Phòng, chống tội ở mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực
Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 ngành KSND xác định các nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm. Xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng;
Bên cạnh đó, tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự. Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật TTHS trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã.
Đồng thời, nâng cao chất lượng và quản lý chặt chẽ việc thực hiện 9 chuyên đề nghiệp vụ cơ bản. Chủ động lựa chọn các chuyên đề, khâu công tác phòng, chống tội phạm còn hạn chế, yếu kém để tổ chức kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng thực hiện các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong dịp tổ chức các ngày lễ, những sự kiện chính trị, xã hội lớn. Nâng cao chất lượng giải quyết nguồn tin về tội phạm và công tác điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội, như: Tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm giết người, tội phạm cố ý gây thương tích, tội phạm mua bán người, tội phạm về ma tuý, tội phạm vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tội phạm trên không gian mạng,...
|
|
Quang cảnh phiên Toà xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. (Ảnh minh hoạ) |
Phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng chức vụ, bao che, dung tung, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là ở các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư công, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh... Tăng cường công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; quyết liệt hơn trong áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải góp phần xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, nghiêm minh
Kế hoạch cũng nêu rõ, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28/6/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Quan tâm bảo vệ quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án, nhất là quyền con người; bảo đảm hoạt động giữ, giam, bắt buộc chữa bệnh và thi hành án hình sự đúng pháp luật; thực hiện nghiêm, có hiệu quả trong công tác kiểm sát việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt đối với các đối tượng sử dụng trái phép chất ma tuý, đối tượng “ngáo đá”, người bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, sổ mới được đặc xá, tha tù,....
Cùng với đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong hoạt động điều tra, xác minh, giải quyết vụ án, vụ việc; quán triệt toàn đơn vị nhận thức rõ các yêu cầu chính trị, nghiệp vụ, pháp luật; nêu cao tính chủ động, tăng cường xây dựng mối quan hệ phối hợp trong và ngoài Ngành; góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp; cảnh tỉnh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật nhằm xây dựng hệ thống tư pháp liêm chính, nghiêm minh. Phối hợp xây dựng đội ngũ Giám định viên của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự VKSND tối cao bảo đảm đủ số lượng và chất lượng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác của Cơ quan điều tra.
Tiếp tục tham mưu kiện toàn tổ chức bộ máy Viện kiểm sát các cấp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Tham mưu thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng các quy chế về công tác cán bộ bảo đảm chặt chẽ, thể chế kịp thời, cụ thể các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của Ngành.
Mặt khác, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong ngành Kiểm sát nhân dân; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động xét xử; tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự có liên quan đến lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng không có người đứng ra bảo vệ theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII. Tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành; tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, xét xử các vụ án trọng điểm để giáo dục ý thức pháp luật, đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong nhân dân; thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ, về vị trí, vai trò của VKSND trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; lan toả đậm nét hơn nữa hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Đồng thời, chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, tham mưu xây dựng và ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự; phối hợp với các đơn vị trong Ngành để nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; thực hiện tốt vai trò đầu mối cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài.
Ngoài các nhiệm vụ và giải pháp, Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 138 ngành Kiểm sát nhân dân cũng đề cập các mục tiêu, yêu cầu. Trong đó nêu rõ, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “Nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Cùng với đó, xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành KSND; tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. |