(BVPL) - Ngày 24/11/2012, tại TP.Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tổ chức Hội nghị về việc tổ chức TAND sơ thẩm khu vực và VKSND khu vực. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương Chủ trì Hội nghị.

 

Dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo: Trương  Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện các Bộ, Ban, Ngành liên quan; Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp các tỉnh, thành phố và cơ quan tư pháp các địa phương từ Thừa Thiên - Huế trở vào.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị.


Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, trên cơ sở kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cũng như qua báo cáo của Ban Cán sự đảng TANDTC và VKSNDTC cho thấy, đến nay 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã triển khai xong việc xây dựng phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực tại địa phương. Tuy nhiên, nhận thức về chủ trương, mục đích, yêu cầu và các tiêu chí của việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực tại một số địa phương vẫn còn chưa có sự thống nhất cao, ý kiến còn khác nhau, lúng túng trong việc chuẩn bị triển khai thực hiện.

Hội nghị nhằm thảo luận, đề xuất ý kiến về việc “Tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực” và góp ý kiến cho bản dự thảo Báo cáo trình Bộ Chính  trị. Trọng tâm thảo luận là xác định tính ưu việt và hạn chế, những thuận lợi, khó khăn và đưa ra đề xuất kiến nghị về mô hình tổ chức TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực; lộ trình tổ chức  thực hiện. Trên cơ sở kết quả Hội nghị này (và Hội nghị khu vực phía Bắc vào ngày 28/11), Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Lê Hữu Thể, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Phó Viện trưởng VKSNDTC, thay mặt Ban Cán sự Đảng VKSNDTC đã báo cáo về việc thực hiện chủ trương thành lập VKSND khu vực. Nội dung đi sâu vào những vấn đề: Tình hình triển khai thực hiện chủ trương thành lập VKSND khu vực; những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện và những đề xuất, kiến nghị.

Theo đó, từ đầu năm 2011, VKSNDTC đã thực hiện công tác quán triệt và triển khai việc khảo sát, nghiên cứu và đề xuất phương án thành lập VKSND khu vực. Đến nay, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoàn tất việc xây dựng phương án thành lập và dự kiến có 438 VKSND khu vực trên tổng số 695 VKSND cấp huyện hiện nay, gồm có: 212 khu vực được thành  lập từ 01 đơn vị cấp huyện; 197 khu vực được thành lập từ 02 đơn vị cấp huyện; 26 khu vực được thành lập từ 03 đơn vị cấp huyện và 03 khu vực từ 4 đơn vị cấp huyện.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị về cán bộ và cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cũng được VKSNDTC tổ chức xây dựng qua đề án Quy hoạch và phát triển nhân lực ngành KSND giai đoạn 2011 - 2020, bao gồm cả việc chuẩn bị nhân lực cho việc tổ chức hệ thống VKSND theo 4 cấp; xây dựng các đề án và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổng biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND và Viện kiểm sát quân sự các cấp; đề án trang phục đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Kiểm sát; đề án về thời hạn và cơ chế bổ nhiệm Kiểm sát viên; đề án Cải cách chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND; đề án đầu tư cơ sở hạ tầng như: trụ sở làm việc, trang thiết bị và phương tiện cho ngành KSND giai đoạn 2011-2020.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn khi thành lập VKSND khu vực, trong đó có việc xác định tiêu chí thành lập TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực vẫn chưa có sự thống nhất, đồng bộ giữa TANDTC và VKSNDTC. Khi triển khai việc khảo sát và đề xuất phương án thành lập, hai bên đều có văn  bản hướng dẫn riêng, trong đó đưa ra các tiêu chí về khối lượng công việc, đặc điểm địa lý, chính trị, xã hội và các điều kiện cụ thể ở địa phương…

Qua đó, để thực hiện tốt việc chủ trương thành lập VKSND khu vực trong thời gian tới, Ban Cán sự đảng VKSNDTC kiến nghị: để đảm bảo nhận thức và thực hiện thống nhất, phải có hướng dẫn về tiêu chí thành lập theo phương châm ưu tiên giảm thiểu khó khăn, tạo điều kiện cho người dân khi tiếp cận công lý; đồng thời số lượng địa hạt của TAND sơ thẩm khu vực, VKSND khu vực được xác định một cách linh hoạt đối với từng vùng miền. Đối với việc thành lập VKSND khu vực, ngoài yêu cầu phù hợp với TAND sơ thẩm khu vực, cũng phải thực hiện tốt chủ trương của Đảng là: “...Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.

 

Quang Hữu 

.