leftcenterrightdel
Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới. Ảnh:VGP 

Tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động, thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” diễn ra hôm nay (15/12), Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Ngoại giao đã có đóng góp quan trọng trong triển khai hiệu quả ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, vừa đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung của quốc tế, vừa tranh thủ được sự hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị cho công tác phòng, chống dịch thời gian qua.

“Từ một nước tiếp cận vắc xin tương đối chậm, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đạt tỷ lệ tiêm chủng cao và tự tin thay đổi trạng thái sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.”- Thủ tướng nói.

Những kết quả này có được là nhờ ngành đã bám sát, cụ thể hóa, thực hiện nghiêm túc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống ngành Ngoại giao, linh hoạt thích ứng với điều kiện mới; sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương, bạn bè quốc tế.

Song, Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn, trăn trở về một số mặt hoạt động của ngành Ngoại giao, như: Việc nghiên cứu chiến lược, xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ, toàn diện; ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển bền vững, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu cần cố gắng hơn; chưa phát huy được hết tiềm năng hợp tác kinh tế tại một số địa bàn chiến lược; số lượng cán bộ làm việc trong các tổ chức quốc tế còn khiêm tốn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc còn hạn chế; đời sống vật chất của cán bộ ngoại giao chưa được cải thiện nhiều…

Về nhiệm vụ trong năm 2022 và 2023, Thủ tướng yêu cầu phải bám sát, dự báo, đánh giá đúng tình hình trong nước và thế giới, những kết quả đã làm được và chưa được trong thời gian qua để định hình công tác đối ngoại.

Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như: Cạnh tranh chiến lược, nhất là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Biển Đông; tác động của đại dịch COVID-19; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các thách thức như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường… Đây là những vấn đề toàn cầu, do đó, cần có tư duy và cách tiếp cận, giải pháp toàn cầu, mang tính bao trùm, tổng thể, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới.

Ở trong nước, qua hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội đã khởi sắc rõ nét, tuy nhiên, những khó khăn, thách thức còn rất nhiều, rất lớn.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng nêu rõ,  trên tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải bảo đảm ở mức cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, việc phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam; kiên định triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ một số nội dung, nhiệm vụ trong triển khai 3 trụ cột ngoại giao gồm: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa.

Đối với vấn đề xây dựng lực lượng ngoại giao, Thủ tướng nhấn mạnh, đội ngũ này phải “nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ”; đẩy mạnh xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, hòa bình, đoàn kết, nhân ái, tin cậy, thủy chung, linh hoạt, sáng tạo nhưng quật cường, kiên quyết; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên trong ngành ngoại giao…

Thủ tướng cũng yêu cầu phải tiến tới hiện đại hóa cơ sở vật chất của ngành Ngoại giao, các bộ, ngành cùng chung tay vì mục tiêu này; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ ngoại giao…

 

Minh Nhật