Bảo đảm sự công tâm, khách quan, kịp thời
VKSND tối cao (Vụ 10) vừa có công văn số 1473/VKSTC-V10 gửi một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị góp ý đối với dự thảo Quy định về “Quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ việc theo thủ tục phá sản”.
Theo đó, dự thảo Quy định về Quy trình gồm có 3 chương, 19 điều quy định về trình tự, thủ tục kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định có hiệu lực pháp luật giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị về việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (nếu có) hoặc từ khi nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đến khi có quyết định giải quyết phá sản của TAND có hiệu lực pháp luật mà không có kiến nghị, kháng nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Luật Phá sản.
Quy định này được áp dụng trong kiểm sát việc giải quyết các vụ việc theo thủ tục phá sản, kể cả thủ tục phá sản các tổ chức tín dụng.
Về đối tượng áp dụng, Quy định này áp dụng đối với các đối tượng, gồm: VKSND tối cao, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện; Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác của VKSND các cấp được giao thực hiện nhiệm vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc theo thủ tục phá sản.
|
|
Kiểm sát việc cưỡng chế thi hành hành án dân sự. (Ảnh minh hoạ) |
Bên cạnh đó, theo dự thảo Quy định, việc kiểm sát quyết định giải quyết vụ việc phá sản phải đảm bảo các nguyên tắc, đó là: Tuân thủ pháp luật về phá sản và các quy định pháp luật khác, các quy định, hướng dẫn có liên quan của VKSND tối cao.
Tuân thủ nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo của VKSND và nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, bảo đảm sự công tâm, khách quan, kịp thời của người tiến hành thủ tục phá sản thuộc VKSND.
Thực hiện theo quy trình chung về kiểm sát quyết định giải quyết vụ việc phá sản
Liên quan đến quy trình chung về kiểm sát quyết định giải quyết vụ việc phá sản, dự thảo Quy định nêu rõ: Khi nhận được quyết định giải quyết vụ việc phá sản do TAND chuyển đến, công chức thực hiện theo quy trình chung đó là: Vào sổ thụ lý kiểm sát quyết định; lập Phiếu kiểm sát theo Mẫu tương ứng với Danh mục biểu mẫu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc phá sản được ban hành kèm theo Quyết định số 204/QĐ-VKSTC ngày 1/6/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về việc ban hành mẫu văn bản tố tụng, nghiệp vụ tạm thời trong lĩnh vực kiểm sát hoạt động tư pháp.
Nếu xét thấy cần thiết, công chức báo cáo lãnh đạo VKSND cấp mình phối hợp yêu cầu TAND chuyển hồ sơ vụ việc phá sản để xem xét hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 7 Luật Phá sản. Văn bản yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Mẫu số 12/PS.
Bổ sung văn bản, tài liệu cần thiết vào hồ sơ kiểm sát theo quy định tại Điều 11 Quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết phá sản ban hành kèm theo Quyết định số 435/QĐ-VKSTC ngày 26/9/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Kiểm sát thời hạn ban hành, thời hạn gửi, hình thức, nội dung quyết định.
Dự thảo văn bản kiến nghị theo các Mẫu số 02/PS, 04/PS, 07/PS, 09/PS, 21/PS hoặc quyết định kháng nghị theo Mẫu số 13/PS, 14/PS.
Sao gửi các quyết định kèm theo Phiếu kiểm sát cho VKSND có thẩm quyền theo quy định của Ngành.
Trường hợp VKSND tham gia các phiên họp khi có đơn đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, quyết định tuyên bố phá sản thì VKSND đã ban hành kháng nghị chuyển hồ sơ kiểm sát cùng với Quyết định kháng nghị cho VKSND cấp trên trực tiếp tham gia phiên họp. Viện trưởng VKSND cấp trên trực tiếp ban hành quyết định phân công Kiểm sát viên tham gia phiên họp theo Điều 5 Quy chế số 435/2019 và Mẫu số 15/PS.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo Quy định còn đề cập đến các nội dung khác, đó là: Lập hồ sơ kiểm sát; Kiểm sát việc trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Kiểm sát việc giải quyết đơn đề nghị xem xét lại, kiến nghị đối với quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Kiểm sát việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; Kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ hoặc không áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Kiểm sát quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị đối với quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản; Kiểm sát quyết định tuyên bố doanh nghiệp hợp tác xã phá sản; việc kiến nghị Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giải quyết đơn đề nghị, kháng nghị đối với quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản; hiệu lực và trách nhiệm thi hành...
Theo công văn số 1473/VKSTC-V10, VKSND tối cao đề nghị các đơn vị, VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, tham gia góp ý kiến đối với dự thảo Quy định về “Quy trình kiểm sát việc giải quyết các vụ việc theo thủ tục phá sản” và gửi về VKSND tối cao (Vụ 10) trước ngày 30/4/2020 để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao theo quy định. |