50 năm - một chặng đường, một nửa thế kỷ, ngành Kiểm sát được thành lập và trưởng thành. Trải qua bao chặng đường phát triển của đất nước, cán bộ Kiểm sát đã cố gắng trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của Ngành, góp phần vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.
Trong không khí vui mừng, kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Ngành (26/7/1960 - 26/7/2010), một ngày tháng 7, tôi được gặp ông, nguyên Viện trưởng VKSND Tối cao- Hà Mạnh Trí, một người đã có cả sự nghiệp, cả cuộc đời gắn bó với ngành Kiểm sát. Trong câu chuyện kể về chặng đường ông chứng kiến, ông không nói về mình, ông kể cho tôi nghe về những người đầu tiên gắn bó với Ngành, những người trực tiếp đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên “công trình” ngành Kiểm sát.
Kỷ niệm về những người thủ trưởng đầu tiên - những người thầy hết mình vì sự nghiệp kiểm sát, ánh mắt ông có lúc ánh lên niềm vui, có lúc mang những trăn trở, có lúc là một niềm hoài niệm xa xăm. “Những ngày ấy, thủ trưởng và nhân viên như anh em trong nhà, sống chân tình và gắn bó, những ngày ấy, những người lãnh đạo đã có công rất lớn trong việc tiếp ngọn lửa tình yêu Ngành, yêu nghề với lớp thế hệ chúng tôi.
Tôi nhớ đồng chí Trần Hiệu- nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC trong nhiều năm liền, một người lãnh đạo hết lòng vì ngành Kiểm sát, luôn luôn tâm niệm đặt việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng đội ngũ thanh niên, những lớp người tiếp nối trong sự nghiệp phát triển Ngành ta, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó…”
Hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng
Đồng chí Trần Hiệu sinh ngày 30-4-1914 tại xóm Gianh - làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức - tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình trung nông lớp trên theo Nho học và có truyền thống yêu nước. Năm 1926, mới 12 tuổi, đồng chí đã tích cực tham gia Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tổ chức ở trường làng. Tháng 6-1929, khi là học sinh lớp nhì đệ nhất cấp ở Trường Bờ Sông - Hà Nội, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Thanh niên cộng sản. Học hết đệ nhất cấp, đồng chí đi học nghề thợ nguội ở xưởng Tân Thành tại phố Hàng Nón-Hà Nội. Mùa hè năm 1935 đồng chí ra Hải Phòng học nghề sửa chữa xe ô-tô ở Trường Kỹ nghệ thực hành.
Tại đây, đồng chí tham gia làm báo bí mật… được 10 tháng thì bị nhà trường phát hiện, đuổi học.Trở về Hà Nội, Đồng chí Trần Hiệu tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, Hội ái hữu và Đoàn thanh niên dân chủ. Năm 1937 đồng chí được giao phụ trách Phòng quản trị tờ báo Thế giới, tiếng nói của Đoàn thanh niên dân chủ. Năm 1938 đồng chí được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, tiền thân của Đảng CSVN ngày nay.
Từ tháng 6/1938 đến giữa tháng 9/1938 đồng chí được phân công phụ trách đoàn thanh niên dân chủ Hải Phòng kiêm phụ trách Đại lý báo của Mặt trận Dân chủ ở hai tỉnh Hải Phòng- Uông Bí, đã in ấn phát hành nhiều sách báo tài liệu về Chủ nghĩa Mac- Lê nin và Lý luận Chủ nghĩa Cộng sản để tuyên truyền trong các giới và tầng lớp nhân dân. Đồng chí còn trực tiếp tham gia chỉ đạo các cuộc đình công của thợ xẻ Nhà máy cưa, công nhân Nhà máy sợi tại Hải Phòng giành thắng lợi, buộc giới chủ phải nhượng bộ, góp phần tạo ra khí thế sôi sục đấu tranh cách mạng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động Hải Phòng.
Tháng 9/1939 đồng chí Trần Hiệu bị thực dân Pháp bắt, kết án tù giam, đưa đi giam ở các nhà tù Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La và bị đầy đi Ma-đa-ga-xca (Mã Đảo). Trong thời gian bị tù đầy tại các nhà tù ở trong nước, đồng chí đã tham gia thành lập Chi bộ Đảng trong nhà tù, đoàn kết anh em tù đấu tranh với bọn cai ngục. Mặc dù bị địch khủng bố dã man đồng chí vẫn thể hiện ý chí bất khuất của người chiến sỹ Cộng sản vì lý tưởng cao cả: Độc lập - Tự do cho dân tộc.
Tại trại tù Ma-đa-ga-xca, đồng chí Trần Hiệu và các đồng chí của ông, đã tận tình hướng dẫn dân bản địa cách trồng lúa nước, dệt vải bông, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và làm nhiều việc hữu ích khác như giúp dân chế tác đồ trang sức, đan các loại giỏ xách, gò dụng cụ nhà bếp, sửa chữa đồng hồ, vì vậy mà được nhân dân và chính quyền bản địa rất quý mến. Tháng 3/1945, quân Đồng minh giải phóng Mã Đảo, đồng chí Trần Hiệu đã cùng một số anh em tù nhân khác đấu tranh đòi đưa về Đông Dương.
Tháng 4 năm 1945 ra tù về nước, đồng chí bắt liên lạc ngay với tổ chức của Đảng và được giao nhiệm vụ chuyên môn: Huấn luyện trinh sát và công tác điện đài, mật mã giữa các căn cứ của Xứ uỷ, Khu uỷ… Trong suốt thời gian tham gia Quân đội từ năm 1945 đến năm 1960 với nhiều cương vị trọng trách của 2 ngành Công an, Quân đội, đồng chí Trần Hiệu đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tình báo an ninh của Công an và Quân đội vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, đáp ứng mọi nhu cầu nhiệm vụ được giao phục vụ Trung ương Đảng, chỉ đạo thắng lợi các chiến dịch kháng chiến chống Pháp.
Với cương vị đứng đầu ngành tình báo - Bộ Tổng tham mưu tập trung chỉ đạo công tác tình báo thu được nhiều thành tích và kết quả, đập tan nhiều kế hoạch phá hoại, cài cắm của địch, xây dựng phát triển lực lượng góp phần tham mưu phục vụ TW Đảng, Quân uỷ Trung ương và Bộ quốc phòng có những quyết sách đúng đắn trong đường lối quân sự, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng ở miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bảo vệ miền Bắc XHCN.
Năm 1960, sau Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vừa làm, vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, chỉ sau một thời gian ngắn đồng chí đã nắm vững công tác mới, được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt tín nhiệm, cấp dưới nể phục. Trên cương vị Bí thư Đảng ủy Dân Chính Đảng các cơ quan trực thuộc Trung ương, đồng chí đã góp phần quan trọng giúp Ban Bí thư Trung ương làm tốt các mặt công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra... đối với các cơ quan trực thuộc Trung ương. Năm 1984, khi vừa tròn 70 tuổi, sau 24 năm làm Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao, đồng chí mới nghỉ hưu. Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác.
Người xây dựng ngành Kiểm sát
Những năm đầu thành lập ngành Kiểm sát, đồng chí Trần Hiệu đã cùng các đồng chí Lãnh đạo: Hoàng Quốc Việt- Viện trưởng VKSNDTC; đồng chí Bùi Lâm… là những nhà lãnh đạo lão thành của Đảng và Nhà nước ta, đã tích cực xây dựng ngành KSND ngay từ những ngày đầu, lãnh đạo ngành Kiểm sát non trẻ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Trong những năm tháng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng chí Trần Hiệu đã cùng các đồng chí lãnh đạo VKSNDTC chỉ đạo toàn Ngành thực hiện chức năng: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN ở miền Bắc, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam thống nhất đất nước.
Trong công tác lãnh đạo, đồng chí Trần Hiệu được đồng chí Hoàng Quốc Việt giao nhiệm vụ phụ trách đào tạo đội ngũ cán bộ, trong đó bao gồm cả việc thành lập Trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát do đồng chí làm Hiệu trưởng. Đồng chí luôn nhắc nhở: Huấn luyện cán bộ là vô cùng quan trọng, và phải rèn luyện để có những cán bộ Ngành vừa có Tâm, có Đức và có Tài…
Đồng chí thực hiện chủ trương của đồng chí Hoàng Quốc Việt tiếp nhận thanh niên trẻ vào Ngành, tiếp nhận cán bộ công tác đoàn thể đã tham gia sản xuất và chiến đấu để bồi dưỡng, nhằm có được những cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, có chuyên môn và được đào tạo bài bản ngay từ đầu. Bởi vì, theo đồng chí công tác kiểm sát là công tác khó, đòi hỏi ở mỗi cán bộ phải có trình độ chính trị có chuyên môn công tác trình độ cao. Vì vậy, bên cạnh truyền đạt về lý luận, đồng chí rất chú trọng việc tổng kết các chuyên đề nghiệp vụ về công tác kiểm sát. Khi trực tiếp tham gia công tác giảng dạy, đồng chí thường kể những câu chuyện, những ví dụ sinh động về các vụ án, những công việc cụ thể trong quá trình làm công tác kiểm sát thực tế ở các địa phương để học viên dễ hiểu, để hình dung được thực tế công tác.
Một điểm đặc biệt của đồng chí Trần Hiệu mà sau này ảnh hưởng nhiều trong công tác của cán bộ trẻ, đó là tinh thần làm việc nghiêm túc. Đồng chí có tác phong làm việc rất khoa học, tận tụy với công việc, đặc biệt là chuẩn về mặt giờ giấc. Thông qua tác phong làm việc, đồng chí đã giáo dục và rèn luyện cán bộ một cách thiết thực.
Người lãnh đạo chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho anh em
Ấn tượng của tôi về đồng chí Trần Hiệu là dáng người đẹp, to và rất phong độ, nhìn bề ngoài có vẻ nghiêm nên ai cũng vị nể nhưng lại là một người rất gần gũi, sống chan hoà với anh em trong cơ quan - ông Hà Mạnh Trí xúc động nhớ lại. Ngày đó, cơ quan còn khó khăn, anh em trong Ngành phần đông cán bộ trẻ đều sống ở khu nhà tập thể cạnh cơ quan.
|
CTA: Lễ trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho đồng chí Trần Hiệu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC. |
Đồng chí Trần Hiệu là người yêu thể thao, nên thường tham gia nhiệt tình chơi bóng chuyền cùng anh em sau giờ làm việc. Ngày đó, tôi vốn là người sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên việc chơi bóng chuyền không được thạo. Có những lần tôi cùng ở bên đồng chí Trần Hiệu, đồng chí biết được điểm yếu ấy của tôi nên thường “bao” cho tôi. Đồng chí nói “Để mình đỡ cho, bên kia họ bỏ nhỏ đấy”. Đó là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
Đặc biệt, đồng chí rất quan tâm tới đời sống anh em trong đơn vị, thường xuyên chăm lo bữa cơm của anh em, ân cần hỏi han các chị cấp dưỡng xem mức ăn uống của anh em, hỏi xem có cách gì cải thiện được cho anh em, cán bộ tốt hơn không? Trong đơn vị gia đình ai có việc hiếu, hỷ, người nhà đau ốm đồng chí đều thăm nom chu đáo. Nhất là khi có anh em nào tổ chức lễ thành hôn, đồng chí đều tham dự nhiệt tình, động viên, tặng quà cho đôi vợ chồng trẻ. Ngày đó, khó khăn thiếu thốn đủ bề, tặng phẩm đôi khi chỉ là cái phích nước, đôi bát đũa, hay cái chậu rửa mặt nhưng sao thấy quý vô cùng. Quý hơn, đáng trân trọng hơn là tình cảm anh em, đồng chí, đồng nghiệp… và chính đồng chí Trần Hiệu là người tạo nên chất keo dính tình đoàn kết anh em, cán bộ trong đơn vị.
Khi tôi làm thư ký cho đồng chí Viện trưởng Hoàng Quốc Việt, sau một chuyến công tác tại Nhật Bản về, đồng chí Hoàng Quốc Việt có mua tặng đồng chí Trần Hiệu một chiếc đài bán dẫn và nói tôi chuyển tới đồng chí Trần Hiệu. Đó là một món quà quý hiếm vào thời điểm ấy. Đồng chí Trần Hiệu rất quý trọng và giữ gìn cẩn thận chiếc đài được tặng, luôn mang theo bên mình. Sau này, tôi được nghe đồng chí VũThị Đức là con gái của đồng chí Trần Hiệu (hiện là Phó Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội) kể lại, thì đồng chí Trần Hiệu dùng chiếc đài này cho đến khi qua đời.
Nói về kỷ niệm đối với đồng chí Trần Hiệu, ông Hà Mạnh Trí có những cảm xúc, bồi hồi, trong mắt ông, tôi cảm thấy cảm xúc dâng trào có lúc nhạt nhoà ngấn lệ, trong giọng kể, có lúc nghẹn lại, ông lại trầm ngâm, suy tư như cố thu gọn lại hình ảnh người lãnh đạo, người thầy năm xưa, như cố dùng từ để miêu tả đúng về người đồng chí ông hết lòng kính phục.
Ông Hà Mạnh Trí nói: “Tôi còn nhớ, khi đồng chí Trần Hiệu bị ốm, nằm điều trị trong Bệnh viện 175 tại TP. HCM, tôi cùng các đồng chí trong Ngành tới thăm, khi đó đồng chí Trần Hiệu tuy còn rất tỉnh táo nhưng không nói được nữa, lúc nghe thấy mọi người trong cơ quan đến thăm, khoé mắt đồng chí ầng ậng nước, đồng chí chớp chớp mắt và những giọt nước mắt lăn dài trên má. Trong đoàn ai cũng xúc động, tôi nghĩ lúc đó chắc đồng chí đang nhớ Cơ quan, nhớ đồng nghiệp và nhớ ngành Kiểm sát, nhớ những công tác đồng chí đảm nhiệm và gắn bó… Từ đó tôi càng nhớ đồng chí Trần Hiệu, và biết ơn đồng chí, một Lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp của ngành Kiểm sát nhân dân, luôn quan tâm giáo dục và dìu dắt thế hệ trẻ trong Ngành, trong đó có bản thân tôi”.
Kể đến đây, ông Hà Mạnh Trí lặng yên, tôi cảm nhận được những cảm xúc, những kỷ niệm đang ùa về trong ông. Hà Nội, tháng 7 rực nắng, ngành Kiểm sát đã 50 năm ra đời, trưởng thành và phát triển. Tiếp bước thế hệ cha anh đi trước, những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên “công trình” ngành Kiểm sát, chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay, nguyện thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Công minh – Chính trực – Khách quan – Thận trọng – Khiêm tốn” gìn giữ đạo đức tốt để tiếp nối truyền thống tự hào của cha anh nhằm xây dựng Ngành vững mạnh, hoàn thành sứ mạng mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Trần Tâm (Ghi theo lời kể của
nguyên Viện trưởng VKSNDTC Hà Mạnh Trí)