Những tiếng nói từ cơ sở - Kỳ 3
Cập nhật lúc 16:23, Thứ hai, 17/12/2012 (GMT+7)
Trước, trong và sau Hội nghị toàn quốc ngành KSND về “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”, báo BVPL đã có nhiều bài viết phản ánh toàn diện về Hội nghị và các ý kiến của các đại biểu tham luận tại Hội nghị. Trong số báo này, báo BVPL tiếp tục thông tin các ý kiến của VKS các tỉnh: Lâm Đồng, An Giang, Nghệ An và VKS quận Sơn Trà (Đà Nẵng). (cơ sở, tham luận, đại biểu, tổng kết, hội nghị, xác minh)
(BVPL) - Trước, trong và sau Hội nghị toàn quốc ngành KSND về “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003”, báo BVPL đã có nhiều bài viết phản ánh toàn diện về Hội nghị và các ý kiến của các đại biểu tham luận tại Hội nghị. Trong số báo này, báo BVPL tiếp tục thông tin các ý kiến của VKS các tỉnh: Lâm Đồng, An Giang, Nghệ An và VKS quận Sơn Trà (Đà Nẵng).
Theo luật hiện hành, Ủy ban kiểm sát (UBKS) ra nghị quyết có tính chất bắt buộc đối Viện trưởng; Đa số thành viên UBKS đề nghị triệu tập cuộc họp và biểu quyết về nội dung thì Viện trưởng phải chấp hành. Những quy định trên vô hình chung đã biến UBKS thành chủ thể tiến hành tố tụng đặc biệt và thành cấp trên của Viện trưởng VKS là trái với nguyên tắc “Thủ trưởng chế” trong ngành Kiểm sát nhân dân. Do vậy, tôi đề nghị chỉ quy định UBKS là cơ quan tư vấn cho Viện trưởng trong một số trường hợp luật định.
Về vấn đề tranh tụng tại phiên tòa: Qua thực hiện chủ trương “Án mẫu” từ năm 2001 về trước và “Án rút kinh nghiệm” thực hiện kỹ năng công tố theo Chỉ thị số 01 của Viện trưởng VKSNDTC năm 2012, cho thấy:
Theo Điều 207 Bộ luật TTHS quy định trình tự xét hỏi theo thứ tự là: Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên… Luật không quy định ai là người hỏi chính, ai là người hỏi phụ. Trong thực hiện hai chủ trương trên chúng tôi phối hợp với Tòa án đề nghị Tòa án dành việc xét hỏi cho KSV hỏi trước và là hỏi chính, còn Hội đồng xét xử chỉ hỏi thêm những vấn đề chưa rõ, qua đó đã đem lại hiệu quả cao: Thứ nhất, Kiểm sát viên chủ động bảo vệ được cáo trạng. Thứ hai, trả Hội đồng xét xử về đúng chức năng xét xử (trọng tài). Thứ ba, việc tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, lấy hội đồng tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ quan trọng để xử lý án. Tôi đề nghị sửa Điều 207 BLTTHS theo thứ tự xét hỏi: Kiểm sát viên, Luật sư, Thẩm phán, Hội thẩm. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện tốt mô hình thẩm vấn kết hợp với tranh tụng đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, cần có quy định cụ thể về lời buộc tội của người bị hại trong các vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 51 BLTTHS thì Kiểm sát viên có phải trình bày luận tội đối với các vụ án này theo quy định tại Điều 217 BLTTHS? Không thể tồn tại hai lời buộc tội trong một vụ án được. Vậy, theo tôi, đã là người bị hại buộc tội thì VKS không trình bày luận tội của VKS theo quy định tại Điều 217 BLTTHS nữa. Nếu như cứ để bị hại trình bày lời buộc tội, Kiểm sát viên cũng trình bày lời buộc tội nhưng quan điểm về xử lý khác nhau thì giải quyết như thế nào? Trên thực tế là rất khó xử lý.
Thanh Dịu - Mai Hòa
(lược ghi)
.