Trong không khí vui mừng, phấn khởi của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành KSND, sáng ngày 25/5/2013 tại Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội), VKSNDTC đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 
 
tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ
 
Buổi Lễ vinh dự được đón đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Trần Quốc Vượng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Dự buổi Lễ, về phía VKSNDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC; các đồng chí nguyên là lãnh đạo VKSNDTC qua các thời kỳ. 
 
Cùng dự buổi Lễ còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành; đại diện lãnh đạo các trường đại học, học viện; các đơn vị trực thuộc VKSNDTC, VKS quân sự Trung ương và VKSND một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí nguyên lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ cùng toàn thể các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức nhà trường…
 
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đọc diễn văn khai mạc tại buổi Lễ.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đọc diễn văn khai mạc tại buổi Lễ.
 
Diễn văn khai mạc do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trình bày khẳng định, sự có mặt của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu khách quý tại buổi Lễ chính là niềm vinh dự đồng thời thể hiện sự quan tâm và là nguồn động viên to lớn đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND nói chung và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nói riêng. Việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đáp ứng sự mong đợi của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành KSND qua các thời kỳ. Sự kiện trọng đại này mở ra một trang mới, đánh dấu bước phát triển về chất trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành Kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
 
Đồng chí Viện trưởng cho biết, trong suốt chặng đường hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, nhà trường đã trải qua các giai đoạn phát triển với tên gọi và quy mô đào tạo khác nhau, Trường đã trưởng thành về nhiều mặt. Trường đã đào tạo trên 15000 cán bộ ở các trình độ khác nhau: trung cấp, cao đẳng, đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho những người có trình độ cử nhân luật… Các cựu học viên, sinh viên nhà trường đã vận dụng có hiệu quả những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác góp phần đắc lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành; nhiều đồng chí hiện đang đảm nhận những trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; là những lãnh đạo chủ chốt, những nhà khoa học pháp lý, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực công tác kiểm sát.
 
Theo đồng chí Viện trưởng, cùng với việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, để hoạt động của Trường sớm đi đúng quỹ đạo và tầm vóc của một trường đại học thì đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cần bắt tay ngay vào những công việc cấp bách như kiện toàn tổ chức bộ máy; bổ sung đội ngũ giảng viên có trình độ cao; nghiên cứu biên soạn hệ thống giáo trình, giáo án; xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo; nâng cấp cơ sở vật chất hiện có và triển khai đề án xây dựng nhà trường lâu dài. 
 
Đồng chí Viện trưởng nêu rõ, dựa vào pháp luật, tuân thủ pháp luật, bảo vệ pháp luật phải là phẩm chất đặc trưng và nổi trội của người cán bộ kiểm sát và phẩm chất này phải được hình thành ngay từ khi bước vào Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và ngày càng được nuôi dưỡng bền vững qua thực tiễn công tác. Chính vì thế nhà trường cần trang bị toàn diện cho học viên cả lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, tình yêu và sự say mê đối với nghề kiểm sát, tinh thần trách nhiệm cao cả, ý thức tổ chức kỷ luật chặt chẽ, kiến thức pháp luật sâu sắc và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp. Và đây chính là cơ sở để Kiểm sát viên tuân thủ pháp luật, bảo vệ pháp luật để nhân dân tin cậy vào ngành KSND. Đồng chí Viện trưởng nhấn mạnh, với một bề dày lịch sử đáng tự hào của ngành KSND thì chắc chắn Trường sẽ phát triển không ngừng để trở thành một trong những trung tâm đào tạo cán bộ tư pháp hàng đầu và cống hiến to lớn cho sự phát triển của Ngành, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, khắc phục những bất cập về đội ngũ kế thừa, bồi đắp sự thiếu hụt về nhân lực... Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSNDTC tin tưởng cán bộ, giáo viên nhà trường sẽ nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới.    
 
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đồng chí Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
 
Tại buổi Lễ, VKSNDTC đã công bố Quyết định số 614/QĐ-TTg ngày 24/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Theo Quyết định 614/QĐ-TTg thì Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập trên cơ sở nâng cấp Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát (có trụ sở tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập trong hệ thống giáo dục quốc dân, trực thuộc VKSNDTC, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội hoạt động theo Điều lệ trường đại học, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quy chế tổ chức và hoạt động do VKSNDTC ban hành. Cũng tại buổi Lễ, VKSNDTC đã công bố các quyết định của Viện trưởng VKSNDTC về việc bổ nhiệm Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Theo đó đã bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Việt và bà Vũ Thị Hồng Vân giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 
 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC trao các quyết định bổ nhiệm Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
 
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cải cách tư pháp mà Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị đã xác định rõ là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Trong thời gian qua, ngành KSND đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ Cải cách tư pháp và đã đạt nhiều kết quả góp phần quan trọng vào việc đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp nói chung và Kiểm sát viên nói riêng ở nhiều địa phương vẫn tồn tại nhiều năm qua. Trước tình hình đó, ngày 23/11/2012 Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 4 đã ra Nghị quyết số 37/2012/QH13, trong đó đã yêu cầu “Khắc phục tình trạng thiếu cán bộ có chức danh tư pháp, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản tuyển dụng đủ số cán bộ tư pháp...”. Đồng thời, ngày 27/12/2012 Bộ Chính trị đã có Thông báo số 116-TB/TW về đào tạo cán bộ của ngành Tòa án nhân dân và ngành KSND với nội dung là đồng ý chủ trương cho phép ngành KSND đào tạo bậc đại học chuyên ngành phù hợp với chuyên môn của Ngành mình. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, việc ngành KSND long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội là thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về những vấn đề đã nêu trên. 
 
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội được thành lập là một sự kiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của ngành KSND nói chung và công tác đào tạo cán bộ của ngành KSND nói riêng; khẳng định sự quyết tâm và tầm nhìn dài hạn trong thực tiễn về công tác đào tạo cán bộ ngành KSND của lãnh đạo VKSNDTC trước đây và hiện nay. Bên cạnh đó việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành KSND trong việc chủ động đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đồng thời bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Ngành trong tình hình mới.
 
Chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ
Chụp ảnh lưu niệm tại buổi Lễ
 
Để Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ được giao, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị ngành Kiểm sát cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ như: tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và các chính sách của Nhà nước về công tác cán bộ; chú trọng công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý cán bộ đồng thời có chính sách phù hợp bảo đảm cho đội ngũ cán bộ của ngành Kiểm sát luôn có sự kế thừa và phát triển. Bên cạnh đó lãnh đạo VKSNDTC cần tập trung xác định rõ mục tiêu, phạm vi đào tạo sao cho phù hợp với nhu cầu cán bộ của Ngành. Công tác tuyển sinh phải phù hợp với yêu cầu tuyển dụng cán bộ, đặc biệt là ở những địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa; có cơ chế thu hút tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở nhà trường, đáp ứng yêu cầu của một trường đại học. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cần chủ động xây dựng hệ thống giáo trình, giáo án và bài tập... phù hợp với đặc điểm của trường đại học chuyên ngành kiểm sát; chú trọng đào tạo kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; vừa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, vừa là nơi nghiên cứu khoa học kiểm sát của ngành KSND. Chủ tịch nước cũng đề nghị các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và học viên của nhà trường luôn ra sức thi đua dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt; đổi mới chương trình nội dung, phương pháp giảng dạy và học tập; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn lý luận với thực tiễn công tác của Ngành, bảo đảm học viên ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, nắm vững khoa học pháp lý, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế XHCN. Ngoài ra, VKSNDTC cần phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành hữu quan; Đảng bộ, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực cho Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội sớm ổn định đi vào hoạt động; nhà trường cũng cần phải chủ động hợp tác chặt chẽ với các trường trong nước và quốc tế, phấn đấu đưa Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phát triển thành trường trọng điểm quốc gia, từng bước vươn lên ngang tầm trong khu vực. 
 
Văn Tình