(BVPL) - Ngoài hầm Thủ Thiêm hiện hữu, TP HCM sẽ xây thêm hầm Thủ Thiêm 2 băng qua sông Sài Gòn. Cùng với đó hàng loạt cầu như Bình Khánh, Thủ Thiêm 2, 3, 4, Bình Quới 1, 2... sẽ được xây.
 


Cũng theo quyết định của Thủ tướng, TP HCM sẽ xây dựng, hoàn thiện 5 trục cao tốc có năng lực thông xe lớn gồm: TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (dài 55 km, quy mô 6-8 làn xe); TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (dài 69 km, 6-8 làn xe); TP HCM - Mộc Bài (dài 55 km, 4-6 làn xe); Bến Lức - Long Thành (dài 58 km, 6-8 làn xe); Biên Hòa - Vũng Tàu (dài 76 km, 6-8 làn xe). Tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương sẽ được mở rộng quy mô 8 làn xe.

Hệ thống đường trên cao cũng được xây dựng gồm 5 tuyến với tổng chiều dài 70,7 km, quy mô 4 làn xe. 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối với các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô cũng nằm trong kế hoạch xây dựng của TP HCM. Hệ thống xe buýt nhanh (BRT) theo quy hoạch sẽ có 6 tuyến (tuyến đầu tiên dọc theo đại lộ Đông - Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2017).

Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được cải tạo, nâng cấp để đạt công suất 23,5 triệu khách và 600.000 tấn hàng hóa một năm. Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, dự kiến được triển khai sau năm 2015.

Theo quy hoạch, quỹ đất dành cho hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM đến năm 2020 khoảng 22.305 ha, chiếm 22,3% quỹ đất xây dựng của thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị, taxi) thị phần đảm nhận 20-25%; giao thông cá nhân (ôtô, xe máy, xe đạp) thị phần đảm nhận 72-77%...
 

Theo vnexpress

.