leftcenterrightdel
 Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Ảnh:VGP

Theo đó, Hội nghị tập trung trao đổi, đánh giá thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, khai thác, nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; từ đó, đề xuất các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây 9 tháng, ngày 14/12/2021, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, các đại biểu đã trao đổi về phương hướng ngoại giao phục vụ phát triển. Trong 9 tháng qua, tình hình thế giới đã diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, tác động, ảnh hưởng sâu sắc, trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.

Trong xu hướng chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đến thời điểm này, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 8 đạt khoảng 500 tỉ USD. Đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và đẩy mạnh, phù hợp với tình hình thế giới, các quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ, đồng tình, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam; Nikkei đánh giá Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu về chỉ số phục hồi COVID-19.

Đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành Ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Trong đó, chúng ta đã triển khai rất thành công chiến lược vắc xin, với chiến dịch ngoại giao vắc xin có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình.

Việt Nam kiên trì, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.

Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.

Đặc biệt, trong bối cảnh các thị trường lớn của Việt Nam đều có xu hướng thu hẹp, các cơ quan đại diện Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình với tinh thần “trong nguy có cơ” để góp phần khắc phục các khó khăn tại các thị trường lớn, đồng thời mở rộng các thị trường khác, góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng…, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế. Ảnh:VGP

Do đó, Thủ tướng yêu cầu ngành Ngoại giao cần hết sức tranh thủ, phát huy cao nhất thế và lực mới của đất nước; chủ động, tích cực trong việc kiến tạo cục diện có lợi cho môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của đất nước.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng quan trọng với tinh thần trách nhiệm cao nhất.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, thu hút du lịch, trong đó chú trọng việc tạo điều kiện về thị thực cho khách quốc tế; tiếp tục chú trọng và triển khai tốt công tác bảo hộ công dân.

Tiếp tục quyết liệt xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa đối ngoại và ngoại giao thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đẩy mạnh đổi mới tư duy, mạnh dạn, đột phá, sáng tạo trong công tác ngoại giao kinh tế, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, chắc chắn, thận trọng, kiên định mục tiêu và chân thành, khiêm tốn. Trong đó, tập trung thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như: Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; phát huy tiềm năng các thị trường đối tác FTA; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi, Australia; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Xây dựng chính sách phù hợp đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước; thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp văn hóa, kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, đô thị, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục… Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; chủ động cảnh báo, phòng ngừa và xử lý các rủi ro, tranh chấp.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, cần tranh thủ mọi cơ hội để thu hút nguồn lực bên ngoài cho chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tiếp tục vận động các nước đối tác ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, bảo đảm công bằng, công lý; hỗ trợ Việt Nam về công nghệ và tài chính, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, trải qua nhiều năm chiến tranh, còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng phải đóng góp cho nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu như các nước phát triển.

Người đứng đầu Chính phủ cũng bày tỏ mong muốn và tin tưởng, với sự chung sức, đồng lòng của ngành ngoại giao, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, các ban, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả phương châm ngoại giao “tình cảm, chân thành, tin cậy, bình đẳng, tôn trọng, hiệu quả, cùng phát triển”, chúng ta sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu mới, quan trọng hơn, tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tất cả vì sự phồn vinh, thịnh vượng của đất nước, vì cuộc sống hạnh phúc, ấm no của nhân dân./.

Minh Nhật