Ngày 18/1, tại Hội nghị tổng kết năm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trong năm 2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiến nghị: Xử lý tài chính gần 36 nghìn tỷ đồng; “Bịt” các lỗ hổng về cơ chế, chính sách thông qua việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản; đồng thời kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng trăm tập thể, cá nhân.

 


Đáng chú ý, KTNN đã chuyển 3 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra. Trong đó có hai vụ việc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật thuế của Cty TNHH TM DV Dầu khí Hoàng Ngân tại Bà Rịa- Vũng Tàu, Cty TNHH Đoàn Kết tại Kon Tum, một vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý đầu tư tại dự án xây dựng công trình Nhà máy sản xuất phân bón Diamon Photphat số 2, thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; cung cấp 13 hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, giám sát và thực hiện tố tụng.

Theo ông Tiên, tổng số kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đến hết năm 2016 là trên 14 nghìn tỷ đồng, bằng 74,1% số kiến nghị đủ bằng chứng. Sau nhiều lần đôn đốc, một số đơn vị đã thực hiện đầy đủ kết luận và kiến nghị kiểm toán, như: Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội đã nộp 931 tỷ đồng; Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn nộp 408 tỷ đồng; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nộp 4.178 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo KTNN, 2017 là năm tổ chức triển khai kiểm toán đối với niên độ ngân sách đầu tiên của giai đoạn 2016 – 2020 với nhiều chủ trương, chính sách mới được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ban hành. Nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay sẽ thực hiện 234 cuộc kiểm toán, trong đó tập trung đánh giá toàn diện công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, xác nhận báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước năm 2016; công tác quản lý nợ công, quản lý và sử dụng đất đô thị, khu kinh tế, đất tái định cư và đất nông, lâm trường, tài nguyên, khoáng sản; các dự án giao thông đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, sử dụng vốn ODA…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Luật KTNN sửa đổi có nhiều điểm mới, nâng cao vị trí, vai trò của KTNN, đồng thời cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của KTNN. Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị KTNN tiếp tục phát huy truyền thống hơn 20 năm qua, nhanh chóng đưa Luật KTNN 2015 vào cuộc sống, đồng thời nâng cao chất lượng kiểm toán.

 

Theo Luân Dũng/Tiền phong

.