Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố, gửi cho các đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp và lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Nguyễn Viết Chức, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị rất công phu, bài bản, trí tuệ, dân chủ và cầu thị của Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Viết Chức nhất trí cao định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 trong Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Trong đó, định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030 tiếp tục khẳng định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.

Về nội dung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng: “Thành tựu của đất nước sau hơn 30 năm đổi mới có những bước phát triển có thể nói ngoạn mục cả về kinh tế - xã hội, chính trị.

Về mặt kinh tế, có thể vẫn có người chưa hài lòng, nhưng chúng ta đã có những bước phát triển thực sự về kinh tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Về chính trị, chúng ta đã và đang từng bước xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế của sự nghiệp đổi mới cũng như nhu cầu của đời sống nhân dân phần nào đó vẫn chưa đáp ứng được.

Trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đề cập đến việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước là rất đúng đắn và cần thiết.

Thực tế, muốn phát triển bền vững, muốn xây dựng được một xã hội công bằng dân chủ, văn minh, dân giàu, nước mạnh, không thể không xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tinh thần thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất sẽ là một động cơ mạnh mẽ giúp bộ máy nhà nước vận hành một cách trơn tru, từ đó có thể đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững”.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Viết Chức cho rằng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nội dung quan trọng trong thời kỳ đổi mới. 

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ hàng đầu cũng là nội dung quan trọng trong thời kỳ đổi mới.

Dự thảo văn kiện lần này quan tâm đến việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết. Bởi  vì, chỉ có nhà nước pháp quyền, chúng ta mới có thể đưa đất nước phát triển bền vững, hùng mạnh.

Hơn nữa, trong quá trình hội nhập và phát triển quốc tế sâu rộng như hiện nay thì việc xây dựng nhà nước pháp quyền rất cần thiết.

Hội nhập trên cơ sở pháp luật, hệ thống pháp luật phải tương thích, đáp ứng được yêu cầu đời sống hiện đại không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Bởi vậy, việc xây dựng nhà nước pháp quyền phải được đặt lên hàng đầu”.

Về tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, ông Nguyễn Viết Chức phân tích: “Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói,  phải công khai, minh bạch, phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".  

Có nhà nước pháp quyền, có Đảng trong sạch, vững mạnh thì mới "nhốt được quyền lực". Nếu không thì chỗ này lạm quyền, chỗ kia cũng lạm quyền, ông làm to lạm quyền to, ông làm nhỏ lạm quyền nhỏ. Như thế làm sao có pháp quyền được, có thượng tôn pháp luật được.

Chỉ có xây dựng nhà nước pháp quyền sẽ hạn chế được vấn đề lạm quyền. Mặt khác, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì lạm quyền không còn tồn tại. Làm được như vậy thì chức trách đến đâu, quyền hạn đến đó và đặt mục tiêu phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước giàu mạnh lên trên hết. Đất nước sẽ phát triển giàu mạnh, bền vững”.

leftcenterrightdel
 Nhiều tuyến phố tại Thủ đô trang hoàng cờ hoa rực rỡ chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.                                                Ảnh: CTV

Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng: “Đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng cũng nằm trong mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền. Vì sao nói như vậy, khi nhà nước pháp quyền mạnh thì nhất định tham nhũng sẽ bị đẩy lùi.

Tình trạng tham nhũng vẫn xảy ra vì không thượng tôn pháp luật. Anh không xem nhà nước là của dân, do dân, vì dân thì anh mới đục khoét, vun vén cho lợi ích cá nhân.

Nếu anh nhận thức nhà nước của dân, do dân, vì dân thì anh sẽ không tham nhũng. Nhà nước pháp quyền, tại sao anh lại vi phạm pháp luật, là cán bộ, người hiểu pháp luật lại vi phạm thì không thể chấp nhận được.

Xây dựng nhà nước pháp quyền cũng là để đấu tranh chống lại tham nhũng, sai trái và không có vùng cấm với bất kỳ cán bộ, đảng viên nào vi phạm. Cán bộ là lực lượng tiên phong, tốt nhất của Đảng, của nhân dân nhưng lại làm những việc sai trái.

Mục tiêu đặt ra,  việc xây dựng nhà nước pháp quyền trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết. Trong thời đại ngày nay, tinh thần thượng tôn pháp luật như một chuẩn mực của một xã hội hiện đại, công dân hiện đại, công dân toàn cầu”.

Cũng theo ông Nguyễn Viết Chức, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương có tiến bộ, nhưng vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong  công tác phòng, chống tham nhũng.

Tình trạng tham nhũng vặt vẫn còn gây ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Bởi vậy, thời gian tới làm sao phải tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên.

Trần Vũ