(BVPL) - Xung quanh mô hình tổ chức và hoạt động của HĐND các cấp có rất nhiều quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, nên giữ nguyên mô hình tổ chức HĐND như hiện tại. Nghĩa là ở tất cả các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã đều tổ chức HĐND. Quan điểm thứ hai cho rằng, chỉ tổ chức HĐND ở hai cấp là cấp tỉnh và cấp xã. Quan điểm thứ ba cho rằng, nên tổ chức HĐND ở cả ba cấp: cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Tuy nhiên, ở các thành phố thực thuộc Trung ương chỉ tổ chức HĐND ở một cấp là cấp thành phố. Còn cấp huyện và cấp xã thì không tổ chức HĐND.
Hiện nay, trong cơ chế về HĐND ở nước ta có rất nhiều bất cập: HĐND được ba bản Hiến pháp nước ta xác định là cơ quan đại diện và cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương (Điều 80 Hiến pháp năm 1959; Điều 114 Hiến pháp năm 1980 và Điều 119 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) nhưng không phải là cơ quan cấp dưới trực thuộc Quốc hội. Nói một cách khác, Quốc hội không phải là cơ quan cấp trên đối với HĐND các cấp theo hệ thống dọc các cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan đại diện, vì thẩm quyền của cả hai thiết chế này rất khác nhau. HĐND các cấp trên thực tế đều trực thuộc cơ quan hành chính nhà nước cấp trên, nhưng không phải là cơ quan cấp dưới của HĐND cấp trên (HĐND cấp xã không phải là cơ quan cấp dưới của HĐND cấp huyện, cũng tương tự như vậy đối với HĐND cấp huyện và cấp tỉnh).
Về tính chất, xác định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương là chưa chính xác, bởi vì: Nhà nước ta là nhà nước đơn nhất (một hệ thống tổ chức bộ máy từ Trung ương tới địa phương, một hệ thống pháp luật) nên không có sự phân biệt quyền lực nhà nước ở Trung ương, quyền lực nhà nước ở địa phương. Hơn nữa, Hiến pháp đã xác định ở nước ta quyền lực nhà nước là thống nhất và xuất phát từ nhân dân nhưng tập trung ở Quốc hội (cơ quan duy nhất được nhân dân trao quyền lực nhà nước). HĐND chỉ là cấp thừa hành nên không thể gọi là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Mặt khác, quy định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương đã làm ảnh hưởng tới tính thống nhất, tính toàn vẹn của quyền lực nhà nước trên toàn lãnh thổ. Vì vậy, cần xác định tính chất, vai trò của HĐND theo hướng: HĐND là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Nếu quy định UBND là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp thì không thể bỏ HĐND ở bất cứ cấp nào. Quy định này còn làm nảy sinh chế độ song trùng trực thuộc của cơ quan hành chính nhà nước. Bộ máy làm việc của HĐND chưa được xác định cụ thể, làm cho HĐND không có khả năng thực hiện tự tổ chức các hoạt động của mình... Với tính chất là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ, UBND có nhiều thẩm quyền riêng, không phụ thuộc vào thẩm quyền của HĐND cùng cấp. Hơn nữa, HĐND không có quyền ra lệnh về mặt hành chính đối với UBND, bởi vì HĐND không phải là cơ quan hành chính nhà nước cấp trên của UBND. Mối quan hệ giữa HĐND và UBND chỉ là mối quan hệ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do nhà nước phân công giữa cơ quan quyền lực nhà nước và cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, trong quan hệ với HĐND, UBND dễ dàng dùng sức ép đối với HĐND, thậm chí vượt ra ngoài sự kiểm soát của HĐND.
Những tình trạng trên đây làm cho HĐND rơi vào tình trạng “quyền lực” nhưng không “thực quyền” và hoạt động của HĐND càng thêm hình thức. Rõ ràng, cơ chế về tổ chức và hoạt động của HĐND hiện nay ở nước ta đang có vấn đề. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận. Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, ngày 16/01/2009, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về danh sách gồm 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thí điểm không tổ chức HĐND từ ngày 1/4 /2009.
Vì những lý do nêu trên, chúng tôi đưa ra một vài đóng góp cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như sau: Thứ nhất, không nên xác định HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Đoạn 1 của Khoản 1 Điều 116 (sửa đổi, bổ sung các Điều 119, 120, 123, 124) chỉ nên quy định: “HĐND là cơ quan tự quản ở địa phương đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. Không quy định tính chất quyền lực của HĐND trong Hiến pháp vì dẫn đến cách hiểu về sự phân tán của quyền lực Nhà nước, không phù hợp với nguyên tắc quyền lực Nhà nước là thống nhất trong bộ máy Nhà nước.
Thứ hai, thay tên gọi UBND bằng Ủy ban hành chính. UBND hay Ủy ban hành chính không đơn thuần chỉ là tên của một cơ quan nhà nước. Tên của cơ quan nhà nước phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó và đúng với bản chất các hoạt động mà nó thực hiện. Chức năng của UBND là quản lý hành chính nhà nước. Đây là cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền chung, có nhiệm vụ quản lý hành chính trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở một đơn vị hành chính lãnh thổ nhất định. Hoạt động quản lý hành chính của UBND diễn ra hàng ngày, hàng giờ, tác động trực tiếp đến mọi đối tượng công dân, tổ chức và các cơ quan khác. Vì vậy, thuật ngữ quản lý hành chính rất gần với người dân, gắn bó với công dân. Hơn nữa, trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959 đã ghi nhận thuật ngữ Ủy ban hành chính. Trong giai đoạn hiện nay, vai trò quản lý hành chính nhà nước ngày càng được nâng cao. Vì vậy, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nên dùng thuật ngữ Ủy ban hành chính thay cho UBND để phù hợp với tình hình mới.
Thứ ba, Hiến pháp năm 1992 sửa đổi bổ sung cần ghi nhận lại mô hình Viện kiểm sát trong Hiến pháp năm 1992 (trước năm 2001). Vừa qua, Quốc hội đã nhìn thấy việc thu hẹp thẩm quyền và phạm vi tham gia của Viện kiểm sát trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 dẫn đến nhiều vụ án dân sự giải quyết có nhiều sai sót, vi phạm nên đã sửa đổi, bổ sung kịp thời vào năm 2011. Hoạt động kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát chính là một trong những bảo đảm tốt nhất tuân thủ các quyền tự do và lợi ích hợp pháp của công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp và pháp luật. Mặt khác, hoạt động kiểm sát văn bản của Viện kiểm sát là kiểm sát các hoạt động của nhân viên và cơ quan nhà nước trong việc ban hành văn bản pháp quy và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế được giữ vững, tránh được tình trạng cục bộ và cát cứ tại địa phương. Còn việc rà soát văn bản giao cho ngành Tư pháp theo dõi nhưng hiện nay cho thấy còn rất hạn chế và kém hiệu quả. Do đó, đề nghị nên bổ sung, sửa đổi quy định giao lại cho Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát văn bản như quy định trong Hiến pháp năm 1992 (trước năm 2001).
P.V (lược ghi)