(BVPL) - Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Pháp và Hà Lan, Đoàn công tác của VKSNDTC vừa có kiến nghị với Ban cán sự Đảng VKSNDTC và Ban Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu việc VKSNDTC tham gia Hiệp hội Công tố viên quốc tế (IAP) theo hướng đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước cho phép VKSNDTC gia nhập Hiệp hội IAP sớm trước quý III năm 2013.
 

Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp.
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC Ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp.


Trước đó, từ ngày 03 – 10/4/2013, Đoàn công tác của VKSNDTC do đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSNDTC làm Trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Cộng hòa Pháp và Hà Lan. Tại Pháp, ngày 4/4/2013, Đoàn đã thăm và làm việc tại Trường đào tạo thẩm phán quốc gia Cộng hòa Pháp tại Paris. Đại diện lãnh đạo nhà trường đã tiếp đón Đoàn. Hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về công tác đào tạo, bồi dưỡng và cơ chế tuyển sinh của các cơ sở đào tạo; tiêu chuẩn bổ nhiệm và chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho Kiểm sát viên, Công tố viên của Việt Nam và Cộng hòa Pháp.

Tại buổi làm việc, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác về đào tạo giữa VKSNDTC nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trường đào tạo Thẩm phán quốc gia nước Cộng hòa Pháp với nội dung chính nhằm hợp tác trao đổi học viên là các Kiểm sát viên, Công tố viên và giảng viên của các cơ sở đào tạo của hai bên. Hai bên cũng tạo điều kiện để trao đổi các đại biểu tham dự hội nghị, hội thảo do các bên tổ chức và trao đổi các tài liệu, ấn phẩm xuất bản công khai, ưu tiên ấn phẩm điện tử và đĩa CD-ROMs.

Ngày 05/4/2013, Đoàn đã đến thăm xã giao Viện Công tố bên cạnh Tòa án cấp quận tại Paris và Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án của Cộng hòa Pháp. Đoàn đã trao đổi và nghe bà Veronique Degermann, Phó Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa án quận và ông Christian Raysseguier, Phó Viện trưởng Viện Công tố bên cạnh Tòa phá án giới thiệu sơ lược về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tương ứng nói trên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hà Lan, ngày 08/4/2013, Đoàn đã tới thăm xã giao Tòa Hình sự quốc tế (ICC) đóng tại thành phố La-hay. Đoàn đã nghe đại diện của ICC giới thiệu về nguyên tắc hoạt động, thẩm quyền xét xử của Tòa, tổ chức bộ máy, các quốc gia thành viên của Quy chế Rôm (thiết lập ra ICC), mức niên liễm của các quốc gia thành viên tham gia ICC, các vụ án đã và đang giải quyết bởi ICC.

Ngày 09/4/2013, Đoàn đã làm việc với ông Derk Kuipers, Công tố viên cao cấp Cơ quan Công tố Hà Lan, Tổng thư ký Hiệp hội công tố viên quốc tế (IAP) tại trụ sở Hiệp hội đóng tại thành phố La-hay nhằm thảo luận những vấn đề thực tiễn trong Kế hoạch triển khai xây dựng Đề án “Nghiên cứu việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia Hiệp hội Công tố viên quốc tế”. Đoàn đã được Tổng thư ký của IAP tiếp đón trọng thị và cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết cho việc gia nhập IAP theo yêu cầu của Đoàn như: mức niên liễm ưu đãi dành cho VKSNDTC; quyền lợi và tư cách của Hội viên chính thức, danh sách cập nhật các thành viên tổ chức (gồm cả các cơ quan công tố của các quốc gia thành viên ASEAN); thủ tục đăng ký; một số ấn phẩm tiêu biểu của IAP; các sự kiện sắp tới trong năm 2013 – 2014 của IAP gồm: Đại hội thường niên năm 2013 tổ chức tại Matxcơva (Nga) và Hội nghị chính thức cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2014 tại Xít-ni (Úc)…

Trên cơ sở buổi làm việc, trao đổi với Tổng thư ký Hiệp hội IAP, Đoàn công tác nhận thấy: IAP là một tổ chức phi Chính phủ và phi chính trị duy nhất trên phạm vi thế giới của các Kiểm sát viên, Công tố viên với tôn chỉ nhằm tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; thiết lập và nâng cao chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp của các Kiểm sát viên, Công tố viên trên thế giới; thúc đẩy các nguyên tắc pháp quyền, sự công bằng, khách quan và tôn trọng quyền con người. Các hội viên chính thức của Hiệp hội được hưởng rất nhiều quyền lợi như: được tham gia vào một mạng lưới nghề nghiệp quốc tế; tham gia các Hội nghị và Chương trình hỗ trợ của Hiệp hội; được tiếp cận Chương trình trao đổi Công tố viên; được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xây dựng Ngành, công tác tổ chức quản lý, điều hành trong lĩnh vực kiểm sát, công tố từ các hội viên tổ chức trên toàn thế giới… Nghĩa vụ chủ yếu của Hội viên của Hiệp hội chỉ là đóng niên liễm đầy đủ và đúng thời hạn, mức phí niên liễm dành cho VKSNDTC Việt Nam được ưu đãi và hợp lý. Hiện nay, số lượng hội viên tổ chức của Hiệp hội IAP rất đông đảo, đã đạt trên 160 đại diện cho hơn 90 quốc gia.
 

Chí Kiên

.