(BVPL) - Tại khoản 1 Điều 13 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định:“Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi Sao vàng năm cánh”.
Hiện nay, theo Thông tư số 3420/ HD-BVHTTDL ngày 02/10/2012 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca có quy định về Quốc kỳ và vị trí của ngôi Sao vàng năm cánh trong Quốc kỳ. Vì vậy, đề nghị Quốc hội trong lần sửa đổi Hiến pháp này cũng cần đưa các quy định về vị trí, khoảng cách, đặc điểm cũng như tỷ lệ tương ứng của ngôi Sao vàng năm cánh với Quốc kỳ vào trong Hiến pháp sửa đổi.
Quy định về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tại khoản 2 Điều 18 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”.
Đề nghị Hiến pháp sửa đổi bỏ chữ “thể” trong điều luật đã viện dẫn trên để đảm bảo quyền lợi cho công dân Việt Nam được Nhà nước bảo hộ.
Tại các Điều 21, Điều 22, Điều 23 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần nên xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay, cụ thể như sau:
Tại Điều 21 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền sống”.
Quy định như trên là chưa đầy đủ, vì: Hiện nay, theo Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009, ở nước ta vẫn duy trì hình phạt tử hình và hiện có 18 điều luật trong Bộ luật Hình sự vẫn quy định hình phạt tử hình là hình phạt cao nhất đối với người phạm tội khi phạm các điều luật này, họ bị pháp luật tước đi quyền sống (quyền cơ bản của con người).
Tại khoản 1 Điều 22 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm”.
Dự thảo quy định như trên cũng chưa đầy đủ vì trong trường hợp một người bị bắt theo lệnh của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, hoặc bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, người phạm tội đang bị truy nã theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Tại khoản 1 Điều 23 Dự thảo Hiến pháp quy định: “… Không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng và phổ biến thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác nếu không được người đó đồng ý”.
Dự thảo quy định như trên cũng chưa chính xác và đầy đủ vì: Trong trường hợp thu thập lý lịch của bị can, bị cáo… trong hoạt động tố tụng hình sự (như cần thu thập thông tin về nhân thân của bị can, bị cáo, về mối quan hệ gia đình…); trong trường hợp Tòa án xác minh tình trạng hôn nhân trong các hoạt động tố tụng dân sự; hay trong hoạt động thi hành án, cần xác minh điều kiện kinh tế của một người để đảm bảo điều kiện thi hành án… Các trường hợp này, pháp luật cho phép các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyền thu thập, lưu giữ, sử dụng thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người khác không cần sự đồng ý của người đó.
Vì vậy, để cho Bộ luật Hình sự, Bộ luật TTHS, TTDS và các luật khác không mâu thuẫn với Hiến pháp, cần bổ sung vào sau các điều khoản đã trích dẫn trên cụm từ “trừ trường hợp luật định”.
Khoản 1 Điều 34 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh”. Hiện nay, pháp luật có quy định những ngành nghề cấm kinh doanh, những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành nghề được phép kinh doanh… Vì vậy, để các văn bản pháp luật khác không mâu thuẫn và phù hợp với Hiến pháp, cần thêm vào điều này nội dung: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”.
Ngoài ra, tại Điều 56 của Dự thảo Hiến pháp cũng quy định về vấn đề tự do kinh doanh, cụ thể: “Tổ chức, cá nhân được tự do kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Điều 56 Dự thảo sửa đổi Hiếp pháp quy định lặp lại quyền tự do kinh doanh của cá nhân đã được Điều 34 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định. Vì vậy, đề nghị Quốc hội trong quá trình soạn thảo Hiến pháp, nên xem xét bỏ từ “cá nhân” trong Điều 56.
Điều 58 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo quy hoạch và pháp luật. Tại khoản 3 Điều 58 ghi: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo quy định của Dự thảo thì Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy, chỉ trong trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới được thu hồi đất của tổ chức, cá nhân và phải bồi thường theo đúng quy định của pháp luật, không được để người dân chịu thiệt thòi, doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư trục lợi qua thu hồi đất.
Tuy nhiên, đối với trường hợp thu hồi đất để làm các dự án phát triển kinh tế - xã hội, để bảo vệ quyền và lợi ích cho tổ chức, cá nhân đang sử dụng đất hoặc có quyền sử dụng đất, tránh trường hợp lạm dụng khái niệm thu hồi đất để thực hiện các dự án về phát triển kinh tế - xã hội để thu hồi đất của người dân một cách tràn lan, không phù hợp với quy hoạch của đô thị dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, đề nghị tại khoản 3, Điều 58 của Hiến pháp cần quy định: Đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án về phát triển kinh tế - xã hội, cần phải có sự đồng thuận của tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất.
Về chế định Quốc hội, khoản 1 Điều 75 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có ghi: “Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Đề nghị Dự thảo thay từ “làm” bằng từ “xây dựng” cho đúng với văn phong của văn bản quy phạm pháp luật.
Tại khoản 7 Điều 75 thể hiện Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “…Phê chuẩn việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 93 thể hiện: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: “…Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao”.
Cả hai điều này cùng quy định về thủ tục bổ nhiệm, miễm nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC. Tuy nhiên, quy định như trên có sự bất hợp lý vì: Quốc hội trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình phê chuẩn việc bổ nhiệm miễm nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC (Khoản 7 Điều 75), trong khi Chủ tịch nước căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội để bổ nhiệm, miễm nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC (khoản 3 Điều 93). Với cách quy định như trên, dễ dẫn đến sự hiểu sai lệch về Hiến pháp theo hướng Quốc hội phê chuẩn Nghị quyết của Quốc hội. Vì vậy, để tránh tình trạng trên, Hiến pháp sửa đổi cần quy định việc bổ nhiệm, miễm nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC một cách rõ ràng, cụ thể hơn.
Tại khoản 7 Điều 108 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm. Bị can, bị cáo có thể tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; đương sự có thể tự mình, nhờ luật sư hoặc người khác bảo vệ lợi ích hợp pháp”.
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự, ngoài bị can, bị cáo còn có “người bị tạm giữ” (Điều 48 BLTTHS). Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 48 BLTTHS, người bị tạm giữ có quyền “Tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa”. Vì vậy, để cho Bộ luật Tố tụng Hình sự phù hợp với Hiến pháp, tránh vi hiến, cần thêm “người bị tạm giữ” vào điều khoản này trong Hiến pháp sửa đổi.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thể hiện: “Người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử có quyền sử dụng trợ giúp pháp lý của người bào chữa”.
Như vậy, quy định của khoản 7 Điều 108 Dự thảo Hiến pháp trùng với quy định tại khoản 3 Điều 32 Dự thảo Hiến pháp về quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, bị điều tra, truy tố, xét xử hay bị can, bị cáo vì: Theo quy định tại các Điều 48, Điều 49, Điều 50 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người bị tam giữ, bị can, bị cáo đồng thời cũng là người bị bắt, bị tạm giữ, bị điều tra, truy tố, xét xử. Cho nên, để đảm bảo sự thống nhất, tránh sự trùng lặp giữa các điều trong cùng một bản Hiến pháp (cùng một vấn đề nhưng được điều chỉnh ở hai điều luật), đề nghị nên đưa khoản 7 Điều 108 vào khoản 3 Điều 32 và quy định thành một điều khoản thống nhất trong Hiến pháp.
Mai Hòa (lược ghi)