(BVPL) - Quá trình 55 năm thành lập và phát triển, đồng hành thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát nhân dân, luôn có sự đóng góp đặc biệt quan trọng, không thể thiếu của những người làm công tác kế hoạch- tài chính. 55 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2010-2015, công tác kế hoạch tài chính của ngành Kiểm sát nhân dân đã có những nội dung đột phá mạnh mẽ, đạt được những thành tích quan trọng đã được ghi nhận. 
 
Nhân dịp 55 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960-26/7/2015), Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật phỏng vấn ông Nguyễn Văn Hà- Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch- Tài chính, VKSNDTC.
 
PV: Có thể nói, công tác tài chính- kế toán là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với bất kỳ cơ quan, đơn vị nào trong bộ máy nhà nước. Đối với ngành Kiểm sát, công tác này có những đặc thù riêng, đòi hỏi những cán bộ làm công tác kế hoạch tài chính không chỉ am hiểu về nghiệp vụ kế toán, tài chính, am hiểu các quy định của pháp luật nói chung mà còn phải am hiểu những đặc thù của ngành, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc đề nghị tăng cường cơ sở vật chất và kinh phí cho hoạt động của Ngành. Với những đòi hỏi cao như vậy, công tác kế hoạch - tài chính của ngành Kiểm sát thời gian qua, đặc biệt là trong những năm đất nước đổi mới gần đây đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
 

 

Ông Nguyễn Văn Hà- Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch- Tài chính: 
 
Trong 55 năm thành lập và phát triển, công tác kế hoạch, tài chính của ngành Kiểm sát nhân dân đã để lại nhiều thành tích mang dấu ấn quan trọng, góp phần đảm bảo sự « «vận hành » thông suốt của bộ máy các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành, để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Kế thừa truyền thống của các thế hệ làm công tác kế hoạch, tài chính, đặc biệt giai đoạn 2010-2015, có thể kể 10 điểm nhấn trong công tác kế hoạch, tài chính như sau: 
 
1. Xác định biên chế Kế toán của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện
 
Được sự quan tâm của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong báo cáo đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành bổ sung biên chế cho ngành Kiểm sát nhân dân. UBTVQH đã ban hành các Nghị quyết số 821/2009/UBTVQH12 ngày 17/9/2009 và Nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 giao chỉ tiêu biên chế bổ sung cho ngành Kiểm sát nhân dân. Theo đó, hiện nay kế toán Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã có một chỉ tiêu biên chế được tuyển dụng là công chức, không phải là đối tượng ký hợp đồng thuê kế toán như trước đây và được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đây là nguồn động viên to lớn đối với đội ngũ làm công tác kế toán Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, góp phần quan trọng vào việc tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trong việc quản lý, sử dụng tài sản công và kinh phí được giao theo đúng quy định của pháp luật, quy định của Ngành, của đơn vị. 
 
2. Tăng kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên
 
Cục 3 (trước đây là Vụ Kế hoạch tài chính) đã tham mưu cho Lãnh đạo viện, chủ động phối hợp với Bộ Tài chính khảo sát, xây dựng định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, gắn với nhiệm vụ đặc thù của Ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo đó, từ năm ngân sách 2011, thực hiện Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, định mức chi thường xuyên áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015 ngành Kiểm sát nhân dân và một số cơ quan có định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ở mức cao nhất là 30 triệu đồng/biên chế/năm, đặc biệt ngoài việc định mức tăng hơn so với định mức thời kỳ ổn định ngân sách 2007-2010 thì theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg đã tách tiền lương và các khoản có tính chất tiền lương, các khoản đóng góp theo lương ra khỏi định mức, đây là kết quả nổi bật trong xây dựng định mức phân bổ ngân sách của Nhà nước. 
 
3. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới của Viện kiểm sát nhân dân tối cao
 
Trụ sở của Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại số 44, Lý Thường Kiệt, Hà Nội, tổng diện tích sử dụng là 9.900 m2 nhằm đáp ứng cho 300 biên chế. Hiện nay, biên chế của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tăng lên gần 1.000 người; do đó, chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu hiện tại. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phải thuê thêm trụ sở làm việc từ nhiều năm.
 
Dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Cầu Giấy, Hà Nội đã chuẩn bị đầu tư từ năm 2004 nhưng nhiều năm chưa triển khai khởi công được với khó khăn lớn nhất, đó là chưa xác định và cân đối nguồn vốn đầu tư để thực hiện dự án, đến giai đoạn này với sự quyết tâm cao của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho đầu tư. Nguồn vốn để thực hiện dự án bao gồm tiền sử dụng từ bán tài sản dôi dư do sắp xếp lại nhà đất trong ngành Kiểm sát nhân dân và một phần từ ngân sách Nhà nước cấp. Ngày 27/3/2015, dự án đã chính thức khởi công xây dựng với thiết kế hiện đại, gồm 29 tầng, tổng diện tích sử dụng 54.000 m2 trên diện tích gần 8.000 m2, dự kiến đầu năm 2017 có thể đi vào sử dụng. 
 
4. Trang bị xe ô tô chuyên dùng cho Viện kiểm sát nhân dân
 
- Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1874/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư trang bị, phương tiện làm việc cho ngành Kiểm sát nhân dân giai đoạn 2011-2015” với tổng kinh phí cấp là 696.530 triệu đồng. Trong đó, lần đầu tiên xe ô tô chuyên dùng cấp cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện được trang bị 278 chiếc, đạt 40% số đơn vị cấp huyện.
 
- Đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc giai đoạn 2016-2020 của Ngành đã được Bộ Tài chính thống nhất bổ sung định mức xe chuyên dùng của ngành Kiểm sát nhân dân (Công văn số 17477/BTC-QLCS ngày 01/12/2014). Theo đó, bổ sung định mức xe ô tô chuyên dùng cho toàn Ngành là 527 xe; trong đó có 427 xe cho cấp huyện để đảm bảo đủ 100% cấp huyện có tiêu chuẩn xe chuyên dùng, đồng thời bổ sung định mức 17 xe chuyên dùng cho Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cục Điều tra 12 xe và  65 xe chuyên dùng cho Viện kiểm sát cấp tỉnh.  Đề án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí cấp là 673.433 triệu đồng (Quyết định số 683/QĐ-TTg ngày 19/5/2015).
 
5. Cải tiến trang phục Kiểm sát
 
Ngày 16/8/2012 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 về trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát và Giấy chứng minh Kiểm sát viên thay thế Nghị quyết số 219/2003/NQ-UBTVQH11. Theo đó, đây là bước cải tiến căn bản về trang phục nhằm thể hiện tính chuyên nghiệp, sự trang nghiêm, đồng bộ góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật, lễ tiết, tác phong nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới.  
 
6. Đầu tư cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành
 
Năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã sử dụng vốn hành chính đầu tư hệ thống thiết bị phục vụ hội nghị truyền hình trực tuyến đến Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
 
Ngày 14/01/2015, hệ thống truyền hình trực tuyến đến cấp huyện đã được khai trương, phục vụ hiệu quả ngay cho Hội nghị triển khai công tác kiểm sát nhân dân năm 2015. 
 
Việc đầu tư các dự án truyền hình trực tuyến đến tất cả các Viện kiểm sát nhân dân trong Ngành là một sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tiết kiệm rất nhiều về kinh phí, thời gian do phải tổ chức các hội nghị tập trung như trước đây, đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. 
 
7. Chú trọng việc xây dựng chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức trong Ngành
 
Ngoài tiền lương, phụ cấp khi thực thi nhiệm vụ Kiểm sát viên được hưởng một số chế độ đặc thù: Tăng chế độ bồi dưỡng phiên toà, có chế độ bồi dưỡng phiên họp dân sự; chế độ bồi dưỡng tham gia c¬ưỡng chế thi hành án; tăng chế độ bồi dưỡng trực nghiệp vụ; chế độ bồi dưỡng giám định t¬ư pháp; chế độ bồi dư¬ỡng làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn th-ư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. 
 
8. Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ tài chính, kế toán
 
Năm 2011, đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn công tác kế toán - tài chính toàn Ngành đến Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước đến nay để kế toán cấp tỉnh, cấp huyện được trau dồi kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ, giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác… 
 
9. Thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về tăng cường cơ sở vật chất và nguồn kinh phí cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp vào trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
 
Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã thể chế hóa được những điểm mới, nổi bật trong phần bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân như: 
 
- Tăng thẩm quyền cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong trình dự toán ngân sách: “Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Trong trường hợp Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định,…” (khoản 2 - Điều 94);
- Tăng cường cơ sở vật chất cho ngành Kiểm sát nhân dân: “Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân” (khoản 4 - Điều 94);
- Chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức: “Chế độ phụ cấp đặc thù của cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định,… Chế độ phụ cấp khác theo quy định của pháp luật” (Điều 96)
- Nhà nước bảo đảm và ưu tiên cho công tác đào tạo, bồi dưỡng: “ Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực để phục vụ Viện kiểm sát nhân dân; có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”(khoản 1, 2 – Điều 98).
 
10. Xây dựng và trình các đề án
 
Nhằm tăng cường hơn nữa nguồn kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện cải cách tư pháp, ngành đã triển khai xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền nhiều đề án: Đề án về đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách; đề án đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc giai đoạn 2016-2020; đề án về kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đề án về đổi mới công tác kế hoạch - tài chính; đề án về vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
 
PV: Để đảm bảo các hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, toàn Ngành đang có những đổi mới cơ bản về bộ máy tổ chức hoạt động theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Hiến pháp năm 2013. Ông có thể cho biết những khó khăn, tồn tại cần tháo gỡ?
 

 

Ông Nguyễn Văn Hà- Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính: 
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, tồn tại trong công tác bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân:
 
- Về nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp: Nhiệm vụ và thẩm quyền của ngành trong những năm gần đây được tăng cường do thực hiện các đạo luật mới trong các lĩnh vực như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, thực hiện Luật Tương trợ tư pháp … khối lượng công việc tăng, biên chế tăng. Nguồn ngân sách tuy có tăng nhưng chủ yếu là tăng do thay đổi về chế độ chính sách, đặc biệt vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng rất thấp chỉ đáp ứng khoảng 30% so với nhu cầu.
 
- Về chế độ, chính sách: Mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên và Kiểm tra viên ngành Kiểm sát nhân dân, nhưng chế độ đãi ngộ hiện nay vẫn chưa tương xứng với tính chất đặc thù công việc và hao phí lao động đặc thù của ngành Kiểm sát dẫn đến việc tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào Ngành gặp nhiều khó khăn. 
 
Một số chế độ Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã và đang đề nghị nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền chấp chấp nhận như: Chế độ bồi dưỡng đối với Kiểm sát viên làm nhiệm vụ chuyên trách đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy; chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, Kiểm sát viên làm nhiệm vụ kiểm sát nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, chế độ bồi dưỡng đối với Kiểm sát viên khi khám nghiệm hiện trường
 
- Về tiền lương: Mặc dù các chức danh tư pháp đã được quy định tại bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ riêng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhưng mức tiền lương áp dụng hiện nay vẫn chưa mang tính đặc thù riêng, không có sự khác biệt so với bảng lương công chức hành chính.
PV: Để tháo gỡ những khó khăn đó, thời gian tới, Cục Kế hoạch - Tài chính đã có những biện pháp gì  nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kế hoạcch tài chính trong toàn Ngành, thưa ông?. 
 
Ông Nguyễn Văn Hà- Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch- Tài chính: Trong thời gian tới, Cục kế hoạch – Tài chính đã tham mưu cho Lãnh đạo Ngành, cùng với toàn Ngành thực hiện một số biện pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác Kế hoạch - Tài chính như:
 
Thứ nhất, sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy và đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng độ ngũ cán bộ làm công tác Kế hoạch – Tài chính.
 
Thứ hai, đẩy mạnh việc tăng cường cơ sở vật chất trong Ngành: Tập trung xây dựng và bảo vệ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kế hoạch vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2015. Đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả đề án đầu tư trang thiết bị và phương tiện làm việc giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Thứ ba, tăng cường nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng: Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng ngân sách Nhà nước cấp thường xuyên hàng năm rất thấp so với nhu cầu của Ngành, vì vậy cần thiết xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường nguồn kinh phí đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ ngành KSND giai đoạn 2016-2020 để có nguồn kinh phí nhiều và ổn định hơn.
 
Thứ tư, xây dựng định mức dự toán chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách mới (giai đoạn 2016-2020): VKSNDTC đề nghị Bộ Tài chính phối hợp khảo sát thực tế hoạt động của ngành KSND để xây dựng mới định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2016-2020 gắn với hoạt động manh tính đặc thù và những nhiệm vụ trong tình hình mới để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thay thế Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 
 
Thứ năm, xây dựng các chế độ, chính sách đặc thù: Xây dựng các chế độ chính sách đặc thù theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, bảo đảm chế độ tiền lương, phụ cấp đặc thù được tăng cường hơn trước.
 
Thứ sáu, rà soát, xây dựng lại các quy chế, định mức chi tiêu nội bộ cho phù hợp với nguồn kinh phí và nhiệm vụ mới theo Luật tổ chức VKSND năm 2014.
 
Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, kiểm soát: Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu tư xây dựng trụ sở,  mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc; quản lý, sử dụng tài sản công và nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước được giao để bảo đảm việc chi tiêu đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. 
 
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
 
Minh Anh (thực hiện)