(BVPL) - Một trong những điểm mới và nổi bật trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là trong Dự thảo đã đưa ra một chương mới (chương X) với 03 điều quy định về Hội đồng Hiến pháp (Điều 120), Hội đồng bầu cử quốc gia (Điều 121) và Kiểm toán Nhà nước (Điều 122). Theo ý kiến của chúng tôi, việc thiết kế và đưa những thiết chế này lên tầm hiến định là hoàn toàn cần thiết và phù hợp với yêu cầu của tình hình mới, phù hợp với tính chất và chức năng của các thiết chế đó trong bộ máy Nhà nước của nước ta hiện nay, đồng thời cũng phản ánh xu hướng chung và kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đây là thiết chế mới, lần đầu tiên được hiến định trên cơ sở tổng kết về lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử ở Trung ương và các Ban bầu cử, Tổ bầu cử ở địa phương được quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (năm 1997; sửa đổi, bổ sung năm 2002). Việc hiến định cơ quan bầu cử quốc gia thể hiện một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp ở nước ta (vì các bản Hiến pháp trước đây chưa quy định cụ thể về thiết chế này). Vì vậy, việc dành riêng một điều quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này là rất cần thiết. Nó phù hợp với xu thế chung trên thế giới cũng như đáp ứng được yêu cầu mở rộng dân chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, theo chúng tôi, quy định tại Điều 121 Dự thảo còn quá sơ sài vì Điều 121 Dự thảo mới chỉ xác định được hai yếu tố, đó là: cơ quan có thẩm quyền thành lập ra Hội đồng bầu cử quốc gia (khoản 1 Điều 121) và chức năng của Hội đồng bầu cử quốc gia (khoản 2 Điều 121). Trong khi đó còn ít nhất hai yếu tố đặc biệt quan trọng đối với một cơ quan bầu cử quốc gia rất cần phải hiến định lại chưa được đề cập đến. Đó là vị thế độc lập và thành phần của Hội đồng. Đồng thời, Dự thảo cũng không quy định thẩm quyền của Hội đồng bầu cử quốc gia trong việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý; trong khi đó, trưng cầu dân ý là một vấn đề rất quan trọng trong mỗi cuộc bầu cử và các bản Hiến pháp của nước ta đều quy định về chế định này. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, bổ sung thêm những nội dung nêu trên vào Điều 121 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Về Kiểm toán Nhà nước (điều 122 Dự thảo):
Thiết chế Kiểm toán Nhà nước được hiến định từ kinh nghiệm của 18 năm tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ở nước ta, đặc biệt là của 6 năm thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước. Điều 122 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã đặt Kiểm toán Nhà nước ở vị trí hiến định độc lập, có chức năng kiểm soát chung đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công; đồng thời, cũng ghi nhận hai yếu tố cơ bản của Kiểm toán Nhà nước là: Thứ nhất, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập có vị trí độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động kiểm toán Nhà nước. Thứ hai, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Chúng tôi cho rằng, quy định như vậy là hoàn toàn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu về Kiểm toán Nhà nước với tính chất là một thiết chế Hiến định độc lập.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, khi quy định về vị trí pháp lý của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thì cũng cần quy định cụ thể luôn nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, không nên giao cho Luật quy định như khoản 2 Điều 122 Dự thảo. Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước nên dài hơn nhiệm kỳ của Quốc hội để tạo ra sự đảm bảo và tính chịu trách nhiệm cao hơn của Kiểm toán Nhà nước.
Về Hội đồng Hiến pháp (điều 120 Dự thảo):
Theo chúng tôi, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã thiết kế một điều (Điều 120) về Hội đồng Hiến pháp với tư cách là một thiết chế hiến định độc lập là rất phù hợp và cần thiết nhằm giúp cho Quốc hội thực hiện tốt hơn thẩm quyền giám sát các văn bản quy phạm pháp luật do chính Quốc hội, cũng như những văn bản quy phạm pháp luật do Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC ban hành. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện và đưa ra những kết luận xác đáng đối với những quy định, quyết định trái với Hiến pháp hoặc vi phạm Hiến pháp.
Trong điều kiện cụ thể của nước ta, mô hình Hội đồng Hiến pháp như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là thích hợp, vì mô hình đó được đặt trong khuôn khổ của nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước và cơ chế vận hành quyền lực nhà nước ở nước ta; đồng thời đảm bảo nguyên tắc cao nhất là sự lãnh đạo tập trung, thống nhất và toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập. Cơ chế, phạm vi, thẩm quyền kiểm tra, kết luận của cơ quan này không tạo ra một thứ quyền lực chính trị - pháp lý hay quyền lực mới nào trong cơ chế quyền lực nhà nước hiện hành của nước ta; nhưng thiết chế hiến định này sẽ có tác dụng rất tích cực trong việc phòng ngừa cũng như phát hiện, ngăn chặn những quy định, quyết định trái với Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp; góp phần tích cực vào việc bảo vệ Hiến pháp hiện hành.
Để đạt được yêu cầu này, theo chúng tôi, cần quy định rõ:
Hội đồng Hiến pháp hoạt động thường xuyên và chuyên trách, gồm đại diện của các thiết chế bộ máy nhà nước ở Trung ương và các chuyên gia pháp lý có trình độ cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú, có ý thức trách nhiệm cao trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền và các lợi ích hợp pháp của công dân.
Cần bổ sung vào Điều 120 Dự thảo về thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong việc kiểm tra, phát hiện và kết luận về những trường hợp trái với Hiến pháp của các văn bản trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC ban hành; có như vậy mới hạn chế được tối đa tình trạng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn, trái với Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp ở nước ta hiện nay.
Điều 120 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng mới chỉ đề cập tới thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong việc kiểm tra, kết luận về những quyết định, quy định (kiểm tra văn bản) của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trái với Hiến pháp, vi phạm Hiến pháp mà chưa quy định về thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp trong việc kiểm tra, kết luận về những hành vi vi phạm Hiến pháp của các chủ thể này; như vậy là chưa toàn diện và chưa phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay. Vì vậy, chúng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung nội dung này vào Điều 120 Dự thảo Hiến pháp.
Về vấn đề Hiến định cơ quan phòng, chống tham nhũng độc lập:
Đứng trước thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay, Đảng ta đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, không chỉ ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn thể hiện rõ trong việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban; thành lập lại Ban Nội chính Trung ương và giao cho Ban này là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo; Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 4 đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu của Luật phòng, chống tham nhũng (đã được sửa đổi, bổ sung) chủ yếu tập trung quy định về những vấn đề có tính chất phòng ngừa tham nhũng; không có quy định nào về việc thành lập một cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trực thuộc Quốc hội hoặc thuộc Chính phủ, độc lập với các cơ quan quản lý Nhà nước, được tổ chức và chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Công tác đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta hiện nay được giao chủ yếu cho các cơ quan tư pháp (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án), và thực tế hiệu quả của cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở nước ta trong những năm qua chưa cao. Trong khi đó, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương là cơ quan của Đảng, với chức năng chủ yếu là chỉ đạo, phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Chính vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng việc Hiến định cơ quan phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, tạo cho cơ quan này có tính độc lập cao, có vị trí xứng đáng và có quyền hạn lớn trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có như vậy mới thể hiện được quyết tâm chính trị của Đảng; đồng thời cũng thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trong việc đấu tranh có hiệu quả với nạn tham nhũng hiện nay; mặt khác, cũng đảm bảo tính pháp lý cao cho sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng.
Từ cách đặt vấn đề như trên, chúng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu, bổ sung thêm vào Chương X một điều (sau Điều 122) quy định về “Ủy ban phòng chống tham nhũng”; trong đó, quy định rõ Ủy ban này do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm và báo cáo trước Quốc hội (trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội) về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Văn Tình (ghi)