Theo báo cáo Thủ tướng Chính phủ của Bộ GTVT về việc kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô ở 63 địa phương, các Đoàn kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2,36 tỷ đồng...
Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 23/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ GTVT đã có Nghị quyết; Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định thành lập 7 Đoàn kiểm tra do các Thứ trưởng làm Trưởng đoàn tiến hành kiểm tra công tác quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, Công tác kiểm tra được thực hiện thành hai đợt, đợt 1 kiểm tra 21 tỉnh (từ tháng 7/2013 đến tháng 9/2013), đợt 2 kiểm tra 42 tỉnh (từ tháng 9/2013 đến tháng 4/2014), nhằm đánh giá toàn diện việc triển khai và tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước về vận tải đường bộ của các địa phương, việc chấp hành pháp luật về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của đơn vị vận tải; Đoàn kiểm tra tập trung kiểm tra Sở GTVT, một số đơn vị kinh doanh vận tải thuộc các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã.
Theo báo cáo, tại các địa phương, các Đoàn đã kiểm tra công tác quản lý nhà nước về vận tải và việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của 350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải (tuyến cố định, taxi, công- ten-nơ), trong đó kiểm tra 112 Hợp tác xã vận tải (chiếm 32,09% số đơn vị được kiểm tra); số lượng phương tiện được kiểm tra là 11.976 xe ô tô.
|
350/1.919 đơn vị kinh doanh vận tải phải thanh tra về kinh doanh, và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. |
Trong quá trình điều tra, các Đoàn kiểm tra đã phát hiện, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với 636 lỗi vi phạm, tổng số tiền xử phạt trên 2,36 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý nhiều vi phạm khác, cụ thể: có 53/350 đơn vị bị thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (chiếm 15,14% tổng số đơn vị được kiểm tra); có 113/350 đơn vị bị tước quyền sử dụng giấy phép cho đến khi khắc phục xong tồn tại (chiếm 32,28%); có 1.370 phương tiện bị thu hồi phù hiệu, sổ nhật trình; thu hồi 134 chấp thuận khai thác tuyến.
Tại thời điểm kiểm tra, công tác quản lý và việc chấp hành các quy định pháp luật về vận tải đường bộ còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương còn buông lỏng, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vận tải đường bộ tại địa phương; một số địa phương việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ đạt tỉ lệ thấp…
Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động kinh doanh, một số đơn vị không có người trực tiếp điều hành kinh doanh vận tải (7/350 đơn vị) hoặc có người điều hành nhưng không đủ điều kiện theo quy định (68/350 đơn vị); nơi đỗ xe, công tác sửa chữa bảo dưỡng phương tiện chưa được quan tâm; nhiều đơn vị không quan tâm đến bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về ATGT; nhiều đơn vị không quản lý, sử dụng phương tiện để thực hiện kinh doanh vận tải.
|
Các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vận tải vi phạm. |
Từ kết quả điều tra đạt được, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban ATGT Quốc gia tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các Bộ, ban, ngành là thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia và các địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm mục tiêu “Siết chặt quản lý vận tải và tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện” được duy trì thường xuyên, liên tục.
Bộ GTVT cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm đối với phương tiện vận tải chạy quá tốc độ, lấn làn đường, lái xe sử dụng chất kích thích, chất ma túy. Và tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về GTVT; tổ chức các cuộc thi, hội thi như: “Vô lăng vàng”, “Doanh nghiệp vận tải an toàn”, “Lái xe an toàn”.
Theo PLO