(BVPL) - Chế định Viện kiểm sát nhân dân lần đầu tiên được quy định trong Hiến pháp năm 1959. Theo Điều 105 Hiến pháp năm 1959 thì: “Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, cơ quan Nhà nước địa phương, các nhân viên cơ quan Nhà nước và công dân. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Viện kiểm sát quân sự có quyền kiểm sát trong phạm vi do luật định”. Đây là nhiệm vụ mới mẻ và vô cùng nặng nề được Đảng và nhân dân giao cho ngành Kiểm sát nhân dân trong điều kiện mới của cách mạng. Để tạo cơ sở cho ngành Kiểm sát hoàn thành trọng trách trên, Quốc hội đã bầu đồng chí Hoàng Quốc Việt làm Viện trưởng VKSNDTC. Trung ương cũng đã lựa chọn những cán bộ có tài năng, đạo đức và tâm huyết về làm Phó Viện trưởng VKSNDTC. Đó là các đồng chí Trần Hiệu, Lê Quang Đạo, Trần Công Tường và sau đó là đồng chí Bùi Lâm.
|
Đồng chí Trần Hiệu (thứ năm từ phải sang) cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo VKSNDTC qua các thời kỳ |
Đồng chí Lê Quang Đạo, Phó Viện trưởng VKSNDTC, kiêm Viện trưởng VKS quân sự Trung ương. Ông là vị tướng tài ba chỉ huy thắng lợi nhiều chiến dịch quân sự lớn. Sau này trở thành Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1987-1992). Đồng chí Bùi Lâm là nhà hoạt động cách mạng từ trên đất Pháp. Tháng 11 năm 1925, được sự giới thiệu của Bác Hồ, đồng chí Bùi Lâm gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1929, theo tiếng gọi của Bác Hồ, đồng chí Bùi Lâm về Việt Nam hoạt động cách mạng và bị chính quyền thực dân Pháp kết án tù khổ sai. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Bùi Lâm được cử làm Chánh án Tòa án quân sự đặc biệt để kịp thời đấu tranh trừng trị với bọn phản cách mạng. Năm 1958, được sự giới thiệu của Bác Hồ, đồng chí Bùi Lâm được cử làm Viện trưởng Viện Công tố đầu tiên (từ năm 1958 đến năm 1960). Tiếp đó, đồng chí Bùi Lâm được cử làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Cộng hòa Bungari và Cộng hòa dân chủ Đức và sau đó đồng chí Bùi Lâm được cử làm Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Trần Công Tường, nguyên là luật sư nổi tiếng, là người giúp việc đắc lực cho Bác Hồ trong những hội nghị quốc tế. Sau này đồng chí Trần Công Tường được cử làm Quyền Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đồng chí Trần Hiệu, là Đại tá tình báo, được cử làm Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC. Những nhà lãnh đạo trên đây là trợ thủ đắc lực cho Viện trưởng VKSNDTC Hoàng Quốc Việt. Trong phạm vi bài viết này, xin giới thiệu đôi nét về đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC.
Đồng chí Trần Hiệu tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ. Năm 1929, đồng chí được kết nạp vào tổ chức Thanh niên Cộng sản. Một thời gian sau, đồng chí Trần Hiệu về Hải Phòng tham gia học nghề sửa chữa xe ô tô và tham gia làm tình báo bí mật cho cách mạng. Đồng chí Trần Hiệu được giao lãnh đạo Phòng Quản trị của báo Thế giới, tiếng nói của Đoàn Thanh niên Dân chủ. Cũng thời gian này, đồng chí tham gia hoạt động trong Phong trào Mặt trận Dân chủ, Hội Ái hữu và Đoàn Thanh niên Dân chủ. Năm 1938, đồng chí Trần Hiệu được kết nạp vào Đảng Cộng sản.
Năm 1939, đồng chí bị bọn mật thám Pháp bắt và kết án tù. Chính quyền thực dân Pháp nhận thấy đồng chí Trần Hiệu là chiến sĩ cách mạng nhiệt huyết nên đã đưa lên giam ở nhà tù Sơn La. Sau một thời gian, chúng lại đưa đồng chí về biệt giam tại Nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội). Con đường bị tù đày của đồng chí chưa dừng lại ở đây, giặc Pháp lại đưa ông lên giam ở Nhà lao Hà Giang và khi bọn mật thám Pháp phát hiện đồng chí Trần Hiệu tham gia tuyên truyền thành lập Chi bộ Đảng trong nhà tù, bọn chúng lại đưa đồng chí trở lại Nhà tù Sơn La. Sau đó đồng chí Trần Hiệu bị chính quyền thực dân Pháp tiếp tục đưa đi đày tại đảo Madagascar, Châu Phi cùng một số đồng chí khác.
Cuối năm 1942, quân Anh chiếm đảo Madagascar. Lúc này, quân Đồng Minh mở mặt trận chống Phát xít Nhật. Việt Nam là dân tộc đang chiến đấu chống Phát xít Nhật nên Đồng Minh có thiện chí với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chính quyền Pháp đã buộc phải trả tự do cho những người tù của Việt Nam, trong đó có đồng chí Trần Hiệu. Giữa năm 1943, đồng chí Trần Hiệu và một số đồng chí khác được Đồng Minh chọn đi học khóa tình báo đầu tiên của Việt Nam tại Ấn Độ.
Giữa tháng 5 năm 1945, máy bay của Đồng Minh chở đồng chí Trần Hiệu và các đồng chí của ta về nhảy dù xuống một số điểm tại Việt Nam. Sau khi nhảy dù xuống Việt Nam, đồng chí Trần Hiệu và các đồng đội của ông rất may mắn được trực tiếp báo cáo với Bác Hồ về quá trình bị bắt giam và được Đồng Minh thả dù về Việt Nam. Bác Hồ đã căn dặn mọi người tiếp tục bắt liên lạc với người Anh, đề nghị cung cấp cho ta về vũ khí, thuốc chữa bệnh… Đồng chí Trần Hiệu và các đồng đội của mình đã hứa với Bác Hồ, dù bề ngoài là người của Đồng Minh nhưng trong lòng vẫn là chiến sĩ cách mạng, sẵn sàng làm tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong thời gian này, đồng chí Trần Hiệu được giao nhiệm vụ mở các lớp huấn luyện tình báo cho lực lượng Cách mạng.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Trần Hiệu được giao nhiệm vụ lãnh đạo ngành Công an Bắc Bộ. Tổ quốc Việt Nam ta thời kỳ này gặp muôn vàn khó khăn do thù trong, giặc ngoài. Tình hình nổi lên lúc đó là bọn Quốc dân Đảng phản động được quân Tưởng và Pháp “hà hơi tiếp sức” đã có âm mưu hoạt động lật đổ chính quyền non trẻ. Từ nguồn tin quần chúng, lực lượng an ninh của ta nắm được âm mưu của chúng đang ráo riết chuẩn bị bạo động cướp chính quyền. Quốc dân Đảng đã lên kế hoạch lợi dụng lúc quân đội Pháp diễu binh mừng ngày Quốc khánh Pháp, bọn chúng sẽ ném lựu đạn vào đoàn diễu binh gây đổ máu rồi đổ lỗi cho cách mạng. Nhân cơ hội này, chúng sẽ hành động lật đổ Chính phủ non trẻ của chúng ta để thành lập chính quyền mới do Quốc dân Đảng cầm đầu. Nắm được âm mưu này, dưới sự chỉ đạo của cấp trên mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp, đồng chí Trần Hiệu đã mưu trí, chỉ huy phá án thắng lợi. Trong các ngày giữa tháng 7 năm 1945, lực lượng an ninh của ta đã tiến hành khám xét 41 địa điểm là trụ sở công khai và bí mật của bọn phản động, mà Chỉ huy Sở được đóng tại số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Hồ Thuyền Quang, Hà Nội), bắt hơn 300 tên. Thời đó, người ta gọi đây là vụ án Ôn Như Hầu với tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Đồng chí Bùi Lâm là người được giao nhiệm vụ tổ chức việc xét xử một cách công khai, nghiêm minh vụ án này.
Đầu năm 1947, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày càng trở nên ác liệt. Để đáp ứng yêu cầu của tình hình cách mạng mới, ngày 20/3/1947, Chính phủ thành lập Cục Tình báo thuộc Tổng Chỉ huy Quân đội Quốc gia Việt Nam. Trong bối cảnh khó khăn, ác liệt của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và công tác tình báo là lĩnh vực hết sức mới mẻ nhưng Bác Hồ và Trung ương vẫn tin tưởng, trực tiếp gặp và giao nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam cho đồng chí Trần Hiệu. Kể từ đây, đồng chí Trần Hiệu đã dành toàn bộ tâm huyết và ý chí để xây dựng lực lượng tình báo chiến lược của quân đội ta ngày càng phát triển và đã lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc.
Đúng lúc này, quân viễn chinh Pháp có kế hoạch mở cuộc tấn công trên quy mô lớn lên Việt Bắc, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá hủy căn cứ địa kháng chiến, với hy vọng qua đây chúng sẽ kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam một cách nhanh chóng. Để thực hiện ý đồ trên, thực dân Pháp đã huy động hơn 2.000 quân tinh nhuệ, 800 xe cơ giới, 40 máy bay, 40 ca nô, tàu chiến tấn công lên Việt Bắc bằng đường số 4 và Sông Lô. Toàn bộ kế hoạch như thời gian, địa điểm và lực lượng của quân Pháp tham gia chiến dịch được tình báo của quân đội ta nắm chắc. Trên cơ sở đó, ngày 15 tháng 10 năm 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và trên cơ sở tin tức tình báo mà ta nắm được, quân và dân ta đã bố trí lực lượng phục kích, đón sẵn. Khi quân Pháp hành quân lên chiến khu thì rơi vào thế phục kích và đã bị quân và dân ta tiêu diệt làm thất bại hoàn toàn âm mưu của chúng. Tính tổng cộng trên mặt trận sông Lô – Thu Đông năm 1947, quân ta đã tiêu diệt hơn 1.000 tên địch, 10 tàu chiến và 1 ca nô; hạ 1 thủy phi cơ (máy bay chiến đấu), thu rất nhiều vũ khí, đạn dược và đồ dùng quân sự. Âm mưu thâm độc của kẻ thù nhằm tiêu diệt quân chủ lực của ta, phá vỡ căn cứ địa cách mạng Việt Bắc và tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến đã hoàn toàn bị sụp đổ. Để ca ngợi chiến thắng to lớn này, nhạc sĩ Văn Cao đã có bản Trường ca Sông Lô bất tử. Như vậy, chiến thắng Thu Đông năm 1947 và các chiến dịch sau này của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đều có sự đóng góp rất to lớn của lực lượng tình báo chiến lược của Quân đội nhân dân Việt Nam do đồng chí Trần Hiệu đích thân chỉ huy.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, nước ta bị chia làm hai miền Nam - Bắc, dưới sự chỉ huy của đồng chí Trần Hiệu, những người con ưu tú của lực lượng tình báo lại tiếp tục hành quân, lên đường vào Nam, dưới vỏ bọc “di cư” để làm nhiệm vụ “đặc biệt”. Trong đó, phải kể đến những chiến công đặc biệt xuất sắc của các nhà tình báo chiến lược nổi tiếng như đồng chí Mười Hương, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn...
Ngày 31/05/1958, Quốc hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã biểu quyết thông qua Luật quy định chế độ phục vụ của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Để thực hiện quy định trên đây, trong đợt phong hàm đầu tiên kể từ ngày có Luật này, đồng chí Trần Hiệu, Cục trưởng Cục tình báo được phong hàm Đại tá. Trong đợt phong hàm lần này, có nhà báo phương Tây phỏng vấn Bác Hồ về việc phong hàm Đại tướng, Đại tá thì Bác Hồ đã trả lời: Việc phong hàm Đại tướng, Đại tá của chúng tôi là hoàn toàn chính xác. Vì Đại tướng, Đại tá của quân đội Việt Nam chúng tôi đã đánh thắng Đại tướng, Đại tá của đội quân xâm lược. Năm 1960, sau Đại hội III của Đảng Lao động Việt Nam, Đại tá Trần Hiệu được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng đầu tiên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời đồng chí còn được giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng khác như: Tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội trưởng Hội Hữu nghị Việt – Trung, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…Với cương vị là Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, là trợ thủ đắc lực của Viện trưởng VKSNDTC Hoàng Quốc Việt, đồng chí Trần Hiệu là nhà lãnh đạo đã thể hiện rõ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh rất sâu sát, tỷ mỷ, lắng nghe anh em cấp dưới. Thời kỳ này ông cùng Ủy ban kiểm sát VKSNDTC, đã chỉ đạo giải quyết nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài nhiệm vụ là Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC, đồng chí Trần Hiệu còn được giao nhiệm vụ làm Bí thư Đảng ủy Dân - Chính - Đảng các cơ quan trực thuộc Trung ương. Đồng chí Trần Hiệu đã góp phần quan trọng giúp Ban Bí thư Trung ương làm tốt các mặt công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra.
Sau ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân không lâu, tại Hà Nội đã xảy ra vụ giết người rất nghiêm trọng. Bị cáo là Trương Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phạm tội giết vợ với âm mưu giết bằng thuốc độc. Vụ án này đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ (đầu năm 1961). Sau khi kết thúc điều tra, vụ án Trương Việt Hùng được đưa ra truy tố và xét xử theo trình tự sơ thẩm đồng thời chung thẩm. Chủ tọa phiên tòa là đồng chí Lê Giản, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Giữ quyền công tố tại phiên tòa là đồng chí Trần Hiệu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thành lập ngành Kiểm sát, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ chung thẩm.
Tại phiên tòa, đồng chí Trần Hiệu đã công bố bản cáo trạng và bản luận tội về vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Người dự phiên tòa bị hút vào bản cáo trạng và bản luận tội không chỉ ở tính chất nghiêm trọng của vụ án mà còn bởi chất giọng rất truyền cảm của ông. Hội đồng xét xử đã nhất trí với đề xuất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, tuyên phạt tử hình đối với Trương Việt Hùng về tội Giết người. Sau khi bản án được tuyên, Trương Việt Hùng có đơn xin tha tội chết. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có tờ trình gửi Chủ tịch nước, đề nghị bác đơn xin ân giảm. Mặc dù Bác Hồ của chúng ta là người có lòng vị tha, nhân hậu nhưng đối với hành vi phạm tội của bị cáo Trương Việt Hùng là đặc biệt nghiêm trọng, từ một người cán bộ, đã thoái hóa, biến chất đến cực độ nên Bác nhất trí với đề xuất của các ngành bác đơn xin ân giảm của bị cáo. Khi nói với các ngành Tư pháp về vụ án này, Bác Hồ khẳng định: “Thà chặt một cành sâu để cho cây tươi tốt”.
Đồng chí Trần Hiệu là người quán triệt sâu sắc tư tưởng của Lê Nin và đồng chí Lê Duẩn về quan điểm tăng cường pháp chế XHCN và đấu tranh chống tội phạm phải gắn chặt với công tác phòng ngừa. Vào những năm sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, trong lúc đó chúng ta chưa có Bộ luật hình sự và Bộ luật tố tụng hình sự, đồng chí Trần Hiệu đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Công an để đấu tranh phòng ngừa tội phạm, vi phạm.
Tôi còn nhớ một lần tháp tùng anh Hạ Bá Đoàn lên báo cáo đồng chí Trần Hiệu về dự thảo Kế hoạch phân loại, xử lý ở cấp huyện. Nghe anh Hạ Bá Đoàn báo cáo xong, đồng chí Trần Hiệu chỉ đạo, kế hoạch này cần làm rõ 4 nội dung: VKS cấp huyện phối hợp cùng Cơ quan Công an cấp huyện tiến hành phân loại, xử lý các vụ phạm pháp do cấp huyện thụ lý; kết hợp phân loại xử lý với áp dụng thủ tục án rút gọn; góp phần làm giảm tình trạng trẻ em hư và nâng cao chất lượng kiểm sát việc bắt, tạm giữ ở cấp huyện. Sau khi Vụ 2B chỉnh sửa theo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Hiệu, Kế hoạch số 05/KSTA được ký vào ngày 25/06/1975.
Chúng tôi đã học được nhiều điều từ lần làm việc này với đồng chí Trần Hiệu. Mặc dù dự thảo Kế hoạch đã được anh Hạ Bá Đoàn chữa rất kỹ nhưng sau khi nghe cấp dưới báo cáo, đồng chí Trần Hiệu tiếp tục chỉnh sửa thêm lần nữa với nhiều điểm mới về nội dung và hình thức. Đồng chí đã chỉ ra cho chúng tôi những quan điểm mới của ngành Kiểm sát về chống tội phạm phải gắn liền với phòng ngừa, nhất là đối với công tác kiểm sát cấp huyện cũng như tính lôgic và ngôn từ của một văn bản hướng dẫn. Chúng tôi càng thấy ông không chỉ là người giỏi về chính trị, quân sự mà còn là người am hiểu sâu sắc chuyện viết lách, văn chương.
Cuối năm 1975, tôi được chuyển về ở cùng nhà tập thể với đồng chí Trần Hiệu tại 50 Trần Nhân Tông, Hà Nội. Đây là căn nhà biệt thự ba tầng được phân cho cán bộ VKSNDTC. Tầng 1 được phân cho các gia đình trong cơ quan. Gia đình đồng chí Trần Hiệu ở tầng 2. Còn anh em độc thân chúng tôi ở tầng ba. Những ngày sống chung cùng nhà tập thể với đồng chí Trần Hiệu, tôi càng thấy đồng chí là người rất kín đáo, cực kỳ liêm khiết. Suốt cuộc đời làm Phó Viện trưởng VKSNDTC, đồng chí và gia đình vẫn ở tại tầng 2, căn nhà tập thể rất giản dị này.
Gia đình đồng chí Trần Hiệu cũng như các con cháu của đồng chí rất chịu khó học tập và có thái độ niềm nở với mọi người trong khu tập thể. Trong những căn phòng được phân cho đồng chí Trần Hiệu, ngoài vợ chồng hai bác Trần Hiệu, còn có gia đình con trai cả bác Trần Hiệu là Vũ Mạnh Kha, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Gia đình con trai thứ nhì của bác Trần Hiệu là Vũ Khởi Nghĩa, phi công lái Mig 21 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau này, Vũ Khởi Nghĩa trở thành Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không - Không quân. Con gái út của bác là Vũ Thị Đức, nguyên là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Những ngày ở trong ngôi nhà này, tôi được gặp bác Trần Hiệu nhiều hơn. Tôi thấy căn phòng của bác Trần Hiệu luôn có bạn bè từ trong Nam ra thăm. Hỏi ra mới biết, đó là những chiến sĩ tình báo huyền thoại đã một thời là đồng đội của bác như: Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Đinh Thị Vân…
Đồng chí mất ngày 9 tháng 11 năm 1997 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 84 tuổi. Đồng chí Trần Hiệu của chúng ta không còn nữa. Nhưng những cống hiến to lớn cho ngành tình báo Quân đội, những kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát nhân dân của đồng chí vẫn sống mãi trong lòng những thế hệ sau. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, chúng ta càng tự hào, vinh hạnh biết bao khi Ngành có những bậc tiền bối lão thành, tài ba, đức độ như đồng chí Trần Hiệu và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC đầu tiên. Đây không chỉ là những nhà cách mạng tiền bối, là thế hệ vàng, là trợ thủ đắc lực cho Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân là đồng chí Hoàng Quốc Việt, mà những quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển ngành Kiểm sát từ khi thành lập đến nay của các đồng chí còn được các thế hệ sau này kế thừa và phát triển. Điều đáng trân trọng nữa là, những di sản về đạo đức, tác phong, sự liêm khiết và lòng nhiệt huyết trong xây dựng ngành Kiểm sát vẫn là tấm gương sáng để thế hệ cán bộ Kiểm sát ngày nay học tập và noi theo.
TS. DƯƠNG THANH BIỂU
(Nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC)