(BVPL) - Thực hiện Kế hoạch xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) (sửa đổi), vừa qua, VKSNDTC đã tổ chức phiên họp lần thứ ba Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) để thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Chương VII - Bào chữa và một số điều khoản liên quan trong Bộ luật TTHS.
 

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp thứ ba.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Soạn thảo BLTTHS (sửa đổi) phát biểu tại phiên họp thứ ba.


Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo; đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC, Ủy viên Ban soạn thảo; Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN). Tham dự phiên họp thứ ba còn có các đồng chí Lãnh đạo LĐLSVN; các đồng chí đại diện một số Bộ, ngành gồm: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng cùng các đồng chí thành viên Tổ Biên tập Bộ luật TTHS (sửa đổi).     

Tại phiên họp, đại diện LĐLSVN trình bày Báo cáo đánh giá thực trạng bảo đảm quyền bào chữa và quan điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS 2003; Dự thảo sửa đổi Bộ luật TTHS 2003 (phần nội dung của Chương “Bào chữa” và một số Chương có liên quan). Theo đó, Báo cáo đánh giá đã tóm tắt quá trình thu thập, lấy ý kiến, tổ chức các hoạt động khảo sát, hội thảo khoa học nhằm góp ý sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS của LĐLSVN; đánh giá thực trạng pháp luật, việc thi hành Bộ luật TTHS; nguyên nhân của thực trạng bảo đảm quyền bào chữa trong Bộ luật TTHS; quan điểm và tư tưởng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa. Liên quan đến chế định Bào chữa, tại Chương VII Dự thảo sửa đổi Bộ luật TTHS 2003 gồm các điều quy định về người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự; trách nhiệm của người bào chữa và người bảo vệ quyền lợi của đương sự; phương thức lựa chọn người bào chữa; bào chữa bắt buộc và việc hạn chế quyền bào chữa; nghĩa vụ thông báo, tống đạt văn bản tố tụng nhằm bảo đảm quyền bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng; bào chữa miễn phí; chế độ luật sư trực ban TTHS; quyền gặp mặt và trao đổi thông tin giữa người bào chữa và người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, bị án; trình tự và thủ tục gặp mặt; quyền miễn trừ của người bào chữa; giữ bí mật trong hành nghề của người bào chữa; quyền đọc, ghi chép và sao chụp hồ sơ vụ án; việc chuyển giao hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra; khiếu nại việc cản trở thực hiện các quyền tố tụng của người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự…

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm cũng như tinh thần đổi mới, cách làm khoa học của LĐLSVN trong việc thực hiện nhiệm vụ được Ban soạn thảo phân công đối với nội dung về Bào chữa trong dự thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi). Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, chế định về bào chữa là một nội dung hết sức quan trọng trong Bộ luật TTHS vì nó liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến tất cả các giai đoạn tố tụng cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về đảm bảo quyền bào chữa trong Bộ luật TTHS là nhu cầu cần thiết xuất phát từ chiến lược cải cách tư pháp và chiến lược phát triển nghề luật sư ở Việt Nam.

Liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa và quyền hạn, nghĩa vụ, phạm vi tham gia tố tụng của luật sư, đồng chí Viện trưởng cơ bản đồng tình với quan điểm của LĐLSVN, đó là việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS cần lấy tư tưởng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, dựa trên căn bản Hiến pháp quy định, xem xét toàn diện và khách quan thực trạng thi hành pháp luật ở nước ta, cải cách tư pháp hình sự để tạo môi trường thuận lợi cho luật sư hành nghề nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị tình nghi phạm tội. Đồng thời, việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS cần quan tâm giải quyết hài hòa các mối quan hệ như: tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và tính tích cực, chủ động bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư trong quá trình tham gia TTHS; nội dung các kiến nghị sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm tính khả thi, tính khoa học và mang tính dự báo; xem xét, tham khảo, vận dụng một cách phù hợp các giá trị, thành tựu, quy định văn minh, tiến bộ trong chế định luật sư của các nước có nghề luật sư phát triển lâu năm và một số nước có điều kiện, hoàn cảnh chính trị, kinh tế - xã hội phù hợp với nước ta. Mặt khác, nội dung kiến nghị sửa đổi, bổ sung cần dựa trên các nguyên tắc như: nguyên tắc thực hiện từng bước, bảo đảm tính khả thi, tính kế thừa và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta; nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan, góp phần bảo vệ công lý; nguyên tắc cân bằng và hài hòa về lợi ích và cơ chế phối hợp với các chủ thể thực hiện chức năng buộc tội và chức năng xét xử; nguyên tắc bảo đảm cơ chế kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo khi có hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Đồng chí Viện trưởng đề nghị, LĐLSVN tiếp thu một cách đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tại phiên họp và sau phiên họp, các đồng chí thành viên Ban soạn thảo tiếp tục có những ý kiến đóng góp thể hiện rõ quan điểm về các nội dung của Chương Bào chữa trong dự thảo để LĐLSVN tiếp thu, chỉnh sửa và sau đó gửi Tổ Biên tập để hoàn thiện nội dung này. Đồng chí Viện trưởng cũng cho rằng, LĐLSVN và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng những nội dung cụ thể của Bộ luật TTHS được Ban soạn thảo phân công không chỉ tổ chức các cuộc họp, hội thảo của riêng Bộ, ngành mình mà cần thiết phải có các cuộc họp, hội thảo liên ngành với quy mô rộng hơn để thu được những thông tin bổ ích, quan trọng đối với việc xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi).     
 

Văn Tình   

.