(BVPL) - Vừa qua, tại TP.HCM, VKSNDTC phối hợp với “Chương trình đối tác tư pháp” tổ chức Hội thảo khoa học “Hoàn thiện thủ tục xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm trong Dự án BLTTHS đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
|
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) phát biểu tại Hội thảo. |
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật TTHS (sửa đổi) chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC nhấn mạnh: Đây là hoạt động quan trọng trong việc xây dựng dự án BLTTHS, thể hiện trách nhiệm, đồng thời cũng là tâm huyết của nhiều đại biểu về một BLTTHS (sửa đổi) thực sự khoa học, tiến bộ, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền con người và phục vụ nhân dân. Đây là dự án luật lớn và còn nhiều vấn đề cần hoàn thiện trong quá trình soạn thảo, phải thể chế hóa đầy đủ các yêu cầu cải cách tư pháp, khắc phục triệt để những vướng mắc thực tế.
Nhận thức rõ điều đó, VKSNDTC đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ cho việc xây dựng Dự thảo BLTTHS. Đến nay, Ban soạn thảo BLTTHS ( sửa đổi) đã xây dựng Dự thảo lần 1, với 8 phần, 36 chương gồm 486 điều, trong đó có 284 điều sửa đổi, bổ sung mới 132 điều, giữ nguyên 52 điều và loại bỏ 10 điều.
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát đã trình bày 11 vấn đề cụ thể như: Dự thảo sửa theo hướng nhập phần xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm thành một phần để đảm bảo tính rành mạch trong kết cấu BLTTHS, phù hợp với sự phân chia các giai đoạn tố tụng. Đồng thời tách các quy định có tính chất chung cho cả xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm để điều chỉnh trong Chương những quy định chung về xét xử, tránh trùng lắp; Cụ thể hóa quy định “Người bị buộc tội phải được Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định” tại khoản 2 Điều 31 Hiến pháp năm 2013; Cụ thể hóa quy định “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” tại khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013; Dự thảo bổ sung quy định những vấn đề cần giải quyết trước khi mở phiên tòa như giải quyết yêu cầu của KSV và những người tham gia tố tụng về việc cung cấp, bổ sung chứng cứ, triệu tập người làm chứng và người tham gia tố tụng khác đến phiên tòa…; Dự thảo bổ sung quy định việc giao, gửi các bản án, quyết định tố tụng của Tòa án cho VKS, Cơ quan điều tra, cơ quan THA hình sự, dân sự (Điều 252). Quy định cho VKS ra quyết định kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm phải có trách nhiệm gửi quyết định cho những người tham gia tố tụng liên quan đến kháng nghị thay vì giao nhiệm vụ này cho Tòa án như hiện nay (Điều 322); Dự thảo quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giam thay vì giao cho Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án (các Điều 265 và Điều 333); Bổ sung quy định về vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng tại phòng xử án (Điều 245), về phiên dịch tại phiên tòa (Điều 253). Phân định rõ thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội thuộc thẩm quyền TAND và có tội thuộc thẩm quyền của TAQS (Điều 260). Cụ thể hóa các căn cứ trả hồ sơ bổ sung (Điều 267), bổ sung quy định các trường hợp hoãn phiên tòa (Điều 283); Bổ sung thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm, khắc phục trường hợp tòa án cấp phúc thẩm không có đầy đủ thẩm quyền hủy, sửa bản án sơ thẩm mà phải kiến nghị Tòa án cấp trên kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, làm kéo dài vụ án không cần thiết (tại các Điều 344, 345, 346, 347)...
Tại Hội thảo, một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: Trách nhiệm của Tòa án trong việc chứng minh tội phạm; Về trình tự và phạm vi xét hỏi; Về giới hạn xét xử; Về KSV cấp trên tham gia phiên tòa của Tòa án cấp dưới; Về sự có mặt của Điều tra viên tại phiên tòa; Về việc KSV rút quyết định truy tố tại phiên tòa; Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm; Về căn cứ kháng nghị tái thẩm; Về vị trí ngồi trong phiên xét xử…sẽ tiếp tục được thảo luận và hoàn thiện trong thời gian tới.
Phi Sơn