Vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nhiệm kỳ 2011-2016 đã tổ chức Phiên họp thứ sáu để xem xét, cho ý kiến về các Đề án của Ban cán sự đảng TANDTC, Ban cán sự đảng VKSNDTC về tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành TAND và VKSND. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp. Dự Phiên họp thứ sáu có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Lãnh đạo các bộ, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo.  
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp.


Theo Thường trực Ban Chỉ đạo thì các đề án của TANDTC, VKSNDTC đã được chuẩn bị trên cơ sở tổng kết 10 năm thi hành Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND (2002-2011), khảo sát, thu thập thông tin từ TAND, VKSND các cấp để đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ và tham khảo kinh nghiệm nước ngoài; cung cấp nhiều thông tin chi tiết về kết quả cũng như tồn tại, hạn chế trên các mặt công tác này. Đồng thời, các cơ quan cũng đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài ngành, các cơ quan hữu quan, thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập.

 

Hai cơ  quan TANDTC và VKSNDTC cũng đã có sự phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong việc xây dựng các đề án này. Đánh giá về các đề án của TANDTC và VKSNDTC, Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, nhìn chung, các đề án đã được chuẩn bị tương đối công phu, nghiêm túc và cơ bản đã tuân thủ quy trình xây dựng đề án. Các nội dung của đề án được đề cập tương đối toàn diện, bao gồm cả về mục tiêu, quan điểm xây dựng đề án; đánh giá thực trạng tình hình, những khó khăn, vướng mắc, bất cập; các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.     

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo và các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về những nội dung như: việc xây dựng trụ sở; đầu tư phương tiện, điều kiện làm việc cho TAND, VKSND; việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của TAND, VKSND; về tăng cường đội ngũ cán bộ; về ngạch Thẩm phán, Kiểm sát viên; cơ chế tuyển chọn; thẩm quyền bổ nhiệm, nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, Kiểm sát viên; về chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức ngành Tòa án, Kiểm sát…


Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, việc xây dựng đề án về tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ cho ngành TAND và VKSND là thực sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay, qua đó đảm bảo hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Đây là những đề án quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực, do đó, để các đề án được các cơ quan có thẩm quyền quyết định, phê duyệt làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật và thực hiện những nhiệm vụ cải cách tư pháp thì những nội dung trong các đề án cần phải được cân nhắc, tính toán kỹ, có bước đi và lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của nước ta.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, trước mắt, hai ngành Tòa án và Kiểm sát cần sớm hoàn thành đề án về Tòa án khu vực và VKS khu vực trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến trên cơ sở đó mới tiếp tục tính toán về cơ sở hạ tầng, nhân lực một cách tổng thể. Đối với những nội dung của các đề án còn có ý kiến khác nhau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang giao hai ngành Tòa án và Kiểm sát tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 

Tin và ảnh: Văn Tình

.