Điều tra khách quan, toàn diện, đúng pháp luật

Báo cáo tình hình và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2019 của CQĐT VKSND tối cao cho thấy, trong thời gian qua, CQĐT VKSND tối cao luôn tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo đảm việc điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. CQĐT VKSND tối cao thực hiện nghiêm Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. 

Việc thu hồi tiền, tài sản do tội phạm tham nhũng chiếm đoạt được CQĐT VKSND tối cao quan tâm và chú trọng. Bên cạnh việc chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, CQĐT đã tích cực phát hiện, xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để kiến nghị các cơ quan hữu quan có biện pháp khắc phục, xử lý và phòng ngừa; đồng thời, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Việc kịp thời ban hành các kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm pháp luật không những bảo đảm nguyên tắc xử lý triệt để các vi phạm, thiếu sót, sơ hở theo quy định của Đảng, pháp luật mà còn nâng cao công tác giáo dục và phòng ngừa trong hoạt động tư pháp.

Cùng với đó, Đảng ủy, lãnh đạo CQĐT VKSND tối cao tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đề cao tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức, thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị, các phòng nghiệp vụ với công tác giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án hình sự.

Đơn vị đã tham mưu và trình Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 17/5/2019 về tăng cường công tác điều tra của CQĐT VKSND tối cao, trong đó chỉ đạo CQĐT VKSND tối cao phối hợp với các đơn vị, VKS các cấp tăng cường phối hợp, nắm nguồn tin về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; tăng cường năng lực, bổ sung các điều kiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra.

leftcenterrightdel
Cơ quan điều tra VKSND tối cao đọc quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Ảnh: PV            

Ngay từ đầu năm, việc triển khai thực hiện Quy định phối hợp giữa CQĐT VKSND tối cao với 11 đơn vị trong ngành KSND đã tác động tích cực đến công tác phát hiện, tiếp nhận và xử lý các nguồn tin về tội phạm, vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của CQĐT, trong đó số vụ, việc các đơn vị trong Ngành phát hiện, chuyển đến CQĐT để giải quyết theo thẩm quyền kịp thời và hiệu quả.

Đồng thời, thực hiện Quy chế 565 ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của CQĐT VKSND tối cao, nhiều VKS địa phương đã trực tiếp phát hiện, thu thập kịp thời thông tin vi phạm, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, chuyển đến CQĐT VKSND tối cao.

Các chỉ tiêu đều tăng 

Thủ trưởng CQĐT VKSND tối cao Nguyễn Tiến Sơn cho biết, 6 tháng qua, CQĐT VKSND tối cao đã tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, cách làm nhằm nâng cao chất lượng, số lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp.

Theo đó, các chỉ tiêu công tác của đơn vị đều tăng so với cùng kỳ năm 2018, như: Số thông tin thu thập và tiếp nhận mới tăng 12,3%, tỷ lệ giải quyết đạt 88,5%; tổng số tố giác, tin báo về tội phạm thụ lý tăng 20,5%; án thụ lý, khởi tố tăng 5,4% về số vụ; kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm tăng 79,2%,....

leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Thủ trưởng CQĐT VKSND tối cao phát biểu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 của đơn vị. 

Công tác xây dựng thể chế được đơn vị quan tâm, chú trọng, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đáng chú ý, CQĐT đã hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trong ngành KSND, Bộ Quốc phòng. Lần đầu tiên tham mưu với Viện trưởng VKSND tối cao ký ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác điều tra của CQĐT VKSND tối cao và Quy định tạm thời về công tác hồ sơ của CQĐT VKSND tối cao để bảo đảm tăng cường mọi nguồn lực, xây dựng CQĐT chuyên nghiệp, hiệu quả.

Giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và thời gian tới được CQĐT VKSND tối cao xác định, đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác điều tra của CQĐT VKSND tối cao, bảo đảm chương trình công tác của đơn vị trong năm 2019.

CQĐT VKSND tối cao tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và các vụ án đã thụ lý, phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội và của Ngành; đổi mới thu thập, phát hiện tội phạm; nâng cao chất lượng công tác điều tra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nghiệp vụ; tập trung giải quyết những vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng công tác kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng các đại biểu chứng kiến lễ ký quy định phối hợp giữa CQĐT và 11 đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Trong công tác xây dựng thể chế, đề án, CQĐT VKSND tối cao tiếp tục tập trung hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân”;  triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” trong ngành KSND; xây dựng Quy trình về công tác điều tra của CQĐT VKSND tối cao.

CQĐT VKSND tối cao sẽ phối hợp với một số đơn vị liên quan mở lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ điều tra hình sự đối với công chức mới được tuyển dụng, điều động làm vị trí công tác nghiệp vụ điều tra. Triển khai tập huấn chuyên sâu trong nội bộ CQĐT về 10 chuyên đề nghiệp vụ đã hoàn thiện, trong đó chú trọng các chuyên đề: “Kỹ năng xây dựng Kế hoạch điều tra vụ án hình sự”; “Kỹ năng, chiến thuật hỏi cung, lấy lời khai”; “Kỹ năng tổ chức thi hành lệnh bắt, tạm giam bị can”; “Kỹ năng thu thập, bảo quản, giám định, đánh giá chứng cứ, dữ liệu điện tử”;…. 

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục đề xuất kiện toàn bộ máy CQĐT như: thành lập Trung tâm điều tra kỹ thuật số, Trung tâm chỉ huy điều tra, Trung tâm xử lý thông tin; kiện toàn lãnh đạo cấp Cục, cấp Phòng; tiếp nhận công chức; thi tuyển, bổ nhiệm Điều tra viên các ngạch; đề xuất kinh phí đặc thù; xây dựng trụ sở phòng điều tra ở các khu vực; trang cấp phương tiện, điều kiện bảo đảm hoạt động điều tra;.…

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2019 của CQĐT VKSND tối cao, đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và đánh giá cao những kết quả nổi bật mà CQĐT VKSND tối cao đã đạt được trong thời gian qua.

leftcenterrightdel
Đồng chí Bùi Mạnh Cường, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trao quyết định cho các đồng chí được bổ nhiệm chức danh cán bộ Điều tra thuộc Cơ quan điều tra VKSND tối cao. 

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường tiếp tục nhấn mạnh về vị trí, vai trò của CQĐT VKSND tối cao theo Chỉ thị số 05 ngày 17/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao, đó là: CQĐT VKSND tối cao là thiết chế kiểm soát quyền lực tư pháp, góp phần quan trọng bảo đảm hoạt động tư pháp trong sạch, vững mạnh; đồng thời là cơ chế để VKS thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. 

Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Bùi Mạnh Cường mong rằng, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, chất lượng, số lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm và điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của CQĐT VKSND tối cao sẽ tiếp tục được nâng lên, đơn vị sẽ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội giao, từ đó góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh.

P.V