(BVPL) - Từ năm 1960 đến năm 1975 là thời kỳ của quá trình hình thành hệ thống tổ chức Viện kiểm sát nhân dân các cấp ở miền Bắc. Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng năm 1960, Hiến pháp năm 1959, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 và các luật lệ hiện hành, kế thừa kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Viện Công tố, toàn ngành Kiểm sát vừa tiến hành củng cố, xây dựng lực lượng, tổ chức bộ máy, vừa thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong đấu tranh phòng chống tội phạm và các việc làm vi phạm pháp luật. Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp định hướng công tác kiểm sát gắn với việc phục vụ các nhiệm vụ chính trị, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. 
 
 
Theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, Viện kiểm sát thực hiện chức năng: “Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững. Mục đích của việc kiểm sát là bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, trật tự xã hội, tài sản công cộng và những quyền lợi hợp pháp của công dân, góp phần đảm bảo cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà được tiến hành thắng lợi” (Điều 1). 
 
Để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Điều 3 của Luật quy định Viện kiểm sát có 6 công tác sau: 
 
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các nghị quyết, quyết định, thông tư, chỉ thị của các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ và cơ quan nhà nước địa phương; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của nhân viên cơ quan nhà nước và công dân. 
- Điều tra những việc phạm pháp về hình sự và truy tố trước tòa án nhân dân những người phạm pháp về hình sự. 
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra của cơ quan công an và của các Cơ quan điều tra khác. 
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án. 
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giam giữ của các trại giam. 
- Khởi tố hoặc tham gia tố tụng trong những vụ án dân sự quan trọng liên quan đến lợi ích của Nhà nước và của nhân dân. 
 
Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức thành bốn cấp, gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương; Viện kiểm sát nhân dân các huyện, thành phố thuộc tỉnh, thị xã hoặc đơn vị hành chính tương đương; Viện kiểm sát nhân dân ở các Khu tự trị (Điều 4). Về cơ bản là tổ chức ba cấp Kiểm sát gắn với hành chính. Riêng Khu thì tổ chức Viện kiểm sát cấp Khu là cấp trên của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.
 
Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo theo ngành dọc. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các Viện kiểm sát nhân dân địa phương có quyền độc lập, các cơ quan nhà nước khác không được can thiệp. Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân cấp trên và sự lãnh đạo thống nhất của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Điều 6); Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Điều 8).
 
Về cơ cấu tổ chức, Viện kiểm sát nhân dân có Viện trưởng, một hoặc nhiều Phó Viện trưởng và các Kiểm sát viên. Ngoài thành phần trên đây, Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn có một số Kiểm sát viên dự khuyết. Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc các đơn vị hành chính tương đương, Viện kiểm sát nhân dân Khu tự trị, đều lập ra Ủy ban kiểm sát gồm, Viện trưởng, Phó Viện trưởng và một số Kiểm sát viên để giải quyết những vấn đề quan trọng trong công tác kiểm sát, dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng (Điều 7). Từ năm 1961 đến năm 1975 cũng là giai đoạn hình thành hệ thống tổ chức Viện kiểm sát quân sự các cấp. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 01/02/1963 Bộ Chính trị về công tác kiểm sát quy định “Công tác kiểm sát trong Quân đội do cơ quan Kiểm sát quân sự các cấp đảm nhiệm dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân uỷ Trung ương. Về mặt chuyên môn, hệ thống Kiểm sát quân sự chịu sự lãnh đạo về nghiệp vụ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Để tăng cường sự lãnh đạo công tác kiểm sát và thống nhất kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong và ngoài Quân đội, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương đồng thời giữ chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.  
 
Do tầm quan trọng của công tác kiểm sát, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền dân chủ của nhân dân, trong giai đoạn này, Bộ Chính trị và các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân cả về tổ chức và hoạt động. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kể từ khi thành lập đến năm 1976.
 
Ngày 01/02/1963, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về công tác kiểm sát nêu những định hướng quan trọng về tổ chức và hoạt động của ngành kiểm sát nhân dân, trong đó nhấn mạnh: Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân của ta là một trong những công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản, được tổ chức ra giữa lúc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc bắt đầu lấy việc xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm, đồng thời hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa. Ngành Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế xã hội chủ nghĩa được tôn trọng, do đó mà góp phần vào việc tăng cường chuyên chính đối với bọn phản cách mạng, bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân được tôn trọng; đồng thời cũng góp phần vào việc tăng cường kỷ luật xã hội trong quần chúng nhân dân. 
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 1966 vào tháng 3 năm 1967, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng về nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí nêu rõ: “Nhiệm vụ của ngành Kiểm sát trước hết là kiểm tra các cơ quan chính quyền và những người có quyền có làm đúng quyền và lạm quyền không, có vi phạm pháp luật không, có vi phạm quyền dân chủ của nhân dân không và kiểm sát xem nhân dân có phạm pháp không, nhưng phải hiểu phạm pháp đó như thế nào... Ngành Kiểm sát phải kiểm tra xem bắt giam người có đúng không, xét xử người có đúng không và trước hết phải kiểm tra xem những người có quyền hành có làm đúng pháp luật hay không... Ngành kiểm sát phải làm cho người ta biết ngăn ngừa trước hành động tham ô, chứ không phải chỉ kiểm tra khi tội đã xảy ra; Viện kiểm sát không những chỉ có nhiệm vụ phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà phải góp phần làm cho các cơ quan và nhân dân làm đúng pháp luật hơn...”.
 
Tháng 7 năm 1967, sau khi nghe Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác của ngành Kiểm sát nhân dân trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh nhiệm vụ thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân: “Công tố là một biện pháp chuyên chính trong bất cứ nhà nước nào. Không có cơ quan nhà nước nào có thể thay thế ngành kiểm sát để sử dụng quyền công tố. Bắt giam, điều tra, tha, truy tố, xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước hay không, điều đó chính là Viện kiểm sát phải trông nom, bảo đảm làm tốt...”. 
 
Xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, quán triệt các nghị quyết của Đảng, hoạt động của ngành Kiểm sát tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấn áp bọn phản cách mạng và bọn tội phạm. Khi chiến tranh phá hoại mở rộng ra miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Với mục tiêu hàng đầu là giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến, Viện kiểm sát các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Tòa án tập trung chống địch phá hoại, nghiêm trị bọn gián điệp, biệt kích và phản động, các loại tội phạm và vi phạm pháp luật gây cản trở việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chi viện cho tiền tuyến; đấu tranh khắc phục các biểu hiện buông lỏng kỷ luật thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Chống phá hoại kinh tế, làm tốt công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử để xử lý nghiêm khắc và kịp thời các phần tử phá hoại sản xuất, máy móc, thiết bị, kho tàng, tài sản của Nhà nước và tập thể, tích cực phục vụ cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế, tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu và cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp; bảo đảm chính sách hậu phương quân đội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân. Phương châm tiến hành công tác kiểm sát là vừa chống, vừa xây, lấy xây làm mục đích; vừa chống, vừa phòng ngừa vi phạm và tội phạm; vừa xây dựng, vừa chiến đấu; tranh thủ sự lãnh đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, dựa vào quần chúng, đoàn kết phối hợp tốt với các ngành. Nắm vững tình hình, gắn công tác kiểm sát với các cuộc vận động chính trị và sản xuất, khẩn trương, chủ động, linh hoạt, lấy ngăn ngừa phạm pháp là chính, kịp thời xử lý mọi việc phạm pháp./.
 
 
LẠI HỢP VIỆT
(Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế)