Chiều nay (26/11), Trạm thu phí Cầu Rác, án ngữ trên QL 1A đoạn qua huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã được tháo dỡ xong.

Đây là Trạm thu phí từng được báo chí nhiều lần phản ánh vì đặt nhầm chỗ, đã dừng thu phí, bỏ hoang 2 năm nay. Khiến nơi đây như bẫy giao thông, trở thành điểm "tử thần" khi nhiều vụ TNGT đã xảy ra.

leftcenterrightdel
 BOT Cầu Rác bỏ hoang từng xảy ra nhiều vụ TNGT.

Việc tháo dỡ Trạm thu phí này cũng từng gây ồn ào, khi phía Chi cục quản lý đường bộ 2 ban đầu đề xuất kinh phí tháo dỡ 3,3 tỉ đồng, sau đó hạ xuống dưới 500 triệu đồng.

Đến nay, sau 1 tuần tiến hành tháo dỡ, phần mái trạm đã tháo xong, giải phân cách phân làn cũng đã được phá bỏ, thảm bê tông trả lại mặt bằng để các phương tiện lưu thông an toàn.

Trạm thu phí Cầu Rác, hay còn gọi BOT Cầu Rác trước đây do Công ty TNHH Một thành viên hạ tầng Sông Đà (Tổng công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư, đặt trên QL1A (thuộc địa phận xã Cẩm Trung, H.Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

leftcenterrightdel
 Nhiều phương tiện qua đây gặp tai nạn nghiêm trọng.

Ngay từ khi BOT này hình thành, đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương và cánh tài xế, bởi BOT Cầu Rác dựng lên để thu phí hoàn vốn cho tuyến đường QL1A đoạn tránh TP Hà Tĩnh ở cách đó…30km!

Những năm 2016, 2017, 2018, BOT Cầu Rác liên tục gặp phản ứng của lái xe. Người dân ở 2 huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhiều lần dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản đối.

Đến ngày 27/4/2017, các phương tiện của người dân có hộ khẩu ở 2 huyện nói trên mới được miễn phí qua trạm.

Ngày 21/2/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư BOT Cầu Rác tạm dừng thu phí.

Từ đó đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, BOT Cầu Rác bỏ hoang, nằm án ngự, chắn ngang QL1A khiến dư luận người dân và lái xe qua trạm bất bình, bức xúc.

Được biết, tỉnh Hà Tĩnh cũng đã nhiều lần đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tháo dỡ trạm thu phí này.

leftcenterrightdel
 Hiện trường tại BOT Cầu Rác khi đã hoàn thành tháo dỡ.

Số tiền ước tính ban đầu để tháo dỡ BOT Cầu Rác được dự trù kinh phí là 3,3 tỷ đồng. Việc này, đã khiến dư luận cho rằng đó là một số tiền quá lớn cho việc tháo dỡ khu nhà trạm. Bởi trước đó, trong năm 2020, BOT hầm Đèo Ngang (Hà Tĩnh) cũng được tháo dỡ, nhưng số tiền chỉ 1,8 tỷ đồng.

Sau khi báo chí lên tiếng, số tiền được phê duyệt để tháo dỡ BOT Cầu Rác chỉ còn gần 500 triệu đồng.

Mẫn Phong