(BVPL) - Ngày 5/6/2015, tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XIII, phiên thảo luận tại Hội trường về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã nói lời xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan. Trước lời phát biểu xin lỗi chân thành và đầy trách nhiệm của người đứng đầu ngành Kiểm sát trước nỗi đau của người dân… dư luận đánh giá cao những chuyển biến thực sự trong công tác của ngành Kiểm sát. Phóng viên báo Bảo vệ pháp luật phỏng vấn đồng chí Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC về vấn đề này.
 
PV: Vừa qua, tại buổi thảo luận ở hội trường của Quốc hội về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật của các cơ quan bảo vệ pháp luật… Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu: “Dẫu còn 1 vụ oan thì chúng tôi cũng đau như nhân dân… Thay mặt lãnh đạo Ngành, tôi xin lỗi những người bị oan và gia đình người bị oan, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất những vụ oan sai”. Vậy ông có bình luận gì về điều này?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Lời xin lỗi của Viện trưởng VKSNDTC trước Quốc hội về tình trạng oan sai đã được cử tri cả nước đánh giá cao trên các phương diện sau đây:
 
Thứ nhất: Lời xin lỗi đó thể hiện thái độ khiêm tốn, cầu thị, trách nhiệm trước nhân dân. 
 
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Lời xin lỗi của Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã quán triệt lời dạy của Bác Hồ về đức tính khiêm tốn. Đức tính khiêm tốn thể hiện ở sự thông cảm, day dứt về những nỗi đau của những người bị oan. Nhân dân ta vốn có lòng vị tha rất lớn nên khi nghe người đứng đầu một ngành nhận trách nhiệm về lỗi của mình, “coi nỗi đau của người bị oan như nỗi đau của chính mình, là nỗi đau chung của ngành Kiểm sát nhân dân” thì càng khích lệ lòng vị tha hơn, thông cảm hơn trước tình trạng oan sai đã xảy ra. Đồng thời, cử tri cũng bày tỏ lòng khâm phục và đánh giá cao về đức tính khiêm tốn, cầu thị, tôn trọng nhân dân của Viện trưởng VKSNDTC. 
 
Đảng, nhà nước và nhân dân ta đã tin tưởng giao phó cho ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng: Thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thì mỗi cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát càng phải nêu cao đức tính “khiêm tốn” như Bác Hồ đã dạy cán bộ công chức ngành Kiểm sát để sẵn sàng nhận lỗi trước nhân dân khi có thiếu sót, sai lầm. 
 
Thứ hai: Lời nhận lỗi trước nhân dân là thể hiện bản lĩnh, đạo đức của người cán bộ trước những thiếu sót, sai lầm để xảy ra các trường hợp oan. 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc nhận khuyết điểm và sửa chữa khuyết điểm, coi đó là tư cách, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Bác dạy: Quá trình hoạt động cách mạng, cán bộ ta không tránh khỏi khuyết điểm. Nhưng điều quan trọng là có nhận biết những thiếu sót, sai lầm đó để quyết tâm khắc phục hay không. Bác căn dặn: “Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi” và “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”; “Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ”. 
 
Như vậy, nhận ra khuyết điểm, sai lầm để khắc phục là phẩm chất, đạo đức vô cùng quan trọng của cán bộ, đảng viên nói chung và của ngành Kiểm sát nói riêng. Nhận khuyết điểm trước tổ chức, nhất là thay mặt một Ngành để nhận lỗi trước nhân dân là thể hiện bản lĩnh, quyết tâm dũng cảm nhìn đúng sự thật, nói đúng sự thật của người cán bộ đảng viên. Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, việc nhận lỗi trước nhân dân càng phải được coi trọng và đề cao. Cho nên cử tri rất hoan nghênh về thái độ nhận lỗi của Viện trưởng VKSNDTC trước Quốc hội về những trường hợp để xảy ra oan vừa qua. 
 
Thứ ba: Nhận khuyết điểm, sai lầm là phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhưng quan trọng hơn là quyết tâm khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, sai lầm.
 
Bác Hồ đã căn dặn cán bộ đảng viên: “Chúng ta kiên quyết sửa chữa thì nhất định sửa chữa được khuyết điểm, khắc phục được khó khăn, phát huy được thành tích”. Trong lời xin lỗi, Viện trưởng VKSNDTC đã hứa với nhân dân là “chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hạn chế thấp nhất những vụ oan sai”. Đây là quyết tâm chính trị rất cao của ngành Kiểm sát trong việc khắc phục những oan sai trong tố tụng hình sự. Cử tri rất hài lòng về quyết tâm của ngành Kiểm sát trong việc khắc phục tình hình oan sai đã xảy ra. Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị của Viện trưởng VKSNDTC, tình hình oan sai sẽ được khắc phục.
 
PV: Thưa ông, phương pháp khắc phục tình trạng oan sai trong ngành Kiểm sát nhân dân sẽ như thế nào?
 
TS. Dương Thanh Biểu: Hiện nay, VKSND các cấp đang tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế, tiến tới loại bỏ các trường hợp oan sai trong tố tụng hình sự. Khi xảy ra oan sai, VKSND các cấp đã tích cực áp dụng các biện pháp để khắc phục, trả lại quyền lợi cho người bị oan. 
 
Từ lời xin lỗi của Viện trưởng VKSNDTC, cử tri tin tưởng và mong muốn, rồi đây, việc xin lỗi cần được thực hiện thường xuyên trong các cơ quan công quyền nói chung và ở VKSND các cấp nói riêng. Tôi thiết nghĩ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSNDTC và Viện trưởng VKSND các địa phương, VKS quân sự các cấp, khẩn trương rà soát các trường hợp có khiếu nại oan để khẩn trương xác minh, kết luận, giải quyết. Khi phát hiện trường hợp oan thì phải có biện pháp khắc phục ngay. Nếu có căn cứ kết luận công dân nào bị oan thì tiến hành xin lỗi và thực hiện việc bồi thường cho người bị oan càng nhanh càng tốt, không được để kéo dài. 
 
Để làm được điều này, mỗi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp như Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên… phải có quyết tâm rất cao, đổi mới về thái độ, cầu thị để nhận ra khuyết điểm đã gây ra oan cho công dân. Đồng thời, có biện pháp hữu hiệu nhằm khắc phục và tiến hành xin lỗi người dân. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với các cấp kiểm sát là phải nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm, thái độ cầu thị và quyết tâm khắc phục khuyết điểm. 
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
PV