(BVPL) - Để đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đất đai được phân bổ hợp lý, sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả; quản lý chặt chẽ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững; Nhà nước bảo hộ và đảm bảo cho người sử dụng đất thực hiện quyền sử dụng đất hợp pháp… chúng tôi tham gia góp ý một số nội dung như sau:
Một là, tại Điều 15, Chương II của Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định: “Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội; thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện”.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 3 Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sửa đổi thì: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Do đó, đề nghị sửa Điều 15 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi như sau: “Nhà nước quyết định thu hồi đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp thật cần thiết; thu hồi đất do vi phạm Luật Đất đai; thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện”.
Đồng thời, tại Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định về căn cứ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế, xã hội lại chỉ “căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, đề nghị sửa Điều 62 Dự thảo Luật Đất đai như sau: “Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật này và phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”.
Hai là, Điều 161 Dự thảo đưa ra 2 phương án về việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho... quyền sử dụng đất, có quy định phải được công chứng, chứng thực hoặc việc công chứng, chứng thực theo nhu cầu của các bên. Quy định này là quy định mở để người sử dụng đất lựa chọn, trong khi đó, tại Điều 689 Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định việc chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Quy định này là bắt buộc và chính là cơ chế để Nhà nước bảo hộ quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất. Do đó, để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất và tương thích của hệ thống pháp luật đề nghị nên quy định việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho... quyền sử dụng đất phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi hướng dẫn thi hành cần cụ thể hóa chặt chẽ để có cơ chế hữu hiệu đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất, tránh việc gây khó khăn, phiền hà trong việc thực hiện công chứng, chứng thực.
Ba là, về định giá đất, nên quy định rõ là Nhà nước định giá đất theo giá thị trường ở thời điểm thu hồi, giao đất, cho thuê đất... và Chính phủ quy định phương pháp định giá đất và khung giá đất đối với từng loại đất cho phù hợp với từng thời gian nhất định. Đồng thời, Chính phủ quy định việc điều chỉnh khung giá đất ở từng thời điểm khi giá đất thị trường có biến đổi cho phù hợp với giá thị trường. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất ở địa phương cho phù hợp và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành, đồng thời quyết định điều chỉnh bảng giá đất khi giá đất có biến động cho phù hợp với giá thị trường.
Bốn là, về giải quyết tranh chấp đất đai: theo Mục a, Khoản 2 Điều 197 Dự thảo quy định việc giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 96 Dự thảo do Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu đương sự không nhất trí thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trường hợp theo quy định tại Mục b, Khoản 2, Điều 197 Dự thảo quy định do Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết; nếu đương sự không nhất trí có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng Hành chính. Quy định như trên là không tương thích với quy định của Luật Khiếu nại năm 2011. Bởi vì:
Quyết định giải quyết lần đầu đối với tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh như quy định tại Khoản 2 Điều 197 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chính là quyết định hành chính theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011. Trình tự khiếu nại đối với quyết định hành chính này được quy định tại Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 như sau:
“1.Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính...
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Do đó, Khoản 2 Điều 197 Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi không quy định Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai do Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã ban hành là chưa phù hợp với trình tự giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011. Điều này dẫn đến làm hạn chế khả năng tự khắc phục sai lầm (nếu có) của người giải quyết tranh chấp lần đầu, đồng thời dồn việc giải quyết khiếu nại về đất đai lên cấp tỉnh, cấp Trung ương.
Vì vậy, đề nghị sửa Khoản 2 Điều 197 Dự thảo Luật theo hướng: tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2, 4 Điều 96 Dự thảo do Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết lần đầu; nếu đương sự không nhất trí thì có quyền khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp này theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Mặt khác, quá trình hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cần chú ý hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy định này để đảm bảo thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Năm là, Về trách nhiệm giám sát thi hành Luật Đất đai, việc quy định Mặt trận Tổ quốc giám sát về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khoản 2 Điều 192 Dự thảo) là cần thiết. Tuy nhiên, quy định các tổ chức thành viên của Mặt trận cũng giám sát thi hành Luật Đất đai là hình thức và không khả thi. Từ đó tạo ra việc thực hiện quyền giám sát chồng chéo, không hiệu quả.
Đối với cơ quan hành chính cần quy định thực hiện quyền kiểm tra, không nên quy định quyền giám sát như Điều 193 Dự thảo Luật Đất đai.