Hội nghị sơ kết công tác kiểm sát 6 tháng đầu năm của VKSND các tỉnh Trung du Bắc bộ vừa được diễn ra dưới sự chủ trì của TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo của một số đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSNDTC, Viện trưởng, Chánh Văn phòng của VKSND 7 tỉnh khu vực Trung du Bắc bộ.

 

 Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.
Đồng chí Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.


6 tháng qua, tình hình tội phạm về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa bàn các tỉnh khu vực Trung du Bắc bộ tiếp tục ổn định, không xảy ra các tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động truyền đạo trái phép vẫn xảy ra tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn. Số vụ án mới khởi tố của 6 tháng đầu năm giảm 17 vụ = 0,6% so với cùng kỳ năm 2012 nhưng số bị can bị khởi tố lại tăng, một số tội phạm tăng là tội phạm về tham nhũng (tăng 5 vụ = 24%), tội phạm về trật tự trị an xã hội (tăng 66 vụ = 5,8%), tính chất tội phạm nghiêm trọng, đối tượng phạm tội đa dạng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới; nổi lên là một số loại tội phạm sử dụng vũ khí nóng, chống người thi hành công vụ, tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao… Bên cạnh đó, có một số loại tội phạm giảm như tội phạm về kinh tế (giảm 21 vụ = 21,7%), tội phạm về ma túy (giảm 107 vụ = 11%).

Viện kiểm sát các tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp và tăng cường phối hợp với Cơ quan điều tra để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; chú trọng quản lý việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của Cơ quan điều tra, đảm bảo việc ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định không khởi tố vụ án kịp thời, có căn cứ và đúng pháp luật, góp phần hạn chế việc làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; đồng thời tăng tỷ lệ phát hiện tội phạm, kịp thời giải quyết những vụ, việc có dấu hiệu oan, sai hoặc dư luận quan tâm xảy ra tại địa phương.

Viện kiểm sát đã thụ lý 4679 tố giác, tin báo về tội phạm (tăng 122 tin so với cùng kỳ); Cơ quan điều tra đã giải quyết 4080 tố giác, tin báo, đạt tỷ lệ 87,2%, tăng 2,2% so với cùng kỳ và tăng 9,6% so với toàn quốc. Các VKS có biện pháp kiểm sát tốt, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm cao là Bắc Giang 93,3%, Phú Thọ 89,8%, Yên Bái 89,7%.

Tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc phê chuẩn các lệnh, quyết định về bắt, tạm giữ, tạm giam; đã kiểm sát 3914 trường hợp bắt, tạm giữ về hình sự (giảm 3,6% so với cùng kỳ); cơ quan chức năng đã giải quyết 3848 trường hợp, trong đó, xử lý hình sự 3586 người, đạt tỷ lệ 93,8% so với số đã giải quyết, không tính số truy nã chuyển tạm giam (thấp hơn 3,3% so với toàn quốc). Các Viện kiểm sát có tỷ lệ bắt giữ chuyển khởi tố cao là: Thái Nguyên 98,5%, Yên Bái 97%, Phú Thọ 93,4%, Bắc Giang 93% .

Qua kiểm sát, Viện kiểm sát không phê chuẩn 02 lệnh bắt khẩn cấp (Bắc Giang 01, Thái Nguyên 01); hủy quyết định tạm giữ 12 người (Bắc Giang 06, Hòa Bình 05, Thái Nguyên 01) và không phê chuẩn gia hạn tạm giữ đối với 01 người (Bắc Giang); yêu cầu Cơ quan điều tra bắt tạm giam 03 bị can (Yên Bái 01, Thái Nguyên 01, Phú Thọ 01); không phê chuẩn lệnh tạm giam và lệnh bắt tạm giam 17 bị can (Thái Nguyên 13, Phú Thọ 04); không gia hạn tạm giam 02 bị can (Thái Nguyên); các trường hợp từ chối phê chuẩn của Viện kiểm sát đều có căn cứ nên được sự đồng thuận của Cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Đã tiến hành kiểm sát trực tiếp 95 cuộc tại nhà tạm giữ, tạm giam. Qua kiểm sát trực tiếp đã phát hiện một số vi phạm, đã ban hành 26 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu cơ quan Công an thực hiện đúng các quy định về chế độ, chính sách đối với người bị giam giữ; tăng cường công tác quản lý nhà tạm giữ, tạm giam. Viện kiểm sát đã ban hành 06 thông báo rút kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát. Thực hiện tốt công tác này là VKSND các tỉnh: Bắc Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn.

Viện kiểm sát thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra. Tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa  các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ có 2,5% so với cùng kỳ, và giảm 1% so với toàn quốc. Trong đó, một số đơn vị có tỷ lệ trả hồ sơ ít là Phú Thọ, Yên Bái chỉ có 0,6%.

VKSND các tỉnh đã chú trọng thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử; tích cực phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm để rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng thẩm vấn, tranh tụng của Kiểm sát viên tại Tòa. Qua công tác kiểm sát, đã ban hành 22 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; Các Viện kiểm sát có chất lượng kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm được chấp nhận cao là: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Kạn (100%). 6 tháng đầu năm 2013, không có trường hợp nào Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.

Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, Viện kiểm sát đã ban hành 30 kiến nghị (tăng 4 kiến nghị so với cùng kỳ) yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm về thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiếm nghị khởi tố, thời hạn điều tra và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; vi phạm trong việc thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án, trong khám nghiệm hiện trường, tổ chức giám định; áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, vi phạm về thời hạn gửi bản án sơ thẩm. Ban hành 27 bản Thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (tăng 04 Thông báo so với cùng kỳ).

Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, vụ án hành chính đã phát hiện nhiều vi phạm như: Việc xác định quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp; không đưa đủ những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng; việc xác minh, thu thập chứng cứ; áp dụng căn cứ pháp luật; tính án phí, định giá tài sản tranh chấp không đúng quy định,… Đã ban hành 35 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm (giảm 10,9% so với cùng kỳ). Các Viện kiểm sát có số lượng kháng nghị nhiều, tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận đạt cao là: Phú Thọ 08, Bắc Giang 06.

VKS các tỉnh đã tập trung chỉ đạo, kiểm sát chặt chẽ việc ra quyết định thi hành án và tổ chức đưa người bị kết án phạt tù đi chấp hành án; việc hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.  VKSND cả 7 tỉnh đều thực hiện kiểm sát trực tiếp tại 190 cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, trong đó có 156 xã được giao nhiệm vụ quản lý các bị cáo được hưởng án treo, tăng 110% so với cùng kỳ năm trước.  Qua kiểm sát, đã ban hành 137 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm (tăng 65 bản kiến nghị = 45,2% so với cùng kỳ năm 2012). Ban hành 10 thông báo rút kinh nghiệm về nghiệp vụ kiểm sát thi hành án hình sự, góp phần quan trọng đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong công tác thi hành án hình sự.

6 tháng đầu năm 2013, VKS các tỉnh đã tiếp 612 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; tiếp nhận 1049 đơn khiếu nại, tố cáo và kiến nghị phản ánh, chủ yếu là khiếu nại việc không khởi tố vụ án hình sự, bắt giam, khởi tố chưa đúng, không thụ lý án dân sự hoặc chậm thi hành án. Thụ lý 236 khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; đã giải quyết được 217 khiếu nại tố cáo, đạt tỷ lệ 92%, bằng cùng kỳ năm trước. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để đơn thư khiếu nại, tố cáo bức xúc kéo dài thuộc trách nhiệm giải quyết của Viện kiểm sát.

Thực hiện chỉ đạo của VKSNDTC, ngay từ đầu năm, VKSND các tỉnh thuộc khu vực Trung du Bắc bộ đã kịp thời xây dựng và triển khai kế hoạch công tác kiểm sát năm 2013; phát động hưởng ứng các phong trào thi đua ở cả hai cấp, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Các VKS tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chế trong các lĩnh vực công tác, phối hợp xây dựng, ban hành các quy chế phối hợp công tác giữa VKSND với các cơ quan hữu quan nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
 

PV