(BVPL) - Đó là phát biểu của Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy có đối tượng phạm tội là người dân tộc, phụ nữ, người chưa thành niên” khu vực phía Nam tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

 

 Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì hội nghị.
Tiến sỹ Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng VKSNDTC chủ trì hội nghị.


Tham gia hội nghị có các đại diện của các VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, VKSND cấp cao tại TP. HCM, Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP. HCM, Phòng thực hành quyền công tố - kiểm sát điều tra án ma túy của 34 VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Đà Nẵng trở vào và VKSND tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Theo Tiến sỹ Trần Công Phàn – Phó Viện trưởng VKSNDTC, trong những năm gần đây, số vụ phạm tội về ma túy do các đối tượng là dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên gia tăng và có diễn biến rất phức tạp. So với giai đoạn từ năm 2009 – 2011, thì giai đoạn từ năm 2012 đến 2014, số vụ án ma túy rơi vào nhóm đối tượng này tăng một cách đáng báo động. Cụ thể, số người dân tộc thiểu số phạm tội về ma túy tăng 22,6%, số phụ nữ phạm tội về ma túy tăng 38,1%, số đối tượng chưa thành niên phạm tội về ma túy tăng đến 43,2%.

Các đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán ma túy đã lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật và đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn vùng núi, vùng biên giới nước ta để dụ dỗ hoặc dùng những thủ đoạn nham hiểm để ép buộc họ làm việc. Bên cạnh đó cũng có các đối tượng là dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên tham gia mua bán và vận chuyển chất ma túy là do hám lợi, không nghĩ đến những hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra.
 
Điều đau lòng là trong một số vụ án về ma túy, các bị can đều có mối quan hệ họ hàng với nhau như cha con, anh chị em, bà con họ hàng gần với nhau. Có thể kể đến một vài vụ như vụ Sùng A Minh cùng 11 bị can đều là người dân tộc Mông bị cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên bắt, khởi tố về hành vi mua bán, vận chuyển 1.000 bánh heroin từ huyện Mường Khương (Điện Biên) sang tỉnh Lào Cai tiêu thụ; vụ Tráng A Tàng cùng đồng bọn mua bán trái phép chất ma túy (thu giữ 265 bánh heroin). Cơ quan chức năng đã khởi tố 18 bị can, trong đó có 16 bị can là người dân tộc Mông…

Để nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đối với nhóm đối tượng nói trên, VKSND các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị công tác hàng năm của Viện trưởng VKSNDTC; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của  VKSNDTC về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”; Thông tư liên tịch số 06/TTLT-BCA-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC ngày 02/8/2013 của Liên ngành Trung ương về tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; các Nghị quyết số 37, 63, 67, 96 của Quốc hội... để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác được giao. Các tham luận, phát biểu của đại diện các VKSND địa phương tại hội nghị đã nêu lên những khúc mắc, tồn tại và đề xuất nhiều biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng chống tội phạm ma túy nói chung và nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên nói riêng. Nhiều đại biểu đã đề xuất tháo gỡ những khó khăn trong việc áp dụng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp..

Phát biểu kết luận hội nghị, Tiến sỹ Trần Công Phàn cho rằng để hạn chế được tình trạng phạm tội ma túy của các đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên thì cần phải đánh giá nguyên nhân, điều kiện một cách sát thực và cẩn trọng để đưa ra các đề xuất, giải pháp, kiến nghị có hiệu quả. Tiến sỹ Trần Công Phàn nhận định, tình hình tội phạm ma túy nói chung và tội phạm ma túy trong nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên đang diễn biến rất phức tạp. Mặc dù các cấp, ngành đã rất nỗ lực trong cả phòng và chống loại tội phạm này nhưng tình hình phạm tội trên lĩnh vực này vẫn tăng trong các năm vừa qua. Đối tượng đa dạng, tính chất chống đối của các đối tượng rất quyết liệt và nguy hiểm.

Nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội trong nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên là do trình độ dân trí thấp, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo cộng thêm việc siêu lợi nhuận của việc buôn bán ma túy mang lại nên các đối tượng phạm tội sẵn sàng chống trả quyết liệt với các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, công tác quản lý tại các vùng biên giới còn chưa thực sự chặt chẽ, công tác tuyên truyền chưa thực sự có chiều sâu, có hiệu quả dẫn đến việc chưa hạn chế được tội phạm về ma túy.

Trên cơ sở những phân tích, đánh giá và những phát biểu tại tại hội nghị, Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn chỉ đạo các VKSND địa phương tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tổ chức thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của các cấp ngành liên quan đến án ma túy. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan ban ngành có liên quan ngay từ đầu để phân loại đối với loại tội phạm này. Cần chú ý đến đặc thù của nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên để phối hợp với Cơ quan điều tra để chống bỏ lọt tội phạm.

Về những khó khăn xung quanh việc áp dụng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, VKSNDTC sẽ đề xuất tháo gỡ để việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành có hiệu quả hơn trong việc xử lý án ma túy nói chung và án ma túy đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em, người chưa thành niên nói riêng.
 

Xuân Nha

.