Xảy ra 331.390 vụ tai nạn giao thông, làm chết 100.227 người
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người (chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người, gây thiệt hại rất lớn về tài sản,; so với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao (trong đó nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ).
Cùng với đó, ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm.
Ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị loại 1, đặc biệt là trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên phức tạp, thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian; ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân; tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Mặt khác, ý thức chấp hành của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất kém, đã phát hiện, xử lý 57.683.830 trường hợp vi phạm; vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ… Trong đó, một trong những nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
|
|
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện nhiều vi phạm. (Ảnh minh hoạ) |
Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, như gây rối, đánh nhau, trộm, cướp, vận chuyển ma túy, hàng giả, buôn lậu…, đã phát hiện, xử lý gần 6.000 vụ phạm pháp hình sự trên tuyến giao thông. Dự báo trong thời gian tới, khủng bố, biểu tình trái pháp luật, lợi dụng hoạt động giao thông để gây rối an ninh, trật tự và phạm tội có nguy cơ thường trực trên các tuyến giao thông đường bộ.
Cả nước có trên 67 triệu ô tô, mô tô được đăng ký, quản lý
Cũng theo thống kê của Bộ Công an, tổng số ô tô, mô tô trên cả nước đang được đăng ký, quản lý là 67.326.706 xe, trong đó: Ô tô 5.458.535 xe, mô tô 61.868.171 xe. Với 96,2 triệu dân năm 2019, mật độ phương tiện giao thông ở Việt Nam là 726 phương tiện/1000 người. Tỷ lệ ô tô cá nhân/1000 người dân ở nước ta ở mức trung bình thấp so với các nước nhưng đã bất cập với hạ tầng giao thông.
Phương tiện giao thông tăng nhanh (so sánh năm 2019 với năm 2009: ô tô đăng ký mới tăng 209.843 xe, tăng 110%; mô tô đăng ký mới tăng 913.890 xe, tăng 34%), bình quân tăng từ 10-15%/năm, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, tập trung tại các đô thị lớn; thực trạng tham gia giao thông ở Việt Nam hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện cơ giới, thô sơ... đa dạng về chủng loại, nơi sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, trong đó chủ yếu là xe cá nhân, nhiều phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông; nhiều phương tiện đã được mua, bán, cho, tặng qua nhiều chủ nhưng chưa làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Công an cho biết, xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, thiết lập và duy trì trật tự, an toàn trong lĩnh vực giao thông đường bộ, giải quyết được những nguyên nhân cơ bản, sâu xa của thực trạng tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giảm ùn tắc giao thông gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến Nhân dân gồm 8 chương, 93 điều, quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. |