Tôi vào ngành Kiểm sát nhân dân tháng 11 năm 1976, khi đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa kết thúc 16 năm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và được Đảng cử giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Tuy mới được gặp bác trực tiếp có hai lần, nhưng do có 4 năm học, công tác tại Trường Kiểm sát và 23 năm làm việc ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tôi có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu và được nghe nhiều câu chuyện và kỷ niệm sâu sắc về đồng chí Hoàng Quốc Việt.

Đặt nền móng
Ảnh tư liệu


Nói về đồng chí Hoàng Quốc Việt, các đồng chí Lãnh đạo cao nhất của ngành Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ đều tỏ sự trân trọng, khâm phục.

 

Đồng chí Trần Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có lần đã nói với tôi: “Ngành Kiểm sát ta có các đồng chí lãnh đạo trước tôi vĩ đại lắm, đồng chí biết đấy, anh Hoàng Quốc Việt như là một lão thần, được Đảng cử sang tổ chức và lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân trong suốt 16 năm liền, sau đó là anh Trần Hữu Dực, rồi anh Trần Lê, toàn là các đồng chí cách mạng kiên cường và lão luyện cả. Tôi chỉ là người thực hiện nhiệm vụ kế tiếp của các anh ấy theo sự phân công của Đảng mà thôi”.

 


Đồng chí Hà Mạnh Trí, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phát biểu: “Ngành Kiểm sát nhân dân có một vinh dự lớn, có một đồng chí Lãnh tụ là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng và là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Viện trưởng đầu tiên và giữ chức vụ này nhiều năm nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân từ 1960 đến 1976, đồng chí là người duy nhất giữ chức vụ Viện trưởng trong ba nhiệm kỳ với 16 năm làm Viện trưởng. Đồng chí đã đặt một nền móng củng cố và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân qua các thời kỳ với những đặc điểm khác nhau của đất nước”.

 


Trong một lần vào thăm đồng chí Huỳnh Lắm, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, tôi được nghe đồng chí tâm sự: “Ngành Kiểm sát nhân dân rất vinh dự là ngay từ khi thành lập, đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ cử đồng chí Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một con người của trí tuệ và công việc; cùng với trọng trách xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là người đặt móng, xây nền cho ngành Kiểm sát nhân dân. Trong công việc, đồng chí Hoàng Quốc Việt có sự phản ứng một cách linh hoạt và nhạy cảm đối với những vấn đề đặt ra cho công tác của Viện kiểm sát nhân dân”.

 


Đồng chí Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã viết: “Trong những năm lãnh đạo ngành Kiểm sát, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng có ý nghĩa quyết định trong chỉ đạo công tác kiểm sát, góp phần hoàn thiện tổ chức cơ quan Viện kiểm sát và thúc đẩy hoạt động kiểm sát phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, góp phần củng cố trật tự kỉ cương pháp luật, xứng đáng là một trong những chiến sĩ tiêu biểu nhất trên mặt trận bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta, để lại cho chúng ta hôm nay những bài học lớn”...

 


Trong bức thư của đồng chí Trương An, nguyên ủy viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 1961 đến năm 1968 (sau này đồng chí giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tổng Cục nhà đất) gửi cho chị Hạ Chí Nhân, con gái đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trương An cho biết: Sau khi thành lập Viện kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 4 Vụ nghiệp vụ là Vụ Kiểm sát chung, Vụ Kiểm sát điều tra, Vụ Kiểm sát xét xử, Vụ Kiểm sát giam giữ, cải tạo, Vụ Tổ chức và Văn phòng.

 

Ngay từ lúc đó, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo phải chú ý đến phương pháp công tác kiểm sát để khỏi chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp khác nhưng vẫn bảo đảm được pháp chế thống nhất, vẫn chống được việc để “lọt kẻ gian, oan người ngay”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo phải làm tốt công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử để kịp thời phát hiện những sai sót trong công tác điều tra, công tác xét xử để uốn nắn, góp ý khắc phục.

 

Chính do sự chỉ đạo đó mà hạn chế được việc truy, bức cung hoặc điều tra thu thập chứng cứ không đầy đủ trong quá trình điều tra, xét xử nhiều vụ án. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng chí Hoàng Quốc Việt rất chú trọng đến việc xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành và vì mục tiêu đấu tranh chống tội phạm.

 

Trong công tác kiểm sát giam giữ, cải tạo; đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo: “Việc cải tạo người có tội phải xuất phát từ quan điểm: Đối với những phần tử phản động chống đối chế độ, hoạt động gián điệp phải nghiêm ngặt; đối với những người thường phạm, trong đó có những người do cuộc sống mà sa vào tội lỗi, thì phải tăng cường giáo dục, tạo điều kiện cho họ cải tà quy chính”. Những quan điểm nêu trên của đồng chí Hoàng Quốc Việt vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

 

Đồng chí Trương An cũng cho biết: Ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo công tác kiểm sát chung phải chú ý cả hai vấn đề: Một là, đi vào kiểm sát việc chấp hành chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước; hai là, xem xét phát hiện các sai sót, vi phạm trong việc ban hành và thực hiện các quy định, quy chế của các cơ quan, các cấp chính quyền. Chính vì vậy, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ đạo chú trọng cả kiểm sát hành vi và kiểm sát văn bản.

 

Có thể nói, từ năm 1961 đến năm 2002, thực hiện sự chỉ đạo và vận dụng quan điểm của đồng chí Hoàng Quốc Việt, công tác kiểm sát chung của ngành Kiểm sát nhân dân đã góp phần quan trọng và thu được những kết quả tốt trong việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế, xã hội bằng pháp luật.

 


 Để chuẩn bị kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân, với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát, tôi đã đề xuất và được Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đồng ý cho tổ chức hai sự kiện quan trọng về Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Quốc Việt là tổ chức một cuộc tọa đàm tại cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao về đồng chí Hoàng Quốc Việt và xuất bản một cuốn sách có tên “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân”.

 


Cuộc tọa đàm với chủ đề “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân” được tổ chức ngày 15/9/2004 tại trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao với sự tham dự của đồng chí Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Hà Mạnh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng và các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Viện, Lãnh đạo cấp Vụ đã từng công tác, làm việc với đồng chí Hoàng Quốc Việt các đại biểu đại diện cho Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bắc Ninh; Ban biên tập cuốn sách về đồng chí Hoàng Quốc Việt, các đồng chí đại biểu đại diện cho Thường vụ Đảng uỷ, Thường vụ Công đoàn, Ban Nữ công và Chi đoàn thanh niên cơ quan; các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Viện kiểm sát quân sự Trung ương.

 


Sau cuộc tọa đàm này, Tạp chí Kiểm sát đã xuất bản cuốn sách “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân” với các bài viết của các đồng chí Hà Mạnh Trí, Trần Thu, Khuất Văn Nga, Nguyễn Văn Thìn, Nguyễn Xuân Trình, Vũ Quang Chính, Nguyễn Huy Thuân, Nguyễn Đức Lương, Hà Thị Ngân Giang, Nguyễn Tiến Đạm, Nguyễn Văn Hoạt.

 


Các ý kiến tham luận, phát biểu tại cuộc tọa đàm và nội dung cuốn sách đã nêu rõ những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và công lao của đồng chí Hoàng Quốc Việt đối với ngành Kiểm sát nhân dân:


Một là, đồng chí Hoàng Quốc Việt là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước  đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

 


Hai là, được Đảng, Nhà nước trao cho trọng trách xây dựng hệ thống Viện kiểm sát nhân dân và là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên trong 16 năm liền, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có những đóng góp quan trọng có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân; góp phần hoàn thiện và thúc đẩy hoạt động kiểm sát phục vụ tốt những nhiệm vụ chiến lược của Cách mạng, góp phần củng cố trật tự kỉ cương pháp luật, xứng đáng là một trong những chiến sĩ tiêu biểu nhất trên mặt trận bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở nước ta.  

 


Ba là, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có công lao to lớn trong việc xây dựng và hình thành các quan điểm chỉ đạo công tác kiểm sát. Đó là việc xác định công tác kiểm sát là công tác chính trị, làm công tác kiểm sát phải dựa vào nhân dân, phải kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm và tội phạm, phải chăm lo đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên.

 


Bốn là, bản thân đồng chí Hoàng Quốc Việt là tấm gương mẫu mực cho cán bộ ngành Kiểm sát phấn đấu theo năm đức tính mà Bác Hồ đã dạy là: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì sự nghiệp cách mạng, có tác phong rất sâu sát, cụ thể và rất thận trọng trong công việc; là người lãnh đạo cấp cao nhưng đồng chí Hoàng Quốc Việt rất gần gũi quần chúng, thương yêu và giúp đỡ những người nghèo khổ, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp.

 


Năm là, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến đào tạo cán bộ thuộc thế hệ trẻ trong ngành Kiểm sát. Đồng chí luôn nhắc nhở anh em cán bộ trẻ và các cán bộ đương chức phải thường xuyên nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt để làm tốt công tác kiểm sát, từ việc luôn mài sắc, trau dồi lập trường và nhãn quan chính trị đến việc nâng cao trình độ kiến thức khoa học về các mặt, không được chủ quan, tự mãn. 


Những lời chỉ bảo của đồng chí Hoàng Quốc Việt và chính cuộc đời của đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn mãi là những bài học quý giá đối với các thế hệ cán bộ Kiểm sát trong suốt 50 năm qua.

 

Minh Đạo