Tội phạm thuộc thẩm quyền xảy ra trong hoạt động tư pháp diễn biến phức tạp 

Cơ quan điều tra VKSND tối cao là một trong ba Cơ quan điều tra chuyên trách theo quy định của Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015. Từ ngày 1/1/2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao ngoài thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, còn có thẩm quyền điều tra tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp, khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân. Đây là loại tội phạm  có tác động lớn tới dư luận xã hội và niềm tin của nhân dân đối với hoạt động tư pháp, nhưng việc phát hiện, chứng minh rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải thận trọng, trí tuệ, bản lĩnh mới đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả. 

Năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã tiếp nhận và thu thập mới thông tin vi phạm, tội phạm liên quan đến hoạt động tư pháp tăng 12,5% so với năm 2017; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 91,6% (vượt 1,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội); khởi tố, thụ lý điều tra tăng 11,8% về số vụ, tăng 34% về số bị can so với năm 2017; trong đó án tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp chiếm 66,7%.

Kết quả điều tra bảo đảm không có vụ án bị đình chỉ do không phạm tội hoặc Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; tỷ lệ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung thấp. Đặc biệt, Cơ quan điều tra đã tập trung điều tra mở rộng các vụ án, nhất là các vụ án phức tạp, nhiều tội danh hoặc có đồng phạm; tập trung vào các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, đã khởi tố, bắt tạm giam bị can nguyên là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên và các chức danh tư pháp khác, tăng 92,3% so với năm 2017.

Điển hình là một số tội phạm, như: Tội “Nhận hối lộ” chiếm 22,8% tổng số án thụ lý, tăng 116,7% về số vụ; Tội “Tham ô tài sản”: chiếm 12,3% tổng số án thụ lý, tăng 88,9% về số bị can; Tội “Dùng nhục hình”: chiếm 8,8% tổng số án thụ lý, tăng 37,5% về số bị can so với năm 2017. 

leftcenterrightdel
Lãnh đạo VKSND tối cao chứng kiến lễ ký Quy chế phối hợp của Cơ quan điều tra với các đơn vị trong ngành Kiểm sát. Ảnh: P.V 

Điển hình, đã khởi tố đối với Trịnh Thị Huyền, nguyên Kiểm sát viên VKSND thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; khởi tố đối với Lê Thị Bích Anh, nguyên Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội về tội Nhận hối lộ. Kết quả điều tra xác định, trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án hình sự đã nhận tiền nhằm làm giảm nhẹ tội cho bị can.  

Ngày 23/7/2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Phúc, nguyên là Thư ký Tòa án nhân dân huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, bị khởi tố về tội “Giả mạo trong công tác” quy định tại Điều 284 Bộ luật hình sự năm 1999. Quá trình điều tra đã phát hiện: Trong thời gian làm Thư ký tại Tòa án nhân dân huyện, Nguyễn Văn Phúc đã nhiều lần tự ý tiếp nhận hồ sơ xin ly hôn và yêu cầu các đương sự phải đưa tiền để làm thủ tục ly hôn nhanh. Sau khi nhận tiền, Nguyễn Văn Phúc đã làm giả quyết định công nhận thuận tình ly hôn để cấp cho các đương sự. Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Về  tội “Tham ô tài sản”, Cơ quan điều tra đã khởi tố bị can nguyên là kế toán thuộc Chi cục THADS thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tham ô công quỹ. Bước đầu điều tra, xác định bị can đã lợi dụng chức vụ được giao quản lý, lập khống chứng từ, nhiều lần chuyển số tiền từ tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Chi cục THADS TP Việt Trì đến nhiều tài khoản của bạn bè, sau đó rút số tiền nêu trên ra chiếm đoạt cá nhân. Hoặc Cơ quan điều tra đã khởi tố đối với Trịnh Trọng Trung, nguyên Thủ kho vật chứng, Phó Văn phòng Cục THADS thành phố Hà Nội tham ô tài sản là vật chứng gồm xì gà và 1 số thiết bị điện tử … mang ra ngoài bán.

Trong năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng đã thụ lý nhiều vụ án về tội “Dùng nhục hình”. Ngày 13/9/2018,  Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận mở phiên xét xử sơ thẩm công khai vụ án Dùng nhục hình gây chết người đối với 5 bị cáo nguyên là cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, xác định trong thời gian bị can Võ Tấn Minh (Ninh Thuận) bị khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy” và bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận thì bị một số người nguyên là cán bộ, chiến sỹ Công an thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đánh, dẫn đến tử vong…

leftcenterrightdel
Cơ quan điều tra VKSND tối cao đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ tặng đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua. Ảnh: P.V 

Bên cạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tội phạm; Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chú trọng kiến nghị khắc phục, phòng ngừa, đã ban hành 101 bản kiến nghị, tăng 12,2% so với năm 2017; đặc biệt đã  có 03 kiến nghị tổng hợp đến Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Tư pháp để chỉ đạo chấn chỉnh khắc phục và phòng ngừa chung.

Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao 

Năm 2018, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chú trọng xây dựng thể chế, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc thực hiện thẩm quyền mới tăng thêm, như: Tham mưu với Lãnh đạo VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến trong toàn Ngành KSND ngày 21/6/2018 đến hơn 800 điểm cầu trong Ngành về Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Vừa qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ký Quy định phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với 11 đơn vị trong ngành Kiểm sát. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Ngành trong việc nắm đầy đủ, kịp thời thông tin vi phạm, tội phạm và hỗ trợ Cơ quan điều tra trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, Cơ quan điều tra tiếp tục tham mưu với Lãnh đạo VKSND tối cao xây dựng và ký Quy chế phối hợp với Bộ Quốc phòng trong công tác tạm giữ, tạm giam, giám định và điều tra kỹ thuật hình sự; Tham mưu xây dựng Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; Hoàn thiện Đề án “Tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao”, đề xuất có cơ chế đặc thù cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhằm tiếp tục phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu công tác trong năm 2019 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Cơ quan điều tra VKSND tối cao thời gian qua, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo: Năm 2019, Cơ quan điều tra tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thiếu sót. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện thể chế; nâng cao chất lượng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; chủ động phát hiện, đấu tranh phòng chống tội phạm thuộc thẩm quyền, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Trong thời gian tới, Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ phát huy sức mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của cơ quan công tố, thực hiện tốt vai trò, chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm.


Trần Tâm