Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp; đồng chí Trần Thanh Loan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp cùng toàn thể lãnh đạo, công chức các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKS quân sự các cấp, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao tới các điểm cầu trong toàn ngành KSND.

Phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nêu rõ, trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, có thể đánh giá công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao phát biểu khai mạc, chỉ đạo Hội nghị.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật còn đặt ra nhiều vấn đề như: Hệ thống pháp luật còn phức tạp, cồng kềnh; nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn được hướng dẫn bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật; số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành lớn và có xu hướng tiếp tục gia tăng... Thực tế hiện nay, chúng ta thậm chí chưa thống kê được chính xác, đầy đủ về tổng số văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, đang còn hiệu lực.

Ngày 16/4/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Pháp lệnh pháp điển được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành ở cấp trung ương, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.

leftcenterrightdel
 Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao Hoàng Thị Quỳnh Chi phát biểu tại Hội nghị.

Thực hiện Pháp lệnh nêu trên, ngày 29/7/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1267/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án xây dựng Bộ pháp điển; ngày 17/7/2019 đã ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 6/6/2014 về việc phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục. 

Để thực hiện nhiệm vụ được giao tại các văn bản nêu trên, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 116/QĐ-VKSTC-V14 ngày 27/3/2018 về Kế hoạch pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì của VKSND tối cao; theo đó, VKSND tối cao có trách nhiệm chủ trì thực hiện pháp điển đối với 2 đề mục là đề mục “Tổ chức VKSND” và đề mục “Tố tụng hình sự”. Tính đến nay, chúng ta đã hoàn thành việc pháp điển đối với 2 đề mục nêu trên đúng theo lộ trình đặt ra.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các đề mục pháp điển thì cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổ chức việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về giá trị và cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển trong áp dụng và thực hiện pháp luật.

Để đồng bộ với hoạt động tuyên truyền, phổ biến Bộ pháp điển trong các cơ quan, bộ, ngành và trong cả nước, đồng thời, hướng tới mục tiêu xây dựng Viện kiểm sát điện tử, Viện kiểm sát số, thực hiện mục tiêu “đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn Ngành” được nêu tại Chỉ thị công tác Ngành năm 2023, hôm nay, lần đầu tiên, ngành KSND tổ chức Hội nghị toàn Ngành để quán triệt và tổ chức tập huấn sử dụng đối với Bộ pháp điển để tìm hiểu về Bộ pháp điển Việt Nam, tìm hiểu về cách khai thác, sử dụng Bộ pháp điển nói chung, tập trung vào các đề mục liên quan đến ngành KSND, qua đó, phục vụ tốt hơn trong quá trình ngành KSND thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày nội dung chuyên đề tại Hội nghị tập huấn.

Với tính chất quan trọng của Hội nghị, đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp tại tất cả các điểm cầu tập trung chú ý lắng nghe để vận dụng tốt trong quá trình công tác của mình, mạnh dạn trao đổi, đề xuất với chuyên gia, báo cáo viên hướng dẫn thêm về những nội dung chưa hiểu hoặc cần phải làm rõ, làm sâu sắc thêm. 

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến đề nghị, sau Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo VKSND các cấp tiếp tục quán triệt trong cơ quan, đơn vị biết cách sử dụng tiến tới sử dụng thành thạo Bộ pháp điển.

leftcenterrightdel
 Các điểm cầu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Duy Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp khái quát về Bộ pháp điển và công tác xây dựng Bộ pháp điển Việt Nam; nghe đồng chí Trần Thanh Loan, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Pháp điển và hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp hướng dẫn cách thức khai thác, sử dụng Bộ pháp điển điện tử; đồng thời, nghe đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao trình bày nội dung trong Bộ pháp điển liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND (tổ chức VKSND, hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính...).

Cao Nguyên