(BVPL) - Vừa qua tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt VKSNDTC về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và công tác 6 tháng cuối năm 2014.
Tham dự buổi làm việc, về phía VKSNDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC và các đồng chí Phó Viện trưởng VKSNDTC: Trần Phước Tới, Lê Hữu Thể, Trần Công Phàn, Nguyễn Hải Phong, Bùi Mạnh Cường. Cùng dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam…
|
Toàn cảnh buổi làm việc |
Báo cáo của VKSNDTC do Viện trưởng VKSNDTC trình bày cho thấy, 6 tháng đầu năm 2014, tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ án về tội phạm sở hữu, quản lý kinh tế, chức vụ tăng, tuy nhiên một số loại tội phạm khác có xu hướng giảm như tội phạm tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về ma túy… Các tranh chấp về dân sự, các vụ án hành chính tiếp tục gia tăng; khiếu kiện hành chính vẫn diễn biến phức tạp, chủ yếu là về vấn đề thu hồi đất đai và đền bù giải phóng mặt bằng. Trong bối cảnh đó, ngành Kiểm sát đã tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; tỉ lệ giải quyết tố giác, tin báo của cơ quan chức năng đạt 81,2%; các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được kiểm sát 100%... Ngành Kiểm sát tiếp tục hoàn thành tốt 4/4 chỉ tiêu nghiệp vụ Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội giao. Hoạt động của Cơ quan điều tra VKSNDTC ngày càng hiệu quả hơn, đã khởi tố điều tra một số vụ án được dư luận quan tâm, đồng tình, góp phần quan trọng vào việc ngăn chặn, hạn chế vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, ngành KSND cũng tích cực triển khai thi hành Hiến pháp mới; triển khai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp; đổi mới công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo của Ngành; tập trung đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng Dự án luật Luật tổ chức VKSND (sửa đổi), Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; kịp thời chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng và những vụ án oan sai…
|
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành Kiểm sát đạt được trong 6 tháng qua đồng thời cho rằng trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, trong đó là sự gia tăng của tội phạm sở hữu, quản lý kinh tế, chức vụ đặc biệt tội phạm tham nhũng, ma túy tuy có giảm số vụ nhưng tính chất và quy mô lại lớn hơn và tinh vi hơn nhiều, điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị và các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đó có VKSND phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Cùng với việc khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra như công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của một số đơn vị chưa chặt chẽ, nhiều thông tin về tội phạm chậm được xử lý theo đúng quy định pháp luật; việc điều tra, xử lý một số vụ án về kinh tế và tham nhũng còn để kéo dài; chất lượng tranh tụng của một số Kiểm sát viên tại phiên tòa chưa đáp ứng được yêu cầu… Chủ tịch nước cho rằng, để đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm thì ngành Kiểm sát cần đặc biệt lưu tâm đến những thông tin tố giác, phát hiện của nhân dân; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan liên quan; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa… Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành Kiểm sát tiếp tục tập trung thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết số 37 và Nghị quyết số 63 của Quốc hội; phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan xử lý hiệu quả các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Thêm vào đó, ngành Kiểm sát cần phải tích cực hơn nữa trong việc hoàn thiện pháp luật theo Hiến pháp mới, tiếp tục rà soát các quy định, phối hợp với các bộ ngành làm rõ những vướng mắc kể cả về lý luận và thực tiễn để sớm thông qua được các đề án, dự án luật tạo hành lang pháp lý cho công tác thực thi pháp luật hiệu quả để từ đó góp phần phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Văn Tình