“May mắn vì chưa làm ai bị oan”


Gặp Phó Viện trưởng Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 1 Hồ Quốc Thái. Từ những ngày đầu bước chân vào nghề báo, tôi vẫn ấp ủ mong muốn là sẽ viết gì đó về ông, “khai thác” gì đó từ ông- một Kiểm sát viên mẫu mực mà tôi từng biết, một “kho tư liệu sống” về ngành Kiểm sát…

 

Rồi tôi lại tự “an ủi” mình rằng, tôi chưa tìm được câu hỏi nào “xứng tầm” với ông. Nhưng có lẽ, thời gian không cho phép tôi chần chừ thêm nữa: Năm nay, ngành Kiểm sát kỷ niệm 50 năm thành lập. Và ông- đã cống hiến gần trọn cuộc đời cho ngành Kiểm sát.
Nhớ nhất trong đời là kỷ niệm gặp Viện trưởng Hoàng Quốc Việt

Hồ Quốc Thái
Ông Hồ Quốc Thái

PV: Trong cuộc đời làm kiểm sát, kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?

 

Ông Hồ Quốc Thái: Tôi vào ngành Kiểm sát tháng 12/1975, lúc đó, tôi được Trường Đào tạo cán bộ Kiểm sát tuyển sinh vào học khoá 4. Đó là một khoá học đặc biệt bởi đa số học viên là những người lính từ các chiến trường trở về. Suốt 35 năm trong Ngành, tôi có nhiều kỷ niệm để nhớ, có những kỷ niệm vui và không ít những kỷ niệm buồn hoặc rất buồn.

 

 Tôi nhớ nhất là ngày khai giảng khoá học (ngày 6/1/1976). Bác Hoàng Quốc Việt chọn ngày này để khai giảng khoá học vì 30 năm trước (năm 1946), ngày 6/1 là ngày tổng tuyển cử đầu tiên của Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hoà. Khi còn học lớp 10 phổ thông, chúng tôi đã có những khái niệm vỡ lòng qua môn chính trị về VKSND.

 

 Khi đó (năm 1969), tôi đã biết bác Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng VKSNDTC, trước đó, tôi đã được đọc tập hồi ký “Nhân dân ta rất anh hùng”, trong đó có bài của bác Hoàng Quốc Việt. Bác kể về người dân Bắc Ninh đã che chở bác khi bị kẻ thù lùng bắt ở Đình Bảng. Sáng 6/1/1976, bác Việt đã đến dự khai giảng khoá học của chúng tôi tại đình Làng Sủi, thôn Phú Thị, xã Phú Thuỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Bác mặc chiếc áo dạ dài, kiểu Ba-đờ-suy. Bác thật gần gũi với chúng tôi. Các nhà lãnh đạo thế hệ của bác Việt thực sự là tấm gương mẫu mực, họ cống hiến tất cả cho dân tộc Việt Nam. Bác nói chuyện với chúng tôi về “pháp chế ba ngôi” (Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ). Bác yêu cầu chúng tôi phải học tốt như đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường.

 

 Bác nói: Ở chiến trường, đối tượng của các đồng chí là kẻ thù bằng xương, bằng thịt, còn ở mặt trận bảo vệ pháp luật, kẻ thù chỉ là thái độ không tôn trọng pháp luật. Thái độ đó có ở trong bất cứ con người nào, kể cả người có quyền cao, chức trọng, vì thế các đồng chí phải thấm nhuần điều Bác Hồ căn dặn chúng ta: công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.


Mới đó mà đã gần 35 năm trôi qua...
Trăn trở nhất là vấn đề quyền con người

 


PV: Những đóng góp của ông đối với Ngành mà ông tâm đắc nhất?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Hiện tại, ngành Kiểm sát có hơn 1 vạn cán bộ, Kiểm sát viên. Nếu tính cả các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành ta từ trước đến nay có đến hàng mấy vạn, vì thế nếu như tôi có sự đóng góp nào đó với Ngành thì cũng là một phần nhỏ. Một trong những đóng góp nhỏ nhoi của tôi cho Ngành ta, tuy đã lâu rồi (1986) nhưng tôi tâm huyết nhất là bản “Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết án hình sự tồn đọng”.

 

 Đến bây giờ, tôi vẫn còn rất buồn về tình trạng giải quyết án kéo dài, mặc dù hiện nay pháp luật về hình sự đã khá đầy đủ. Những năm cuối thập kỷ 70 và cả thập kỷ 80 của thế kỷ trước, việc lập án rất tuỳ tiện và việc bắt giữ người bị tình nghi cũng rất lộn xộn. Tôi nhớ ở tỉnh Cửu Long cũ (nay là Vĩnh Long, Trà Vinh), có vụ hiếp dâm. Hội phụ nữ cũng đứng ra bắt người. Họ đã bắt giữ 2 người có tên là Kim Long (Huỳnh Kim Long và Trần Kim Long). Tất nhiên, một trong hai người bị oan, vì đó không phải là vụ án có đồng phạm.

 


Mùa hè năm 1986, tôi vào tỉnh Minh Hải cũ (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) cùng với bác Nguyễn Trọng Thụ, Phó vụ trưởng Vụ KSĐT án trị an lúc bấy giờ. Sau 2 tháng nghiên cứu hồ sơ vụ án và kiểm tra nhiều hiện trường trong các vụ án trị an đó, hai bác cháu cùng với đồng chí Sáu Búa, Phó Viện trưởng VKS Minh Hải và cả Phòng Trị an của VKS tỉnh, chúng tôi đã giải phóng hàng chục hồ sơ và hàng chục người vô tội bị bắt giữ hàng năm trời.

 

Trở về Hà Nội, được sự giúp đỡ của thầy tôi là chú Bùi Tường Vỹ (một chuyên gia xuất sắc của ngành KSND về án giết người), tôi đã soạn thảo được bản thông báo rút kinh nghiệm. Sau đó, bác Trần Việt, Vụ trưởng nổi tiếng của Ngành ký ban hành, gửi tất cả các VKS. Bản thông báo kinh nghiệm đó đã giúp cho các VKS giải quyết được tình trạng án trị an tồn đọng, đặc biệt là ở các tỉnh Nam Bộ. Tạm giam kéo dài, giải quyết vụ án kéo dài không những vi phạm pháp luật mà đó còn là sự xâm phạm thô bạo quyền tự do, một trong ba quyền cơ bản nhất của con người.

 


PV: Vậy có điều gì làm ông trăn trở?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Trăn trở thì còn nhiều lắm. Nhưng điều tôi trăn trở nhất là vấn đề quyền con người. Tôi nghĩ rằng, ngày nay, cán bộ ngành KSND cũng như cán bộ trong các cơ quan Nhà nước được học hành đầy đủ hơn thế hệ cha chú chúng tôi và thế hệ chúng tôi. Nhưng đáng tiếc là họ chưa thực sự thấm nhuần về tôn trọng quyền con người. Lẽ ra thay vì ở các nhà trường cứ nhồi nhét vào đầu họ những lý tưởng xa vời thì điều đầu tiên là phải trang bị cho họ những nhận thức đầy đủ về tôn trọng và bảo vệ quyền con người. Cán bộ các cơ quan tư pháp lại càng phải trang bị thật kỹ cho họ những nhận thức đó.

 


Thích những vụ có nhiều luật sư tham gia

 


PV: Sau nhiều năm làm công tác kiểm sát xét xử, điều đầu tiên ông nghĩ tới là gì khi ngồi vào ghế công tố, đối diện với luật sư, bị cáo?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Mỗi một vụ án khác nhau thì điều suy nghĩ đầu tiên cũng khác nhau khi ngồi vào ghế công tố. Nhưng cơ bản là nghĩ làm sao để cả bị cáo, luật sư và những người dự phiên toà “tâm phục, khẩu phục” với việc buộc tội và đề nghị Toà án áp dụng hình phạt.

 


PV: Ở vị trí Kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên toà, có khi nào lập luận của luật sư làm ông thay đổi quan điểm buộc tội?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Có chứ! Người ta thường bảo rằng: nói phải củ cải cũng nghe. Một con người bình thường sẽ thấy: hiểu biết là vô tận, chỉ biết nhiều hay ít, chứ biết sao cho đủ! Mỗi người có một cách nhìn khác nhau về một sự vật, một hiện tượng. Trong vụ án luật sư, bị cáo, Thẩm phán, Kiểm sát viên… có cách đánh giá chứng cứ riêng của mình. Mình buộc tội không đúng, tuy không nói ra nhưng bị cáo họ đã khinh mình về sự dốt nát.

 

Có một vụ án ở Vĩnh Phúc, bị cáo bị cấp sơ thẩm kết án theo khoản 2 Điều 104 BLHS về tội Cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác dựa trên tỉ lệ thương tật tạm thời của người bị hại. Tôi đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm, luật sư và bị cáo đề nghị huỷ án sơ thẩm, trưng cầu giám định lại thương tật cho bị hại. Khi tranh luận, luật sư nói rằng: các tội phạm trong Bộ luật Hình sự Việt Nam phần lớn được quy định khung hình phạt theo định lượng (mức độ của hậu quả) mà không theo định tính (tính chất của hành vi) vì thế, nếu việc giám định lại xác định thương tật vĩnh viễn của bị hại bị tổn hại bao nhiêu % thì bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự theo khung hình phạt tương ứng. Tôi đuối lý và thay đổi quan điểm: đề nghị huỷ án sơ thẩm.

 


PV: Nếu gặp vị luật sư “cãi chày, cãi cối”, ông làm thế nào?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Tôi có lẽ hơi khác người một chút. Tôi thích những vụ án có luật sư tham gia và có nhiều luật sư cho cả hai phía càng tốt. Bởi luật sư sẽ cho mình cách nhìn vụ án theo thiên hướng gỡ tội - tức là mình còn mảy may nghi ngờ gì về buộc tội nữa không. Đã là luật sư thì bao giờ họ cũng lập luận để bảo vệ “thân chủ” của họ. Nếu vụ án có cả luật sư của hai bên thì sự “gỡ” của luật sư bên bị cáo sẽ được luật sư bên kia “buộc” lại. Còn đối với vị luật sư “cố cãi lấy được” thì họ phải “nguỵ biện”, mà nguỵ biện thì đó là “hàng giả” nên chẳng đáng ngại. Một khi mình đã chuẩn bị kỹ, nắm chắc chứng cứ (kể cả chứng cứ buộc tội, gỡ tội, chứng cứ cho việc lượng hình…) thì mình sẽ phá vỡ sự “nguỵ biện” của luật sư. Tôi nghĩ không có luật sư “chày, cối” mà chỉ có luật sư chân chính và luật sư có cánh - “cánh cò”!


Không vô cảm nhưng cần thêm dũng khí…

 


PV: Khi giữ quyền công tố, điều khiến ông thấy thú vị nhất là gì?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Tôi chỉ giữ quyền công tố tại phiên toà phúc thẩm. Mà chúng tôi thường nói vui rằng: phúc thẩm là thẩm để làm phúc. Vì thế, riêng tôi, điều thú vị ở phiên toà phúc thẩm là sau khi chủ toạ phiên toà thẩm vấn thì bị cáo rút toàn bộ kháng cáo. Điều đó không vì việc Kiểm sát viên đỡ phải tranh luận mà quan trọng hơn là việc bị cáo đã tâm phục kết luận của bản án sơ thẩm.

 


PV: Điều gì làm ông sợ nhất khi giữ quyền công tố?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Với tôi, khi giữ quyền công tố, chưa bao giờ gặp phải điều gì đáng sợ cả. Nếu có thì đó là sợ mình không vượt qua chính mình.

 


PV: Còn tình huống xúc động nhất mà ông từng gặp?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Có nhiều tình huống xúc động. Có một tình huống tại phiên toà phúc thẩm xử vụ hiếp dâm trẻ em ở Tuyên Quang. Bị cáo và bị hại là người Mông, họ đều ở huyện Chiêm Hoá. Ngồi phía trên, tôi nhìn thấy bố của cô bé nói chuyện gì đó với bị cáo. Khi thẩm vấn, bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối hận một cách thành thực. Giám hộ cho người bị hại (bố cô bé) xin giảm nhẹ hình phạt. Thẩm phán, chủ toạ hôm đó đã từng là Chánh án Toà án Hà Giang, ông hỏi bố của người bị hại đến Toà bằng phương tiện gì, hai bố con hết bao nhiêu tiền đi ô tô. Sau đó ông đề nghị thư ký trích 200.000 đồng cho bố con người bị hại làm lệ phí trở về nhà. Ông quay sang bảo với tôi: người Mông ở vùng đó nghèo lắm ông Kiểm sát viên ạ… Nếu ai đó bảo rằng, Thẩm phán vô cảm là họ rất võ đoán. Để xảy ra tai nạn giao thông làm chết hơn một vạn người mỗi năm thì số người vô cảm còn nhiều hơn!

 


PV: Có hoàn cảnh nào của bị cáo được trình bày tại Toà làm ông buồn nhất?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Có chứ! Đó là trường hợp một vị Thẩm phán rất sợ trách nhiệm. Ông này không vô cảm nhưng chưa đủ dũng khí để cứu rỗi một con người. Tôi gặp trường hợp này ở một phiên toà tại Quảng Ninh. Vụ án rất đơn giản. Bị cáo chỉ là đồng phạm với vai trò giúp sức. Mới 16 tuổi, bố chết từ lâu, mẹ làm nghề đội than nên bị hen suyễn. Mồ côi và nghèo nên bỏ học để đi xúc than thuê, một hôm, bị một “con nghiện” đã trưởng thành (bị cáo chính trong vụ án) lại nhiễm HIV yêu cầu vào lớp cũ gọi một học sinh con gia đình khá giả (vì sáng nào cũng được bố mẹ cho 20.000 đồng ăn quà) ra để gặp nó.

 

Khi ra, bị cáo lớn tuổi yêu cầu cậu học sinh nộp 50.000 đồng, cậu học sinh nói rằng hôm nay em không có. Ngay lập tức bị cáo lớn buộc bị cáo bé phải tát cho cậu học sinh một cái, đồng thời bị cáo lớn doạ cậu ta rằng: Mai mày không đưa tiền cho tao thì tao chích HIV cho mày. Cậu học sinh (bạn học cũ của bị cáo bé) nhận lời nhưng về nói chuyện đó với bố. Ngày hôm sau, hai bị cáo bị bắt khi chưa kịp nhận tiền. Bị cáo lớn là người có tiền án nên Toà sơ thẩm phạt 4 năm tù, không kháng cáo. Bị cáo nhỏ bị phạt 24 tháng tù về tội Cướp tài sản.

 


Xét tính chất vụ án, nguyên nhân và điều kiện phạm tội, vai trò cũng như nhân thân bị cáo tôi đã đề nghị HĐXX cho bị cáo nhỏ hưởng án treo, nhưng HĐXX tuyên “y án sơ thẩm”. Không biết nhà tù sẽ biến thằng bé đó ra cái gì. Cầu trời, nó đừng trở thành “Chí Phèo” để rồi cuối cùng, muốn làm người lương thiện lại phải tước đoạt mạng sống của Bá Kiến.


Tôi chưa bao giờ ra về tay trắng


PV: Ông có thường bị ám ảnh sau mỗi phiên toà mình tiến hành tố tụng?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Như tôi đã nói, tôi có nhiều điều trăn trở, nhiều điều day dứt, còn chưa lần nào sau phiên toà tôi bị ám ảnh. Mà tôi tham gia xét xử có nhiều nhặn gì đâu, giỏi lắm thì được khoảng 600 vụ án đủ loại của cấp phúc thẩm tối cao.

 


PV: Cảm xúc của ông khi đề nghị mức án tử hình và khi đề nghị mức án nhẹ nhất?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Trừ trường hợp tôi thấy bị cáo phạm tội không còn tính người nữa tôi mới đề nghị giữ nguyên án tử hình, còn lại tôi thường đề nghị tha tội chết. Đây cũng là lý do tôi không bị ám ảnh sau phiên toà. Khi ngồi nói chuyện phiếm với nhau, các Thẩm phán và Kiểm sát viên đều không muốn mình phải xét xử các vụ án tử hình. Đặc biệt là tội phạm về ma tuý. Ở đó, cấp sơ thẩm tuyên án tử hình quá nhiều. Mà thế cũng phải bởi theo quy định thì vận chuyển, tàng trữ hoặc mua bán 100 gam côcain hay hêrôin trở lên là có nguy cơ chịu án tử hình. Dùng hình phạt nặng để sớm đưa người phạm tội trở lại đời sống lương thiện trong xã hội khó thật.

 

Với án ma tuý, vụ nào bị cáo cũng bị xử nặng, tội phạm ma tuý không giảm. Việc tuyên án là của Hội đồng xét xử. Tôi thường tâm niệm rằng: Hồ Chí Minh là thánh. Di huấn của Người có rất nhiều điều để mình nhớ, mình học và cố gắng làm theo. Trong nghề của mình, tôi luôn khắc ghi một điều Người dạy: việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm; việc gì hại cho dân ta phải hết sức tránh. Vì thế, nếu Toà tuyên án nhẹ cho những bị cáo là người yếu thế trong xã hội thì tôi rất hài lòng.

 


PV: Ngồi ở vị trí Kiểm sát viên tại Toà, có khi nào ông ra về “tay trắng?

 


Ông Hồ Quốc Thái: “Tay trắng” theo nghĩa nào? Nhà cách mạng- Lãnh tụ Quốc dân Đảng Nguyễn Thái Học từng nói: không thành công thì cũng thành nhân. Tôi chưa gặp trường hợp nào “trắng tay”, nhưng tôi nghĩ: mình không buộc tội được thì mình phải chịu “thua” thôi. Cái mình sẽ được là những bài học. “Người đốt đền” Herostas lý sự rằng: mất tiền thì được kinh nghiệm, mất sức thì được thoải mái, mất vợ được tự do, mất niềm tin thì mất tất cả. Tôi tin rằng người đã xấu mà lần này mình “kém” để phải “thua” thì lần sau mình lại có cơ hội.

 

Trong thực tế, đã có nhiều kẻ “chạy tội” thành công bởi trước hết là nó nhiều tiền và nó rất “cao thủ”. Nhưng bản chất nó không thay đổi thì nó lại phải “chết”. Nguyễn Đình Chiến - Chiến “giỏ”- “Người đương thời” là điển hình. Anh ta đang kiện VKS đòi hàng trăm tỉ đồng bồi thường do bị “oan” nhưng chưa kịp đã bị “tóm cổ” vì lừa đảo, chiếm đoạt mấy chục tỉ đồng của người khác. Ngày nay, “ăn mặn” là “khát nước” ngay chứ chẳng phải chờ đến đời con mới “khát”.


“Luận” sai, “buộc” oan ở nhà còn dễ được tha thứ…


PV: Câu hỏi cuối cùng, ông thấy có điểm gì giống và khác nhau giữa một vị công tố luôn luận tội, buộc tội với một người chồng, người cha?

 


Ông Hồ Quốc Thái: Hai con người đó, một là của gia đình và một là của xã hội. Hai con người đó cũng có cái giống nhau chứ! Nhưng một bên “luận” và “buộc” với tư cách người đại diện cho pháp luật, còn một bên, như nhà báo biết đấy: vợ con mình mà! Điều khác cơ bản nhất khi “luận” và “buộc” là phải thật cẩn trọng: “luận” sai, “buộc” oan ở trong nhà thì còn dễ được tha thứ. Ngồi ghế công tố “luận” sai, “buộc” oan thì cực kỳ nguy hiểm, bởi người bị oan họ còn có vợ con, bố mẹ, gia đình, họ hàng, bạn bè và những người khác ở bên cạnh.

 

Tôi là cháu ngoại của một người ông bị oan, tôi quá thấm thía về nỗi tủi nhục của sự oan uổng. Rất may cho tôi: tôi chưa làm ai bị oan. Có lần đồng chí Lê Duẩn đã nói chuyện với cán bộ Toà án tối cao và VKS tối cao tại 48 Lý Thường Kiệt rằng: nếu làm oan cho một ai đó chúng ta không còn lẽ sống của người cộng sản. Tôi nghĩ, không phải chỉ người cộng sản mà bất cứ ai có lương tri sống ở trên đời này cũng không được phép làm oan cho người khác ở mọi lĩnh vực. Đặc biệt là trong lĩnh vực tư pháp. Bởi “nhất nhật tại tù- thiên thu tại ngoại”- Một ngày ở tù bằng ngàn năm ở ngoài.

 


PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ hết sức xúc động và thú vị này!

 


Thuý Hà (Báo BVPL)