(BVPL) - Bên cạnh việc đồng tình với Dự thảo Hiến pháp năm 1992 quy định VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đồng chí Nguyễn Quang Thành, Viện trưởng VKSND TP. Hà Nội còn cho rằng có thể giao công tác kiểm sát văn bản pháp quy, kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính cho VKS. Việc nghiên cứu để giao chức năng kiểm sát này cho VKS cũng là góp phần thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước.
 

Chế định VKSND lần đầu tiên được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1959, đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. Chế định đó tiếp tục được ghi nhận và ngày càng hoàn thiện trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Các luật về tổ chức VKSND năm 1960, 1981, 1992 đã cụ thể hóa các qui định của Hiến pháp và làm rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Trong Hiến pháp 1960, 1980, VKSND được giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung; Hiến pháp 1992 quy định VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật và thực hành quyền công tố; Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 quy định, VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Như vậy, qua 52 năm xây dựng và trưởng thành, bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố, ngành KSND có 42 năm được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ “kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế và xã hội” (còn gọi là chức năng kiểm sát chung)…          

Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của Viện kiểm sát theo yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Luật tổ chức VKSND năm 2002 đã quy định, VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội. Đã hơn 10 năm thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, ngành KSND đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đấu tranh phòng chống tội phạm, thể hiện trong thực tiễn công tác cũng như đánh giá của Đảng, Nhà nước ta trong các Nghị quyết về cải cách tư pháp. Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng, Dự thảo Hiến pháp tiếp tục ghi nhận và khẳng định VKSND thực hiện hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, quy định này là phù hợp, bảo đảm quán triệt, thể chế hoá, tuân thủ đúng các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp.

Hiện nay, vẫn còn có nhiều ý kiến không tán thành với việc bỏ chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKS và đề nghị nghiên cứu trả lại cho VKSND chức năng này, bởi tính chất, chức năng, thẩm quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật của VKSND khác với tính chất, chức năng, thẩm quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và càng khác hẳn tính chất, chức năng, thẩm quyền kiểm tra, thanh tra của hệ thống hành chính, của Chính phủ, UBND các cấp đối với hoạt động của cơ quan hành chính cấp dưới. Thực tiễn 10 năm sau khi không thực hiện chức năng kiểm sát chung cho thấy, một phạm vi rộng lớn các quan hệ pháp luật liên quan đến các quyền và tự do, lợi ích hợp pháp của công dân như lĩnh vực xử lý trách nhiệm hành chính, quan hệ đất đai, môi trường, quyền khiếu nại… đã để cho người dân “tự định đoạt” trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà không có sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan nhà nước; tình trạng vi phạm về quản lý đất đai, vi phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật xảy ra có nơi, có lúc nghiêm trọng. Các cơ quan Thanh tra, cơ quan tư pháp cũng đã có nhiều cố gắng thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng đây là cơ chế kiểm tra nội bộ nên khó bảo đảm tính khách quan trong quá trình kiểm tra vi phạm cũng như quyết định xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm của các cơ quan hành chính.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và cải cách tư pháp đến năm 2020 không làm thay đổi thể chế Chính trị - Nhà nước của nước ta, đòi hỏi hoàn thiện mô hình VKS là yêu cầu khách quan và cần thiết. VKS phải là công cụ thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, khẳng định nguyên tắc tôn trọng Hiến pháp, các đạo luật của Nhà nước. VKS phải là cơ quan có vai trò trọng tâm trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ các quyền, lợi ích cơ bản của công dân,… do vậy, tôi hoàn toàn đồng tình như dự thảo Hiến pháp quy định VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu việc giao công tác kiểm sát văn bản pháp quy, kiểm sát việc xử lý vi phạm hành chính cho VKS. Việc nghiên cứu để giao chức năng kiểm sát này cho VKS cũng là góp phần thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước.  
 

Đắc Thái (lược ghi)

.