(BVPL) - Hội nghị toàn quốc ngành KSND “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKS quân sự năm 2002, Bộ luật TTHS năm 2003 và định hướng sửa đổi đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” được tổ chức trong hai ngày (mùng 6 và mùng 7 tháng 12) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình với sự có mặt của khoảng 1000 đại biểu. Nhân dịp này, báo BVPL xin được điểm lại những công việc mà ngành Kiểm sát đã triển khai để chuẩn bị cho hội nghị được xem là lớn nhất của Ngành từ khi thành lập đến nay.
Theo Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ hai về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII và Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 ngày 29/12/2011 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, VKSNDTC được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành hữu quan xây dựng Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (TTHS) (sửa đổi). UBTVQH cũng đã ban hành Nghị quyết số 432/NQ-UBTVQH13 ngày 30/12/2011 thành lập Ban Soạn thảo Bộ luật TTHS do đồng chí Viện trưởng VKSNDTC làm Trưởng Ban. Căn cứ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ban Soạn thảo đã ban hành kế hoạch và yêu cầu các Bộ, Ngành triển khai việc thực hiện tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 một cách toàn diện và chất lượng. Đồng thời, VKSNDTC cũng đã tiến hành khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 tại 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 của các Bộ, Ngành, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, VKSNDTC đã xây dựng Báo cáo kết quả tổng kết việc thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 và đề xuất những vấn đề sửa đổi, bổ sung.
Đối với việc xây dựng Dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), ngày 16/7/2012, VKSNDTC cũng đã ban hành Kế hoạch số 64/KH-VKSTC-V8 về việc tổng kết thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (được sửa đổi năm 2011). Căn cứ vào Kế hoạch trên, VKSNDTC đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp triển khai thực hiện việc tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND (được sửa đổi, bổ sung năm 2011); đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo VKSQS các cấp tiến hành tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Pháp lệnh tổ chức VKSQS. Trên cơ sở kết quả tổng kết của 63 VKSND tỉnh, thành phố, VKSQS các cấp và các đơn vị trực thuộc VKSNDTC; ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn ở trong và ngoài ngành Kiểm sát, VKSNDTC đã xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011), Pháp lệnh tổ chức VKSQS năm 2002 và đề xuất sửa đổi, bổ sung (Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh).
Cùng với việc chuẩn bị các tài liệu phục vụ Hội nghị toàn ngành thông qua việc xây dựng, hoàn thiện các dự thảo báo cáo kết quả tổng kết việc thi hành Bộ luật TTHS năm 2003; Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh để các đại biểu tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến, VKSNDTC đã tiến hành nhiều hoạt động khác để chuẩn bị cho Hội nghị quan trọng này, cụ thể:
Ngày 02/11/2012, VKSNDTC đã ban hành Kế hoạch số 123/KH-VKSTC-V8 về việc tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành KSND “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh KSV VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức VKS quân sự năm 2002, Bộ luật TTHS năm 2003 và định hướng sửa đổi đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Theo đó, Hội nghị toàn quốc ngành KSND nhằm mục đích: tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh; tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003; thảo luận, cho ý kiến về những định hướng cơ bản sửa đổi Luật tổ chức VKSND và Bộ luật TTHS; triển khai thực hiện Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 của UBTVQH về trang phục của ngành KSND. Ngày 3/11/2012, Hội đồng khoa học ngành KSND đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC để bàn và cho ý kiến về những nội dung sẽ tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn ngành liên quan đến việc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 - Định hướng sửa đổi”. Tại cuộc họp này, các thành viên Hội đồng khoa học đã bàn bạc, đánh giá, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 như đánh giá tình hình thi hành Bộ luật TTHS năm 2003; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành Bộ luật; một số đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đánh giá, đóng góp ý kiến đối với dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh về những nội dung như: Đánh giá tình hình thi hành Luật và 02 pháp lệnh; những vướng mắc, bất cập trong quá trình áp dụng các quy định của Luật và 02 pháp lệnh; kiến nghị những nội dung cơ bản của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Tiếp đó, ngày 13/11/2012, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp với các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC để bàn bạc, trao đổi và đóng góp ý kiến liên quan đến việc xây dựng Dự án Bộ luật TTHS (sửa đổi) và Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) (02 Dự án Luật). Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai đã thông báo đến các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC một số nội dung công việc liên quan đến việc xây dựng 02 Dự án Luật mà VKSNDTC đã triển khai thực hiện trong thời gian qua, đồng thời nêu cả những vấn đề có quan điểm mới và có ý kiến khác nhau liên quan đến 02 Dự án Luật. Cũng tại cuộc họp này, các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC đóng góp ý kiến liên quan đến 02 Dự án Luật như: về nguyên tắc tập trung thống nhất, lãnh đạo của VKSND; quy định về Ủy ban kiểm sát (UBKS); việc tổ chức VKSND thành 4 cấp, với việc thành lập VKSND cấp cao; về việc tổ chức UBKS ở các cấp VKS; về việc đổi mới tổ chức các đơn vị làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra, xét xử ở VKSNDTC; về chức danh KSV; việc xác định mô hình TTHS ở nước ta thời gian tới; về cơ quan THTT và người THTT; người tham gia tố tụng; về biện pháp ngăn chặn, các biện pháp trinh sát và một số hoạt động tố tụng khác; về một số thủ tục tố tụng cụ thể; sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của VKS để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, nhằm thực hiện tốt yêu cầu của Đảng “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện tốt cơ chế gắn công tố với điều tra”, “nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”… Có thể khẳng định, cuộc họp đã nhận được những ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm của các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC đối với việc xây dựng 02 Dự án Luật.
Sau khi tổ chức cuộc họp xin ý kiến của các đồng chí nguyên là Lãnh đạo VKSNDTC, để chuẩn bị cho Hội nghị toàn ngành “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Bộ luật TTHS năm 2003 và định hướng sửa đổi, bổ sung hai đạo luật này”, trong hai ngày 17 và 18/11/2012, VKSNDTC đã tổ chức cuộc họp UBKS (mở rộng) dưới sự chủ trì của đồng chí Viện trưởng VKSNDTC để thảo luận về các dự thảo tài liệu liên quan đến 02 Dự án Luật sẽ được đưa ra tại Hội nghị toàn ngành. Phát biểu tại cuộc họp này, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa của 02 Dự án Luật liên quan đến tổ chức và hoạt động, đến quá trình xây dựng, phát triển của ngành KSND đồng thời điểm lại những công việc quan trọng mà ngành Kiểm sát đã và đang làm trong thời gian qua nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, xây dựng 02 Dự án Luật. Tại cuộc họp, các tài liệu liên quan đến 02 Dự án Luật đã được đưa ra để bàn bạc, xin ý kiến gồm: Dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật TTHS năm 2003 và đề xuất sửa đổi, bổ sung; báo cáo tình hình triển khai xây dựng dự án Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và một số vấn đề cần xin ý kiến; dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh; dự kiến những vấn đề cần tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn ngành. Cũng tại cuộc họp này, đồng chí Viện trưởng lưu ý các đơn vị liên quan cần tiếp tục tập hợp, tiếp thu những ý kiến đóng góp tại cuộc họp UBKS và tiếp thu có chọn lọc các ý kiến của các Bộ, Ngành hữu quan để bổ sung vào các tài liệu phục vụ Hội nghị toàn ngành để các tài liệu này đạt chất lượng tốt hơn, giúp cho các đại biểu thuận lợi trong việc tham gia đóng góp ý kiến.
Sau cuộc họp của UBKS, Ban Cán sự Đảng VKSNDTC cũng đã họp để chốt lại những nội dung quan trọng, cơ bản sẽ đưa ra tại Hội nghị toàn ngành liên quan đến 02 Dự án Luật.
Ngoài các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị toàn quốc ngành KSND như đã nêu trên, trước khi Hội nghị diễn ra, Lãnh đạo VKSNDTC cũng đã tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị có liên quan về việc chuẩn bị cho Hội nghị; tổ chức cuộc họp với các đồng chí Tổ trưởng và các đồng chí Thư ký để phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm giúp cho Hội nghị được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đạt chất lượng.
Về những vấn đề gợi ý tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn quốc ngành KSND, đối với Luật tổ chức VKSND và 02 pháp lệnh đã nêu 10 vấn đề gồm: Nội dung tổng kết, nhận xét, đánh giá về thực tiễn thi hành Luật và các Pháp lệnh thể hiện trong Dự thảo Báo cáo đã đầy đủ, toàn diện, chính xác chưa? Ngoài các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS đã được quy định tại các Điều 3, 4, 5, 10 của Luật tổ chức VKSND hiện hành, cần quy định bổ sung thêm các nhiệm vụ, công tác nào? Mối quan hệ giữa nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành với yêu cầu bảo đảm và tăng cường sự độc lập của KSV trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của UBKS (được quy định tại Điều 32, Điều 35 Luật tổ chức VKSND năm 2002) đã bảo đảm kết hợp hài hòa những yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ với nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong ngành chưa? Có cần thiết phải bổ sung hay bỏ bớt thẩm quyền nào không? Có thành lập UBKS ở hai cấp VKS mới là VKSND cấp cao và VKSND khu vực không? Tiếp tục quy định cơ cấu tổ chức của VKSND khu vực gồm các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc do Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách như VKSND cấp huyện hiện nay hay đổi mới tổ chức thành các phòng, văn phòng? Về cán bộ của VKSND: Ngoài chức danh KSV và Điều tra viên đã được quy định tại Chương IX của Luật, cần thiết phải quy định bổ sung thêm chức danh nào? Đối với các chức danh mới, cần quy định những vấn đề gì?; Về KSV VKSND: Có cần thiết phải đổi mới quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, quy định về nhiệm kỳ, cơ chế tuyển chọn KSV không? Nếu cần thiết thì đổi mới như thế nào?. Có cần thiết phải đổi mới các quy định về bảo đảm hoạt động của VKS và KSV trong Luật tổ chức VKSND, Pháp lệnh KSV VKSND hiện hành không? Nếu cần thiết thì đổi mới như thế nào?. Kết cấu, bố cục của Luật tổ chức VKSND cần được đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu pháp điển hóa cả Pháp lệnh KSV VKSND và Pháp lệnh tổ chức VKSQS?.
Đối với Bộ luật TTHS, có 15 vấn đề được đưa ra để gợi ý thảo luận gồm: về các nguyên tắc cơ bản của TTHS; về Cơ quan điều tra; về VKS; về Tòa án; về thi hành án; về vấn đề phân định thẩm quyền của Thủ trưởng các cơ quan THTT và việc tăng quyền, tăng trách nhiệm cho Điều tra viên, KSV, Thẩm phán; về các chế định bổ trợ tư pháp; về biện pháp ngăn chặn; về thời hạn tố tụng; về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong TTHS; về hợp tác quốc tế trong TTHS; về quan hệ giữa VKS các cấp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; về một số vấn đề mới; về khung kết cấu của Bộ luật TTHS; những vấn đề khác của Bộ luật TTHS có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung.
V.Tình