(BVPL) - Hiến pháp năm 1992 đã ghi rõ: Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (Điều 2); nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân là các cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân (Điều 6); Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập Hiến và lập pháp (Điều 83). Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (Điều 4).
 


Những nội dung cơ bản, thể hiện bản chất của Nhà nước ta và mang tính nguyên tắc nói trên là bất di bất dịch, được tiếp tục thể hiện trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (cho dù có sửa đổi đôi chút về câu chữ diễn đạt). Với bản chất như trên, Hiến pháp là đạo luật gốc, là nền tảng chính trị, pháp lý của xã hội. Hiến pháp là văn kiện ghi lại những “thoả thuận” của nhân dân với Nhà nước, trao cho Nhà nước những quyền hạn và trách nhiệm trong việc thực thi và tổ chức thực thi quyền lực nhà nước (thuộc về nhân dân). Trên phương diện này, trước hết, Hiến pháp là đạo luật của nhân dân, thể hiện đầy đủ ý chí của nhân dân trong tất cả các lĩnh vực của Nhà nước và  xã hội. Tất cả những gì thuộc về nhân dân phải được thể hiện ở vị trí cao nhất. Xuất phát từ cơ sở này, chúng tôi cho rằng, một số qui định của Hiến pháp 1992 cần sửa đổi, bổ sung  cụ thể như sau:

Trước hết, trong Lời nói đầu, đoạn 2 nên được sửa đổi như sau: “Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, làm Cách mạng Tháng Tám thành công..” (đoạn còn lại như trong dự thảo). Quy định như trên, một mặt vẫn khẳng định được Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân...là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, khẳng định vai trò của Đảng ta từ năm 1930 cho đến nay đối với mọi thành công của cách mạng Việt Nam; mặt khác, đảm bảo được tính chặt chẽ, lôgíc về kỹ thuật lập pháp.

Thứ hai, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng và khẳng định vai trò to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc đối với thắng lợi của cách mạng khi Người nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”. Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lịch sử cách mạng nước ta từ khi có Đảng lãnh đạo cho đến nay đã khẳng định chân lý này. Vì vậy, Hiến pháp cần khẳng định vai trò to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc trong bản chất của Nhà nước ta. Điều 2 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 nên sửa lại như sau: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức”.

Thứ ba, bên cạnh các thiết chế tổ chức bộ máy Nhà nước để thực hiện quyền lực Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khẳng định mình xứng đáng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, có vai trò to lớn trong các mặt của đời sống chính trị, xã hội. Do vậy, Điều 9 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần sửa đổi theo hướng khẳng định MTTQ Việt Nam là một bộ phận của hệ thống chính trị (khoản 1). Nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam hoạt động (khoản 3).

Thứ tư, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá tham nhũng là quốc nạn. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ. Phòng chống tham nhũng là trách nhiệm của mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức; nhưng chúng tôi cho rằng phòng chống tham nhũng trước hết là trách nhiệm của Nhà nước. Nhà nước phải chủ trương và tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng. Trong quan hệ với nhau, phòng chống tham nhũng phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nhưng nếu xét theo thứ tự ưu tiên thì phòng chống tham nhũng phải đặt lên hàng đầu. Vì vậy, Điều 60 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần sửa theo hướng ghi rõ trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực này, cụ thể như sau: “Nhà nước chủ trương và có trách nhiệm tổ chức phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.
 

 

.