VKSND tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành cùng cấp tại địa phương. Quy chế phối hợp liên ngành gồm các lĩnh vực tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết các vụ án hình sự; phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp và công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động,.. đã được VKSND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan khối nội chính, các cơ quan liên quan khác của tỉnh ký kết vào giữa tháng 6/2017.
Đánh giá 4 năm thực hiện quy chế, báo cáo của VKSND tỉnh Bình Thuận cho biết, sau khi các quy chế phối hợp liên ngành được ban hành và có hiệu lực, lãnh đạo các ngành tham gia ký kết đều quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt các quy chế. Các đơn vị đã tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung các quy chế phối hợp đến các cán bộ, công chức, tổ chức xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện trong phạm vi phối hợp.
|
|
Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Thuận Dương Xuân Sơn phát biểu kết luận các nội dung thảo luận tại Hội nghị. Ảnh: VKSBT. |
Các đơn vị thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả công tác phối hợp để phát huy những mặt đạt được, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp. Nhờ đó công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực.
Việc phối hợp giữa Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS), Tòa án (TA) với các cơ quan khác trong hoạt động tố tụng diễn ra đồng bộ, chặt chẽ hơn; từ đó nâng cao chất lượng giải quyết các tin báo, vụ án hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… cũng như nâng cao nhận thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ thực thi nhiệm vụ. Việc trao đổi thông tin, họp bàn giải quyết các vụ án, vụ việc giữa các cơ quan được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện.
Công tác phối hợp liên ngành giữa CQĐT, VKS và TA được thực hiện tốt ngay từ khi CQĐT tiếp nhận nguồn tin, xuyên suốt quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, truy tố, đến khi xét xử xong vụ án hình sự.
|
|
Các đơn vị tham gia ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Ảnh: VKSBT. |
Các Điều tra viên và Kiểm sát viên thường xuyên có sự trao đổi, bàn bạc về định hướng điều tra, thu thập, phân loại, đánh giá chứng cứ… để đảm bảo việc thu thập chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật. Việc phê chuẩn các quyết định tố tụng của CQĐT được VKS thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc.
Lãnh đạo CQĐT, VKS và TA thường xuyên tiến hành tổ chức nhiều cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất liên ngành cùng cấp hoặc hai cấp để bàn bạc, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc. Từ đó đã xử lý các vụ án, vụ việc kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, án bị hủy, sửa.
Quan hệ phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính,.. và những việc khác theo quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ. Kiểm sát viên và Thẩm phán thường xuyên có việc trao đổi, bàn bạc trong quá trình thụ lý, thu thập, đánh giá chứng cứ và đường lối xử lý; đảm bảo cho kết quả xử lý các vụ án, vụ việc đúng pháp luật, khách quan, toàn diện; bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân; hạn chế tình trạng án bị hủy, cải sửa.
|
|
Các đơn vị VKS, Công an, Tòa án ký kết quy chế phối hợp trong công tác giải quyết các vụ án hình sự. Ảnh: VKSBT. |
Việc phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm giữa 2 ngành TA-VKS được tổ chức tốt, đã giúp đánh giá đúng chất lượng hoạt động tố tụng, năng lực của đội ngũ Kiểm sát viên, Thẩm phán trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính…; kịp thời trao đổi, rút kinh nghiệm nhằm hạn chế những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động tố tụng và áp dụng pháp luật. Thông qua các phiên tòa rút kinh nghiệm, các Kiểm sát viên, Thẩm phán có điều kiện rèn nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm thực tiễn, nhất là các kỹ năng xử lý tình huống mới phát sinh tại phiên tòa; rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động nghiệp vụ.
Báo cáo của VKSND tỉnh Bình Thuận cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong công tác phối hợp, cần điều chỉnh, bao gồm việc xác định thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; chậm xử lý một số tin báo ở giai đoạn đầu tiếp nhận cũng như việc phối hợp giải quyết tin báo; việc xác định hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm hay không ở một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; việc chuyển hồ sơ trong lĩnh vực dân sự cho VKS còn chưa kịp thời.
Qua thực tiễn hoạt động, Hội nghị sơ kết cũng xác định những vấn đề cần sửa đổi đối với từng quy chế phối hợp.