Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với các địa phương, từng nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đặt các làn thu phí tự động còn lại tại tất cả các trạm thu phí và hoàn thành trong tháng 6/2022; Rà soát quy định Hợp đồng, quy định pháp luật, kịp thời xem xét dừng thu phí đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý không hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt hệ thống.

Tổng cục Đường bộ rà soát tổng thể phương án triển khai, xây dựng các kịch bản có thể phát sinh và các giải pháp xử lý, bảo đảm triển khai thành công thí điểm thu phí theo hình thức điện tử không dừng đối với tất cả các làn xe trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong tháng 6/2022.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. 

Cơ quan này cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua việc tổ chức hội thảo, đối thoại trực tiếp với chủ phương tiện và các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tuyến cao tốc đi qua; Mở nhiều điểm dán thẻ tại tất các các điểm ra vào tuyến cao tốc, tạo thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông.

Về tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến nay, đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu ETC. Trong đó Bộ GTVT quản lý 69 trạm, địa phương quản lý 44 trạm.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang đôn đốc nhà đầu tư BOT, các địa phương để lắp 48 làn ETC thuộc các trạm do Bộ GTVT quản lý và 52 làn ETC thuộc các trạm do địa phương quản lý…

Đối với việc triển khai thí điểm thu phí không dừng tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên tỷ lệ phương tiện đã dán thẻ tại các tỉnh, thành phố tuyến đường cao tốc đi qua đạt trung bình 65%, tăng khoảng 10% so với tháng trước đó. Tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC trên tuyến đạt 50% trên tổng lưu lượng xe, tăng khoảng 5% so với tháng trước đó.

CV