Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu của Trường Nghiệp vụ đến các đại biểu của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, các Vụ nghiệp vụ của VKSND tối cao, các VKSND đia phương.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoát - Hiệu trưởng Trường  Nghiệp vụ phát biểu tại Hội thảo.

Tại điểm cầu của Trường Nghiệp vụ Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoát - Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ và Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hân – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước đồng chủ trì Hội thảo. Các đại biểu của Trường còn có Ban giám hiệu, Lãnh đạo các đơn vị Phòng, Khoa; Tiến sĩ Đinh Xuân Nam (Giảng viên chính); toàn thể  giảng viên của Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm; Khoa Kiểm sát hình sự.

Các đại biểu khách mời gồm có:  Đại diện Trường Đại học kiểm sát Hà Nội; Vụ 1, 2, 5, 6, 14, Cơ quan điều tra VKSND tối cao; VKSND TP HCM, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang, Quảng Ninh.

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Nghiệp vụ nêu, mục đích của Hội thảo, nhằm gắn lý luận với thực tiễn công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên: Từ diễn đàn của Hội thảo, đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng viên của Trường Nghiệp vụ, Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và đại biểu của VKSND các cấp có cơ hội trao đổi, thống nhất nhận thức những quy định của pháp luật tố tụng hình sự, quy định của quy chế nghiệp vụ của Ngành liên quan đến hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên; chia sẻ và nắm bắt những kinh nghiệm thực tiễn trong công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tại điểm cầu chính.

Tổng kết thực tiễn công tác và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên: Kết quả trao đổi, tham luận của VKSND các địa phương tại Hội thảo là cơ sở để Trường Nghiệp vụ tổng hợp những nội dung lý luận cơ bản về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Viện kiểm sát;

Những bài học kinh nghiệm và những khó khăn, vướng mắc của Kiểm sát viên trong công tác này. Qua đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát các cấp nhằm nâng cao chất lượng công tác của đội ngũ cán bộ kiểm sát.

Đồng thời, báo cáo đề xuất, tham mưu cho các Vụ nghiệp vụ VKSND tối cao trong việc tổng kết thực tiễn, xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết vụ án hình sự theo Chỉ thị số 05/CT-VKSTC ngày 27/4/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Những ý kiến tham luận được các đại biểu trình bày đó là: PGS, TS. Nguyễn Đức Hạnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kiểm sát Hà Nội “Những quy định mới của pháp luật về Kiểm sát viên hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố vụ án hình sự và yêu cầu đặt ra trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng tại các cơ sở đào tạo của ngành Kiểm sát nhân dân”; TS. Nguyễn Tiến Sơn, Vụ trưởng Vụ 1 VKSND tối cao “Những yêu cầu đặt ra đối với Kiểm sát viên khi tiến hành hỏi cung bị can và kiểm sát việc hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, không nhận tội hoặc lời khai không thống nhất, có mâu thuẫn ở giai đoạn điều tra, truy tố”;

 TS. Lê Minh Long, Vụ trưởng Vụ 2 VKSND tối cao “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên khi tiến hành hỏi cung bị can,  lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng trong trường hợp  thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”; Đồng chí Lê Minh Đức, Phó Chánh Thanh tra VKSND TP HCM “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong việc lấy lời khai người bị bắt, bị tạm giữ, bị khởi tố, người làm chứng, người bị hại trước khi đề xuất phê chuẩn quyết định khởi tố bị can”.

leftcenterrightdel
 Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hân – Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước trình bày tham luận tại Hội thảo.

TS. Nguyễn Quốc Hân, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước với tham luận “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong công tác phối hợp với Điều tra viên để tiến hành hỏi cung bị can, tổng hợp, đánh giá kết quả hỏi cung trước khi kết thúc điều tra vụ án hình sự”; Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc, Viện trưởng VKSND tỉnh Kiên Giang “Kinh nghiệm của Kiểm sát viên trong việc lấy lời khai người làm chứng, bị hại là người dưới 18 tuổi từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang”;

 Ths. Vũ Thị Đoan  Trưởng phòng 2 VKSND tỉnh Quảng Ninh “Khó khăn, vướng mắc trong việc lấy lời khai người tham gia tố tụng là người nước ngoài từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự của VKSND tỉnh Quảng Ninh  và giải pháp khắc phục”; Đồng chí Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Cần Thơ “Kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên để nâng cao chất lượng hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự trên địa bàn thành phố Cần Thơ”.

Kết luận Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Khoát nêu, các nội dung tham luận đúng chủ đề, đảm bảo ngắn gọn, súc tích, thiết thực, trong đó tập trung trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ và các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nâng cao chất lượng  hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng và kiểm sát việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người tham gia tố tụng của Kiểm sát viên được tốt hơn trong thời gian tới.

Trân Định - Phi Sơn