(BVPL) - Đó là nội dung Hội thảo khoa học vừa được VKSNDTC tổ chức dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo Bộ luật TTHS. Cùng tham dự Hội thảo còn có đồng chí Trần Văn Độ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; đại diện một số cơ quan; các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đại diện một số đơn vị thuộc VKSNDTC…
|
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo phát biểu tại Hội thảo. |
Theo Viện Khoa học kiểm sát VKSNDTC, đề xuất hoàn thiện chế định chứng cứ, chứng minh trong Bộ luật TTHS gồm các nội dung liên quan đến kỹ thuật thiết kế; về khái niệm chứng cứ; về nguồn chứng cứ; về nguyên tắc loại trừ chứng cứ; về khái niệm hoạt động chứng minh; về yêu cầu đối với việc thu thập chứng cứ; về những người có quyền thu thập chứng cứ; về kiểm tra, đánh giá chứng cứ; về mặc nhiên công nhận chứng cứ. Bên cạnh đó, cũng theo Viện Khoa học kiểm sát VKSNDTC, liên quan đến chế định này trong Bộ luật TTHS vẫn còn những ý kiến khác nhau như: việc xác định chứng cứ; người có quyền thu thập chứng cứ; về những người có thẩm quyền kiểm tra, đánh giá chứng cứ; về việc bổ sung lời khai của người chứng kiến là nguồn chứng cứ; về vấn đề giám định.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn đã thảo luận, cho ý kiến liên quan đến đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với Chương Chứng cứ và Chứng minh trong Bộ luật TTHS (sửa đổi). Theo đó, những nội dung được đề xuất sửa đổi, bổ sung gồm các điều quy định về những vấn đề phải chứng minh, xác định trong vụ án hình sự; chứng cứ; nguồn chứng cứ; loại trừ chứng cứ; lời khai của người làm chứng; lời khai của người bị hại; lời khai của nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ; lời khai của bị can, bị cáo; lời khai của người chứng kiến; kết luận giám định; kết luận định giá tài sản; vật chứng; thu thập và bảo quản vật chứng; xử lý vật chứng; thu thập và bảo quản phương tiện ghi âm, phương tiện ghi hình và các phương tiện công nghệ thông tin khác ghi lại dấu vết tội phạm; biên bản về hoạt động điều tra và xét xử; chứng minh; yêu cầu đối với việc thu thập chứng cứ; cơ quan, người có quyền thu thập chứng cứ; kiểm tra, đánh giá chứng cứ; mặc nhiên công nhận chứng cứ.
Đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo đối với việc xây dựng, hoàn thiện các nội dung liên quan đến chế định chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật TTHS (sửa đổi), đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC nhấn mạnh, chế định chứng cứ và chứng minh trong Bộ luật TTHS là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi và xuyên suốt toàn bộ hoạt động TTHS từ giai đoạn điều tra đến giai đoạn xét xử. Việc thu thập đầy đủ, chính xác chứng cứ cũng như việc xem xét, đánh giá chứng cứ trung thực, khách quan, toàn diện không chỉ góp phần giúp cho việc xem xét và giải quyết vụ án được kịp thời, chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật mà còn cơ bản khắc phục được những thiếu sót trong hoạt động TTHS, giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, đồng thời phúc đáp được các yêu cầu về cải cách tư pháp.
Văn Tình