 tỉ đồng, tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với 2022.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu, chúng ta phải vừa bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao, vừa bảo đảm đúng chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án. Nếu không có giải pháp phù hợp ngay từ ngày đầu, tháng đầu thì giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm, đầu tư công càng kéo dài thì càng lãng phí, đội vốn, chỉ số ICOR tăng, hiệu quả giảm, ảnh hưởng tới nguồn lực và động lực của sự phát triển.

Với khối lượng vốn đầu tư công lớn hơn, yêu cầu cao hơn, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phải giải ngân đạt ít nhất 95% trong tổng số hơn 711 nghìn tỉ đồng vốn đầu tư công năm 2023.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu báo cáo, thảo luận về tình hình giải ngân; phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan; các bài học kinh nghiệm, giải pháp hay, cách làm tốt; định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; thống nhất nhận thức, tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến cả về nhận thức và hành động sau cuộc họp.

leftcenterrightdel
 Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, hiện các địa phương đang vướng, đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. Ảnh: VGP

Phát biểu tại Hội nghị,  Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh được giao vốn 54.000 tỉ nhưng khả năng cân đối của Thành phố là 37.000 tỉ. Đến ngày 31/1/2023, TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân được 71,3%, tương đương 26.636 tỉ đồng. Tuy không đạt mục tiêu là 95% nhưng có tăng so với năm 2021 là 6.900 tỉ đồng, tăng 35%.

Đồng thời chỉ ra 5 nguyên nhân chính, đó là: Thủ tục dự án, thủ tục xây dựng, phân bổ vốn của Thành phố trong năm 2022 làm chậm; Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) do nhiều dự án kéo dài nên giá đất tăng, dẫn đến GPMB chậm, vừa không GPMB được vừa ảnh hưởng đến tiến độ xây lắp; Giá vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng; Thủ tục thuộc một số dự án ODA chậm. Nhưng bao trùm là trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chuẩn bị hồ sơ, đánh giá các tình huống phát sinh, chủ động tháo gỡ còn chậm...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, về việc giải ngân đầu tư công 2022, đến tháng 9/2022 Hà Nội mới giải ngân chưa được 50%, khi đó, Thủ tướng đã có đoàn công tác trực tiếp làm việc với TP. Hà Nội, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đoàn công tác của Thủ tướng, TP. Hà Nội đã chủ động tích cực nhận diện các khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ, tập trung về trách nhiệm, giá cả.

Ban Cán sự UBND TP. Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ và nhờ Ban Thường vụ vào cuộc lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải ngân vì đây là nhiệm vụ rất lớn của Hà Nội. Đến ngày 31/1/2023, TP. Hà Nội đã giải ngân được hơn 45.000 tỉ đồng (87,8%), đây là sự nỗ lực rất lớn của thành phố.

Về khó khăn, vướng mắc, TP Hà Nội đồng tình với báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đó là, có rất nhiều khó khăn về kĩ thuật, quy trình dự án, phân cấp phân quyền. “Rất mong Thủ tướng trong bối cảnh pháp luật chưa kịp sửa có việc gì ủy quyền được cho địa phương, ủy quyền cho các Bộ trưởng thì mong một Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội phân cấp, phân quyền cho địa phương. Hiện giờ, một dự án "thông được đầu này thì bị chặn hết các đầu khác", chặn về đất đai, về môi trường… mỗi dự án chỉ cần chậm 1-2 tháng thôi thì không thể thực hiện đồng thời được. Mong Thủ tướng cho rà soát lại, phân cấp ủy quyền mạnh về việc này để giảm tình trạng "phải ngồi đôn đốc nhau" như thế này.”- ông Thanh ý kiến.

Liên quan đến Luật Đầu tư công, theo ông Trần Sỹ Thanh, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh, thành khác cũng đang vướng, đó là câu chuyện phải có đủ vốn mới được phê duyệt chủ đầu tư. “Hà Nội nhiệm kỳ này có 250.000 tỉ vốn đầu tư công, với số tiền này Hà Nội chỉ bố trí cho 5-7 công trình đã hết số tiền này mà cũng phải làm trong ít nhất 2 nhiệm kỳ. Đây chính là câu chuyện nhiệm kỳ ảnh hưởng đến việc bố trí vốn đầu tư công mà HĐND không thể tháo gỡ được, cứ tháo gỡ là sai luật. Mong Thủ tướng quan tâm chỉ đạo nội dung này thì mới giải thoát được câu chuyện về bố trí vốn.”- ông Thanh nói.

Minh Nhật