Ngay trong sáng 1/10, đoàn tàu SNT2 gồm 11 toa (mới đưa vào khai thác cuối năm 2018), đã về đến ga cuối của hành trình là ga Nha Trang (Khánh Hòa), cách vị trí xảy ra tai nạn hơn 100km về phía Bắc, mang theo hơn 200 hành khách, ngoài trừ đầu máy số hiệu D19E-955, được giữ tại ga Phước Nhơn (Ninh Thuận), phục vụ hoạt động nghiệp vụ.
Phát hiện ô tô băng qua đường sắt nhưng không thể dừng tàu
Tiếp xúc với phóng viên Bảo vệ pháp luật tại ga Nha Trang, Trưởng tàu Nguyễn Văn Ban, cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn (lúc 4h21’ ngày 1/10), lái tàu và tổ tàu trong tình trạng tỉnh táo, đã sớm phát hiện xe container đang băng qua đường sắt, ở khoảng cách khoảng hơn 200m, kịp thời thao tác hãm tàu, xử lý tàu ngừng.
Tuy nhiên, do khoảng cách quá gần, tàu không thể dừng hẳn, chỉ giảm tốc độ xuống còn khoảng 40-50km/h.
“Muốn tàu ngừng thì phải xử lí hãm tàu ở khoảng cách 800m, trong khi khoảng cách trong trường hợp này chỉ có 200m, nên tàu không thể dừng hẳn, chỉ giảm tốc độ”- Trưởng tàu chia sẻ.
Đầu máy hư hỏng hoàn toàn!
Theo Trưởng tàu, thời điểm trước khi xảy ra va chạm với xe container, tàu SNT2 đang vận hành với tốc độ khoảng hơn 70km và chở 244 hành khách.
Mặc dù đã thực hiện thao tác hãm, xử lí ngừng tàu, tuy nhiên, do khoảng cách gần, tốc độ tàu tại thời điểm xảy ra va chạm vẫn rất lớn, khoảng 40-50km/h, trong khi xe container chở đầy sắt thép, nên lực va đâm rất mạnh.
Thời điểm xảy ra va chạm, đầu xe container đã vượt qua đường ray. Đầu máy xe lửa tông vào giữa thùng xe container, khiến thùng xe biến dạng, đầu xe lật ngửa.
Trong khi đầu máy xe lửa ở nửa bên lái phụ biến dạng, máy tàu hư hỏng hoàn toàn.
11 toa xe, có 5 toa, từ toa 1-5 bị xước, thủng một vệt dài bên thành tàu, do trà sát với thùng xe container.
Sau khi xảy ra tai nạn, Tổ tàu phối hợp với các bộ phận chức năng và thanh tra công an giao thông đường sắt lập biên bản hiện trường, bàn giao đầu máy có gắn thiết bị ghi tốc độ (hộp đen), cho Đội cứu viện đường sắt.
Cũng theo Trưởng tàu, tai nạn không gây thương vong, chỉ có lái tàu và lái phụ bị trầy xước nhẹ. “Sau tai nạn, chúng tôi đã cho anh em đi kiểm kê, không phát hiện hành khách bị thương tích. Có chăng chỉ là trầy xước nhẹ, không đến mức phải cấp cứu”- Trưởng tàu Nguyễn Văn Ban, nói.
Đã đề nghị lắp đền cảnh báo tự động
Trưởng tàu cho biết, theo Luật Đường sắt, khi phương tiện giao thông muốn băng qua đường sắt không có rào chắn, người điều khiển phương tiện phải dừng lại quan sát, khi không có tàu mới được vượt qua. Ở điểm giao này, đây là đường ngang cấp 3, không có đèn đỏ, tuy nhiên có đầy đủ biển báo theo quy định.
Đường bộ giao với đường sắt ở góc nghiêng, vị trí tài xế xe cùng bên với hướng tàu chạy và không có vật cản, không có cây cối, nếu chú ý, tài xế ô tô có thể dễ dàng quan sát được đoàn tàu đang chạy tới. Tuy nhiên tài xế đã điều khiển xe băng qua đường sắt mà không quan sát thực tế hiện trường và hệ thống bảng tín hiệu.
Trả lời câu hỏi vì sao đường bộ là tỉnh lộ giao với đường sắt nhưng không có rào chắn, Trưởng tàu Nguyễn Văn Ban cho hay, để lập một trạm gác chắn đòi hỏi phải có 4 nhân lực.
Tại vị trí xảy ra tai nạn, đã có kiến nghị lắp đèn cảnh báo tự động (gồm đèn và chuông), tuy nhiên do nguồn vốn hạn hẹp, ngành đường sắt chưa có điều kiện trang bị đủ.
Dưới đây là một số hình ảnh hiện trường vụ tai nạn (ảnh Nguyễn Huân & CTV):
|
|
Đầu máy xe lửa biến dạng, máy tàu hư hỏng. |
|
|
5 toa tàu, từ toa 1 đến toa 5 bị xước, thủng một vệt dài. |