Tham dự buổi lễ có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TAND tối cao; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao.

Về phía VKSND tối cao còn có đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (Vụ 14), VKSND tối cao; đồng chí Đỗ Văn Thường, Phó Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng VKSND tối cao.

Về phía TAND tối cao có các đồng chí lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao, lãnh đạo Văn phòng TAND tối cao.

Về phía Bộ Công an có đồng chí Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch và các đồng chí lãnh đạo đại diện các đơn vị là thành viên tổ soạn thảo thông tư.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Lễ ký thông tư liên tịch.

Tại buổi lễ, đồng chí Thiếu tướng Ngô Thị Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 25/6/2018 giữa Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao quy định về việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội (Thông tư liên tịch số 05).

Theo đó, sau gần 5 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 05, công tác trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu giữa các đơn vị chức năng thuộc 3 ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hàng trăm ngàn lượt tài liệu liên quan đến người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đã được gửi về Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ ngành Công an để cập nhật, bổ sung vào hồ sơ, cơ sở dữ liệu quản lý vụ việc, đối tượng vi phạm pháp luật. Đồng thời, Cơ quan Hồ sơ cũng đã cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về đối tượng phạm tội cho các cơ quan tiến hành tố tụng; về cơ bản việc phối hợp được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đi vào nền nếp;

Thông tin, tài liệu đảm bảo giá trị pháp lý, việc khai thác thông tin góp phần hỗ trợ tích cực cho công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự và xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến người phạm tội để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là, yêu cầu kết nối cơ sở dữ liệu nghiệp vụ, cải cách thủ tục hành chính theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

leftcenterrightdel
 Đại biểu VKSND tối cao tham dự buổi Lễ. 

Từ khi Thông tư liên tịch số 05 có hiệu lực thi hành, công tác phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội giữa 3 ngành ở Trung ương và địa phương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lãnh đạo liên ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án ở nhiều địa phương luôn quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Thông tư.

Đã có 59/63 địa phương xây dựng quy chế phối hợp, hoặc có hướng dẫn liên ngành để tổ chức thực hiện; trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm cho từng cấp, ngành trong việc thực hiện các quy định của Thông tư, quán triệt nội dung của quy chế phối hợp giữa 3 ngành đến các cán bộ, chiến sĩ thuộc Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán và cán bộ làm công tác hồ sơ nghiệp vụ.

Thông tư liên tịch 05 là căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm gửi và yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, là căn cứ để Cơ quan Hồ sơ nghiệp vụ thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng và làm sạch cơ sở dữ liệu căn cước can phạm để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao ký Thông tư liên tịch. 

Để để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, cũng như giải quyết những hạn chế, khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, lãnh đạo Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao đã thống nhất chỉ đạo cơ quan chức năng của 3 ngành cùng phối hợp xây dựng Thông tư liên tịch mới thay thế Thông tư liên tịch số 05. Việc xây dựng Thông tư liên tịch được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện để ký ban hành.

Đồng chí Thượng tá Trương Thị Thu Ba, Phó Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an đã trình bày dự thảo Thông tư liên tịch quy định về phối hợp thông báo hoặc gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.

leftcenterrightdel
 Lễ ký kết Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao thành công tốt đẹp. 

Lãnh đạo Bộ Công an, VKSND tối cao và TAND tối cao đã cùng ký Thông tư liên tịch.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp trong phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, phục vụ kịp thời công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mở rộng quan hệ đối ngoại của đất nước.

Nổi bật là, các cơ quan trực thuộc Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và liên ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án địa phương đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 05 ngày 25/6/2018 giữa Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao quy định việc phối hợp thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội (có 59/63 địa phương xây dựng Quy chế phối hợp hoặc hướng dẫn liên ngành quy định rõ trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05); phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ trực tiếp làm công tác phối hợp thống bảo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội.

VKSND, TAND các cấp đã thông báo, gửi cho Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Công an gần 1,4 triệu thông tin, tài liệu theo danh mục được quy định tại Điều 5, Điều 6, Thông tư liên tịch số 05, bảo đảm đúng thủ tục, thời hạn, tính pháp lý; trong đó, nhiều thông tin, tài liệu đạt tỷ lệ cao như: Quyết định truy nã, quyết định đình nã, quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam, quyết định thi hành án phạt tù, bản cáo trạng, bản án hình sự sơ thẩm, bản án hình sự phúc thẩm,... góp phần ngày một hoàn thiện dữ liệu liên quan đến người phạm tội, làm sạch dữ liệu căn cước can phạm.

Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an đã làm tốt công tác tham mưu, Thường trực triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05, theo dõi, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện việc thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội của Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp. Cơ quan hồ sơ nghiệp vụ các cấp đã tiếp nhận gần 1 triệu thông tin, tài liệu của Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân; tra cứu, cung cấp gần 1,7 triệu thông tin, tài liệu phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi Lễ. 

Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chỉ rõ, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong thông báo, gửi, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến người phạm tội còn một số hạn chế, khó khăn đã được các cơ quan chức năng của Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao thẳng thắn nhìn nhận, chỉ ra.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh, để triển khai thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch mới, Cục hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an và các đơn vị chức năng của Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của VKSND tối cao, TAND tối cao triển khai một số nhiệm vụ công tác: Tham mưu tổ chức quán triệt sâu rộng đến cán bộ 3 ngành từ Trung ương đến cơ sở thống nhất về nhận thức, xác định việc phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch có ý nghĩa quan trọng, phục vụ trực tiếp công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng ngành, đơn vị, đảm bảo đoàn kết, thống nhất, gắn bó, hỗ trợ tích cực lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ.

Triển khai đồng bộ việc số hóa hồ sơ tài liệu, kết nối chia sẻ thông tin trên môi trường mạng, chuyển trạng thái trao đổi, chia sẻ thông tin, tài liệu từ “thủ công” sang “điện tử”, đảm bảo thông tin được trao đổi thường xuyên, chính xác, kịp thời, bảo mật theo quy định, phục vụ có hiệu quá công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Hướng dẫn Công an các đơn vị, địa phương thống nhất Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp xây dựng văn bản phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch. Định kỳ đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời tham mưu lãnh đạo 3 ngành chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Thông tư liên tịch, để công tác phối hợp giữa 3 ngành ngày càng chặt chẽ, hiệu quả thiết thực.

Vũ Phương